Thanh niên tình nguyện - Chiếc cầu nối công nghệ
Ở nhiều xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hà Tĩnh, việc người dân sử dụng điện thoại thông minh để nộp hồ sơ hành chính trực tuyến vẫn còn khá xa lạ, nhiều trở ngại. Tuy nhiên, với sự đồng hành của lực lượng thanh niên tình nguyện, quá trình tiếp cận công nghệ số đang trở nên gần gũi, thuận tiện và dễ dàng hơn.
Tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công xã Sơn Kim 1, ngay từ sáng sớm, nhóm thanh niên tình nguyện đã có mặt để hỗ trợ người dân sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia. Họ hướng dẫn từng người cách đăng nhập, kê khai hồ sơ và thực hiện các thủ tục trực tuyến.
Tình nguyện viên Nguyễn Phạm Ánh Dương, học sinh lớp 10 Trường THPT Cao Thắng, chia sẻ: “Nhiều người dân nơi đây vẫn quen đăng ký và kê khai bằng giấy, nên khi chuyển sang làm thủ tục bằng sử dụng điện thoại, không ít người lúng túng, không biết cách thao tác. Có bác cầm điện thoại mà không gõ được chữ, phải chỉ tận tay. Có người mắt kém, chúng em còn phải đọc và kê khai giúp”.
Với Dương, mùa Hè này là mùa Hè tình nguyện ý nghĩa nhất trong những năm em tham gia. Em cùng các bạn không chỉ hướng dẫn thao tác, mà còn tạo cảm giác thân thiện, gần gũi để người dân yên tâm khi lần đầu tiếp xúc với các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Sơn Kim 1 là xã biên giới phía Tây Hà Tĩnh, có địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, trình độ tiếp cận công nghệ không đồng đều. Trước thời điểm mô hình chính quyền hai cấp chính thức vận hành từ đầu tháng 7/2025, Đoàn xã đã chủ động thành lập 3 tổ hỗ trợ cộng đồng, phụ trách hướng dẫn người dân tại cả 9 thôn trong xã. Các tình nguyện viên được phân chia ca trực tại trung tâm hành chính để đảm bảo luôn có người sẵn sàng hỗ trợ.
Theo Bí thư Đoàn xã Sơn Kim 1 Nguyễn Thị Sâm, chính sự nhanh nhạy trong sử dụng công nghệ của các bạn trẻ đã khiến người dân không còn cảm thấy e ngại hay lúng túng khi sử dụng điện thoại thông minh. Nhờ vậy, người dân bắt đầu thấy thủ tục hành chính trở nên nhanh gọn, tiện lợi và chủ động hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ số.
Không chỉ có học sinh, lực lượng thanh niên tình nguyện còn có sự tham gia của các đoàn viên, cán bộ xã. Ngoài việc hướng dẫn thực hiện thủ tục trực tuyến, họ còn giúp người dân biết cách gửi phản ánh, góp ý thông qua hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành của chính quyền số tại cơ sở.
Cùng với Sơn Kim 1, xã Sơn Kim 2 cũng triển khai các đội hình thanh niên hỗ trợ người dân trong công tác chuyển đổi số. Mặc dù, xã không thuộc diện sáp nhập, nhưng lại có khối lượng giao dịch hành chính lớn, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đất đai. Tại đây, các đội “Bình dân học vụ số” được duy trì hoạt động thường xuyên trong tháng 7 để hướng dẫn người dân truy cập, đăng nhập và xử lý hồ sơ hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Lan tỏa rộng khắp tinh thần số hóa
Trên toàn tỉnh Hà Tĩnh, từ đầu tháng 7 - thời điểm chính quyền hai cấp chính thức đi vào vận hành - các đội hình thanh niên tình nguyện đã được triển khai đồng loạt tại 69 xã, phường. Các đội chủ yếu hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, giúp giảm tải áp lực cho cán bộ công vụ và thúc đẩy người dân làm quen với môi trường hành chính công hiện đại.
Từ ngày 7/7, Đoàn xã Tiên Điền đã triển khai đội hình, bố trí lực lượng hỗ trợ người dân tại Trung tâm Hành chính công. Theo Bí thư Đoàn xã Lê Thị Giang, đội hình hỗ trợ có 8 thành viên, mỗi ngày sẽ có 2 tình nguyện viên túc trực để hỗ trợ người dân đến làm thủ tục.
“Mục tiêu lớn nhất của đội tình nguyện là giúp người dân hoàn tất các thủ tục nhanh chóng, thuận lợi và thông suốt. Sau khi trung tâm hành chính vận hành ổn định, đội sẽ tiếp tục xuống tận thôn, tổ dân phố để hỗ trợ thêm cho người dân chưa có điều kiện tiếp cận công nghệ”, bà Lê Thị Giang cho hay.
Đoàn phường Trần Phú (Hà Tĩnh) là một trong những đơn vị đầu tiên trong toàn tỉnh triển khai mô hình tình nguyện viên hỗ trợ vận hành hành chính công. Ngay sau khi các xã/phường thực hiện sáp nhập, từ mùng 2/7, Đoàn phường đã triển khai đội hình túc trực mỗi ngày tại Trung tâm phục vụ hành chính công địa phương. Đây là một trong những đơn vị hành chính có quy mô rộng được sáp nhập trên diện tích của 4 xã/phường (Thạch Trung, Thạch Hạ, Đồng Môn, Hộ Độ thuộc thành phố Hà Tĩnh cũ), chính vì vậy lượng người đến làm thủ tục khá đông.
“Đoàn phường đã thành lập đội thanh niên chuyển đổi số với 7 - 10 tình nguyện viên, mỗi ngày họ chia ca luân phiên trực tại trung tâm hành chính. Nhiệm vụ chính của tình nguyện viên là hướng dẫn người dân đến đúng quầy làm việc, lấy số thứ tự, thực hiện kê khai, đăng nhập và nộp hồ sơ hành chính mức độ 3, 4. Nhờ sự trợ giúp kịp thời của đội thanh niên rành công nghệ, mọi việc diễn ra suôn sẻ, nhanh gọn, không còn tình trạng chen lấn, chờ đợi như trước”, ông Lê Đức Anh - Phó Chủ tịch UBMT, Bí thư Đoàn phường Trần Phú thông tin.
Theo bà Nguyễn Ny Hương - Phó Chủ tịch UBMTTQ, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh, đến thời điểm hiện tại, 69 xã, phường trên toàn tỉnh đã có hơn 1.150 đoàn viên tham gia các đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hỗ trợ vận hành dịch vụ hành chính công sẽ tiếp tục được duy trì từ nay đến hết tháng 8/2025. Các đội hình tình nguyện sẽ tích cực tổ chức các hoạt động tại các địa phương, đặc biệt là hoạt động “Bình dân học vụ số”, hỗ trợ các trung tâm hành chính công cấp xã. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động trọng tâm của chiến dịch TNTN hè, các hoạt động hè cho thanh thiếu nhi và kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ…