Thúc đẩy bình đẳng giới trong chương trình, SGK mới

GD&TĐ - Giai đoạn 2016 – 2020, với sự hỗ trợ của Unesco, Bộ GD&ĐT đã xây dựng Kế hoạch hành động bình đẳng giới. Trong đó 1 trong 6 mục tiêu là đảm bảo các vấn đề giới, bình đẳng giới được lồng ghép trong chương trình tổng thể, chương trình môn học, SGK giáo dục phổ thông mới.

Thúc đẩy bình đẳng giới trong chương trình, SGK mới

Trong mục tiêu này có 3 chỉ tiêu cụ thể. Chỉ tiêu 1: Nội dung, chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới được điều chỉnh và loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Chỉ tiêu 2: 100 % Ban soạn thảo, thẩm định chương trình và sách giáo khoa phổ thông sử dụng tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa (tài liệu được xây dựng trong khuôn khổ Sáng kiến về Giới).

Chỉ tiêu 3: Nội dung về giới tính, giới, bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, tình dục và phòng chống bạo lực học đường được giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt ở các trường sư phạm.

Nỗ lực lồng ghép giới trong chương trình, SGK phổ thông

Chia sẻ điều này, ông Trần Kim Tự - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Để có thể đạt được 3 chỉ tiêu và mục tiêu nêu trên, với sự hỗ trợ của Unesco văn phòng Hà Nội, trong khuôn khổ Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái tại Việt Nam, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đã điều phối các hoạt động có liên quan, hỗ trợ các đơn vị chức năng của Bộ tham gia sáng kiến này, thực hiện và hoàn thiện một số hoạt động nâng cao năng lực và xây dựng tài liệu kỹ thuật.

Cụ thể, tập huấn về lồng ghép giới trong biên soạn và thẩm định sách giáo khoa giáo dục phổ thông cho 100 cán bộ, giảng viên 3 miền – đây là những người đã từng và có nhiều khả năng được mời tham gia vào công tác biên soạn và thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

Xây dựng, hoàn thiện và ban hành tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong xây dựng chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Cũng theo ông Trần Kim Tự, sau khi có quyết định của Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch hành động về bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã phối hợp với Unesco tổ chức tập huấn cho toàn bộ 63 sở GD&ĐT trên toàn quốc, cũng như các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD&ĐT về xây dựng, thực hiện và theo dõi, đánh giá kế hoạch hành động bình đẳng giới của cấp địa phương, nhằm đảm bảo các mục tiêu đề ra của kế hoạch, trong đó có mục tiêu về lồng ghép giới trong chương trình, SGK.

Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và thí điểm thành công 1 khóa học điện tử về đáp ứng giới trong công tác giảng dạy và quản lý nhà trường cho cán bộ quản lý, giáo viên 30 trường phổ thông tại 3 thành phố Hà Nội, Huế và TP Hồ Chí Minh. Sau thí điểm, khóa học được đăng tải trên website Bộ GD&ĐT để cung cấp miễn phí khóa học tới các giáo viên toàn quốc và những người quan tâm.

“Chúng tôi cũng đã triển khai 3 khóa tập huấn cho 180 tập huấn viên nòng cốt là giảng viên các trường sư phạm trên toàn quốc và 1 số trường phổ thông thuộc 3 vùng về đáp ứng giới trong nhà trường.

Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục đồng thời phối hợp với các vụ chức năng của Bộ thực hiện rà soát, báo cáo các nội dung liên quan đến vấn đề giới trong SGK lên Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, nhằm cung cấp thông tin chân thực lên cơ quan giám sát của Quốc hội, giúp thúc đẩy vấn đề bình đẳng giới trong SGK được tiến hành sớm, có hiệu quả” – ông Trần Kim Tự cho hay.

Những gợi ý đưa nội dung về giới trong chương trình, SGK mới

Theo ông Trần Kim Tự, Bộ GD&ĐT đang biên soạn chương trình, SGK phổ thông. Đây là cơ hội để đưa vấn đề bình đẳng giới vào nhằm khắc phục những khiếm khuyết của chương trình cũ, cụ thể trong SGK.

Bộ GD&ĐT nghiên cứu đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào các chương trình giáo dục trong nhà trường phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo như:

Dùng hình ảnh, từ ngữ/biểu đồ, sự kiện, vật thể,… tự nhiên trung tính một cách hợp lý, thay vì quá nhiều hình ảnh con người;

Thể hiện thêm hình ảnh và hành động tích cực hơn của trẻ em trai/đàn ông, thay vì chỉ gán em trai với những hành vi tiêu cực như vật lộn, chơi đùa trên đường phố, hút thuốc, vứt rác…

Thể hiện thêm hình ảnh thầy giáo trong cấp học mẫu giáo, tiểu học. Nên thận trọng, cân nhắc kỹ càng vấn đề giới khi xây dựng nhân vật trong các câu chuyện và khi vẽ hình minh họa.

Thêm hình ảnh trẻ em trai/nam giới làm việc nhà như là hoạt động thường ngày hơn là chỉ khi người mẹ/vợ mang thai hoặc ốm đau.

Bổ sung hình ảnh về trẻ em gái/phụ nữ biểu hiện tự tin, năng động, hoạt bát, điều hành hướng dẫn người khác hơn là thường chỉ ngồi yên lắng nghe;

Trong các hình minh họa về thuyết trình, nói chuyện, tránh (phần lớn) hình ảnh, tình huống, lời nói mà nhân nam chỉ dẫn nhân vật khác giới (phần lớn là nữ) phải làm gì mà nên chú trọng đối thoại bình đẳng.

Rà soát và xem xét, giải thích tránh phân biệt giới khi sử dụng những từ ngữ như “người trụ cột trong gia đình”, “cháu đích tôn”, “phái mạnh” mặc định cho nam giới; hoặc “dịu dàng”, “nội trợ”, “phái yếu” mặc định đối với nữ…

Rà soát, loại bỏ những thành ngữ, tục ngữ và bài hát phân biệt đối xử với trẻ em gái và phụ nữ; tìm cách giải thích các tác phẩm đó với cách nhìn mới có sự nhạy cảm giới.

Cần đề cập đến những vấn đề bạo lực gia đình, bạo lực và bắt nạt trong trường học trên cơ sở giới trong môn Giáo dục công dân. Nhấn mạnh vai trò của phụ nữ như là những người làm kinh tế… Các bài học giúp học sinh nhận thức được việc bảo vệ mình trước vấn đề xâm hại sẽ có trong một số môn học…

“Cũng cần tiếp tục thực hiện các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực về giới, bình đẳng giới, lồng ghép giới trong việc xây dựng và thẩm định chương trình, SGK cho đội ngũ những người làm công tác biên soạn, thẩm định chương trình, SGK; lưu ý sử dụng các tài liệu hướng dẫn sẵn có của Liên hợp quốc, trong đó có của Unesco về vấn đề này” – ông Trần Kim Tự nhấn mạnh thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.