Tác phẩm ông để lại có “Thuật hoài” - bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc vừa thể hiện tầm vóc vũ trụ của tráng sĩ đời Trần, vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của một nhân cách cao cả đối với đất nước. “Thuật hoài” là tiếng lòng của một nhà thơ – tướng lĩnh mang âm vang của thời đại, âm vang “Hào khí Đông A” một thời.
Âm vang thời đại nhà Trần
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nhà Trần (1225 – 1400) là một trong những triều đại lớn mạnh, phát triển rực rỡ nhất. Suốt 175 năm trị vì, nhà Trần đã có rất nhiều thành công về văn hóa, tôn giáo cũng như quân sự. Điểm sáng nhất của triều Trần chính là việc lãnh đạo nhân dân ba lần đánh bại quân xâm lược Mông - Nguyên. Có được thành công đó là bởi triều đại phong kiến này đã tạo được sự đồng tâm, nhất trí tối cao từ trên xuống dưới, từ quân đến dân, từ già đến trẻ. Trước kẻ địch cường mãnh nhất thế giới lúc bấy giờ là quân Mông - Nguyên, nhân dân ta vẫn thể hiện được tinh thần tự lập, tự cường, lòng yêu nước vô hạn. Hoàn cảnh lịch sử ấy đã tạo nên “Hào khí Đông A”. Hào khí ấy đã kết tinh rực rỡ trong nhiều câu chuyện lịch sử.
Khi đất nước có giặc “Hào khí Đông A” được cất thành tiếng hịch của một vị tướng lĩnh truyền đến ba quân: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; Chỉ mong được xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù; Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài cỏ nội, nghìn xác này bọc trong da ngựa ta cũng cam lòng” (Hịch tướng sĩ - Trần Quốc Tuấn). Năm 1284, quân Nguyên kéo năm mươi vạn quân hòng xâm lược nước ta lần nữa. Trước nguy cơ đó, Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước về điện Diên Hồng để hỏi nên chủ hòa hay chủ chiến. “Muôn người cùng hô một tiếng như bật ra từ một cửa miệng: Đánh!”.
Trong thời đại ấy cũng lưu truyền về câu chuyện của một người đan sọt, là chàng trai làng Phù Ủng, Phạm Ngũ Lão.
Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Gia cảnh nghèo khó, cha chẳng may mất sớm, người mẹ tảo tần một mình nuôi con, Phạm Ngũ Lão ngày càng tỏ rõ chí phi thường, chăm chỉ rèn luyện, ham học hỏi. Thương mẹ già ngày một đau yếu, Ngũ Lão làm đủ mọi việc kiếm kế sinh nhai. Nhà ở sát đường cái nên ngày ngày chàng thanh niên ấy thường ngồi bên vệ đường vót nan đan sọt để đem bán. Một hôm, có đoàn người ngựa của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn kéo qua làng. Mọi người đổ ra xem chật kín đường, riêng Phạm Ngũ Lão vẫn cắm cúi ngồi đan sọt. Quân lính ra sức thét đuổi, nhưng người đó như không nghe thấy gì.
Đám lính lấy giáo đâm vào đùi, mặc cho máu chảy đầm đìa, người ấy vẫn tiếp tục công việc. Hưng Đạo Đại Vương thấy chuyện lạ gặng hỏi: “Đùi nhà ngươi bị đâm như thế mà không biết đau sao?”. Phạm Ngũ Lão chừng tỉnh, đứng dậy chỉnh trang quần áo, chắp tay thưa: “Bẩm Đại vương, kẻ quê mùa này đang mải nghĩ mấy điều trong binh thư nên không hay biết chuyện xung quanh, xin Đại vương rộng lòng xá tội!”.
Thấy chàng trai tướng mạo khôi ngô, ăn nói đĩnh đạc lại thông thạo binh thư, Hưng Đạo Đại Vương đưa ông về kinh, thu nạp gia tướng và gả con gái nuôi cho. Ít lâu sau, Hưng Đạo Vương tâu xin vua Trần tiến cử Phạm Ngũ Lão làm Điện tiền chỉ huy sứ. Năm 1284, Phạm Ngũ Lão được giao trọng trách dẫn quân đi đánh giặc Nguyên - Mông xâm lược lần thứ hai. Sau chiến thắng đó, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ ba (1887 – 1288), một lần nữa, Phạm Ngũ Lão lại cất quân chặn đường rút lui của nguyên soái Thoát Hoan.
Vua Trần đặc biệt ưu ái vị dũng tướng này, đã ban cho ông phủ đệ ngay trong vườn cau ở kinh thành để tiện bề gặp mặt. Khi Phạm Ngũ Lão mất, vua Trần Minh Tông thương tiếc, cho bãi triều năm ngày để tưởng nhớ bậc lương đống của triều đình. Đó là một ân điển đặc biệt thời bấy giờ, ngay cả vương hầu nhà Trần cũng ít người được hưởng.
Người đan sọt năm xưa không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là người thích đọc sách ngâm thơ và từng được ngợi ca là văn võ song toàn. Tác phẩm ông để lại cho đời là “Thuật hoài” và “Vãn Thượng tướng quốc công Hưng Đạo Đại Vương”. “Thuật hoài” là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt ngắn gọn, hàm súc vừa thể hiện tầm vóc vũ trụ của tráng sĩ đời Trần với khí thế hào hùng, vừa thể hiện ý thức trách nhiệm của một nhân cách cao cả đối với đất nước. Bài thơ âm vang “Hào khí Đông A” một thời.
Tiếng lòng của nhà thơ – tướng lĩnh
Phạm Ngũ Lão thuộc kiểu nghệ sĩ vừa là tướng lĩnh, vừa là nhà thơ. Là một vị tướng trực tiếp chiến đấu, có công lớn đối với đất nước, là người đứng ở vị trí trung tâm hiện thực của thời đại mình, bởi vậy thơ ca của vị tướng này là tiếng lòng được cất lên từ hiện thực chiến đấu, mang âm vang bóng dáng của cả thời đại.
Thời đại hào hùng của nhà Trần đã đi vào bài thơ “Thuật hoài”, dựng nên bức tượng đài sừng sững:
Hoành sóc giang san kháp kỉ thu
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
(Múa giáo non sông đã mấy thu
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu)
Bức tượng đài được tạo dựng bởi hình ảnh của tráng sĩ oai phong cùng đội quân hùng mạnh khí thế nuốt trôi trâu.
Hình ảnh người anh hùng vệ quốc xuất hiện trong tư thế cắp ngang ngọn giáo, vững chãi, kiên cường, đảm lãnh trọng trách trấn giữ đất nước. Ở câu thơ mở đầu này, cụm từ hoành sóc dịch thơ là múa giáo thì chưa được sát nghĩa. Múa giáo là thiên về hình thức biểu diễn tay nghề cung kiếm, thiên về nghệ thuật, còn cắp ngang ngọn giáo gợi một dáng đứng tự tin, kiêu hãnh, gợi tư thế uy nghi, sẵn sàng đối mặt với mọi thử thách. Tư thế hoành sóc toát lên sức mạnh nội lực phi thường.
Kích cỡ của cây giáo trong tay tráng sĩ là ngọn trường giáo, được đo bằng chiều dài của cả giang sơn. Ngọn giáo ấy cũng đã bên tráng sĩ qua mấy thu. Nhiệm vụ cao cả trấn giữ đất nước không phải ngày một ngày hai mà sừng sững qua bao năm. Không gian non sông rộng lớn và thời gian không xác định (đã mấy thu) trở thành tấm phông vũ trụ tôn lên dáng đứng kiêu hùng của con người thời đại Đông A.
Con người nào làm nên thời đại ấy. Tướng nào quân ấy. Trong hai câu thơ, câu trên là tướng, câu dưới là quân. Tướng cắp ngang ngọn giáo dẫn theo ba quân với sức mạnh phi thường cùng trấn giữ non sông, đất nước. Ba quân ở đây là tiền quân (quân đội đi trước), trung quân (quân đội đi giữa), hậu quân (đội quân đi sau), nhưng ba quân còn là để chỉ quân đội nhà Trần, cũng để chỉ sức mạnh của cả dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Sức mạnh của ba quân với sức mạnh khí thôn ngưu. Có hai cách hiểu cụm từ này: Có thể hiểu khí thôn ngưu là khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu; cũng có cách hiểu khí thôn ngưu là khí thế át cả sao Ngưu. Cách hiểu thứ nhất tô đậm ấn tượng về sức mạnh vật chất, cụ thể của đội quân; cách hiểu thứ hai gợi khí thế hùng dũng, lớn lao, phi thường - khí thế xung thiên của ba quân. Dù cảm nhận ý thơ theo cách nào thì câu thơ vẫn đem đến cho người đọc ấn tượng nổi bật về khí lực hào hùng của quân đội nhà Trần trong công cuộc vệ quốc vĩ đại.
Hai câu thơ đã làm sống dậy hào khí của một thời đại anh hùng - Hào khí Đông A với tiếng hò vang lịch sử của các bô lão ở Hội nghị Diên Hồng; với hình ảnh quân đội đánh giặc khắc trên cánh tay hai chữ Sát thát (lời thề giết giặc Nguyên); gợi hình ảnh vị tướng Trần Quốc Tuấn muốn xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù; gợi hình ảnh tuổi nhỏ nhưng chí lớn của Trần Quốc Toản với lá cờ thêu sáu chữ vàng Phá cường địch, báo hoàng ân… Giờ lại có thêm một ngọn giáo, một tướng lĩnh, một đội quân, ta thêm cảm phục sức mạnh của một thời đại, một dân tộc.
Sức mạnh ấy, hào khí ấy đã chặn đứng bước chân xâm lược của đội quân hung bạo với cơn lốc thôn tính quét từ Tây sang Đông, đội quân xâm lược từng làm khiếp sợ cả những quốc gia rất mực hùng cường, đội quân đi đến đâu cỏ không mọc được ở đó, quân Mông - Nguyên. Trước sức mạnh và hào khí phi thường của quân đội nhà Trần cả ba lần vó ngựa giặc Mông đặt chân lên đất nước ta đều phải trở gót quay lui, chịu thất bại thảm hại. Bằng sức mạnh và hào khí ấy, tráng sĩ và ba quân đã thực hiện được ước nguyện ngàn đời: Non sông nghìn thuở vững âu vàng (Trần Nhân Tông).
Thuật hoài là bày tỏ nỗi lòng. Phạm Ngũ Lão đã mượn thơ để tỏ lòng, tỏ chí khí, tỏ cảm xúc, tình cảm, ước mơ, tỏ thế giới nội tâm. Nỗi lòng ấy ở hai câu thơ đầu được tỏ bày gián tiếp, tỏ bằng hình tượng. Thông qua hình tượng tráng sĩ và ba quân, nhà thơ khẳng định ý thức, trọng trách của nam nhi đối với đất nước, thể hiện niềm tự hào về sức mạnh của thời đại, của dân tộc.
Hai câu thơ đầu mang âm hưởng hào hùng hào sảng của sức mạnh tướng lĩnh và ba quân, đến hai câu sau, giọng điệu lắng lại, nhà thơ Phạm Ngũ Lão bày tỏ cảm xúc trực tiếp:
Nam nhi vị liễu công danh trái
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Công danh nam tử còn vương nợ
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu).
Người xưa quan niệm làm trai là phải có chí. Chí khí ấy gắn với công danh: Lập công (để lại sự nghiệp) để lập danh (lưu lại tiếng thơm). Ý nghĩa tích cực của quan niệm công danh đối với kẻ làm trai là ở chỗ nó thể hiện nghĩa vụ đối với đời, với dân, với nước, không đơn thuần chỉ là chuyện lập công trạng để khẳng định bản thân. Thời bình, công danh là nợ thi thư, học hành, thi cử, đỗ đạt, ra làm quan để giúp vua, giúp nước. Thời loạn, nợ công danh là ra trận, lập công, là Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài yên (Ca dao), là Chỉ ngang mũi giáo vào ngàn hang beo (Đặng Trần Côn). Chẳng thế mà sau này Nguyễn Công Trứ tâm niệm: Không công danh thà nát với cỏ cây, hay Đã mang lấy tiếng trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông.
Với Phạm Ngũ Lão, công danh vẫn là một món nợ lớn. Món nợ ấy gắn với mối băn khoăn thường trực của người làm trai về nghĩa vụ của mình với dân tộc. Trấn giữ non sông đã mấy thu vẫn chưa đủ, chưa thỏa, khát vọng lập công, khát vọng cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước vẫn luôn đau đáu trong lòng chàng trai đan sọt năm xưa.
Không chỉ cảm thấy còn vương nợ công danh, nhà thơ còn tỏ nỗi thẹn khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.
Thẹn là một trạng thái tâm lí thường có ở con người khi nhận ra sự thật về chính mình, đó là sự kém cỏi, chưa phải, chưa xứng đáng… mà thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Nỗi thẹn của Phạm Ngũ Lão xuất phát từ một con người thường trực trách nhiệm với đất nước. Từ một chàng trai đan sọt mải mê suy ngẫm chuyện thời thế, được Hưng Đạo Đại Vương đưa về làm gia khách, rồi giữ đội quân hậu vệ, tham gia và lập chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, là vị tướng tài ba của nhà Trần, làm đến chức Điện súy, được phong tước quan Nội hầu, vậy mà con người ấy vẫn thấy thẹn vì tự thấy chưa được như Vũ hầu - Gia Cát Lượng thuở trước.
Đó là cái thẹn của một người anh hùng chưa thỏa chí lớn, còn khát khao muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước. Cái hay của bài thơ là kết tinh ở chữ thẹn. Có thể xem đó là nhãn tự. Với trạng thái thẹn ta bắt gặp một cách thể hiện lòng yêu nước thật sâu sắc mà không kém phần mãnh liệt. Chữ thẹn làm nên một nhân cách lớn Phạm Ngũ Lão, là sự tỏa sáng, thăng hoa của Hào khí Đông A, bên cạnh ánh sáng lấp lánh của giọng điệu hào hùng trong thơ Trần Quang Khải, bên cạnh cả niềm bi phẫn của Đặng Dung trong Cảm hoài:
Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.
Cùng trạng thái thẹn như Phạm Ngũ Lão, ta bắt gặp nỗi thẹn của những nhân cách lớn: Nguyễn Khuyến thẹn trước trời đất vì Ơn vua chưa chút báo đền/ Cúi trông hổ đất ngẩng lên thẹn trời hay Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào; Phan Bội Châu cảm thấy Thẹn cùng sông buồn cùng núi tủi cùng trăng khi sự nghiệp cứu nước của người chí sĩ vẫn còn dở dang… Dù nỗi niềm, tâm trạng và thời đại có khác nhau, nhưng tựu trung các nhà thơ lớn, các nhân cách lớn đều có những nỗi thẹn cao cả.
Thuật hoài là tiếng lòng của Phạm Ngũ Lão được bày tỏ bằng thơ, tỏ cùng bạn bè trong thời đại ông, tỏ cùng những người tri âm tri kỉ ở hậu thế, nhưng có lẽ trước nhất vẫn là tỏ với chính mình, để mài sắc chí khí chiến đấu, để thỏa chí làm trai, để thực hiện hoài bão cuộc đời. Tiếng lòng ấy riêng mà chung, mang hơi thở âm vang của cả hiện thực lịch sử. Bài thơ vẻn vẹn bốn câu, hai mươi tám chữ mà ngời sáng vẻ đẹp con người và vẻ đẹp của thời đại. Quả là sức sống, giá trị của một tác phẩm văn học không phải là quy mô của nó mà là ở sự hàm súc, cô đọng, Quý hồ tinh, bất quý hồ đa. Lời Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão đã khép lại, nhưng chí khí của một vị tướng, âm vang của cả một thời đại thì vẫn còn âm vang mãi trong lòng người đọc.