Thừa Thiên - Huế: Lớp dạy bơi ở bể xả trạm bơm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Do không có chỗ tập bơi, một trường tiểu học vùng quê tại Thừa Thiên - Huế đã tận dụng bể xả trạm bơm nước làm nơi dạy bơi cho học sinh.

Thầy giáo dạy bơi cũng là giáo viên trường.
Thầy giáo dạy bơi cũng là giáo viên trường.

Trong cái khó… “ló” sáng kiến thông minh

Huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế là vùng đất có nhiều ao hồ, sông, đầm phá. Những năm qua, một số vụ đuối nước xảy ra tại đây đã khiến cho việc dạy học đi đôi kỹ năng sống, nhất là dạy bơi cho học sinh trở nên cấp thiết.

Việc thiếu không gian học bơi, và kinh phí hạn hẹp của đa số phụ huynh khi nhiều gia đình làm nghề thuần nông, quanh năm trồng lúa, khoai sắn, nuôi đôi con gà vịt khiến cho nhiều học sinh tiểu học đến độ tuổi vẫn chưa biết bơi. Trong các buổi họp phụ huynh, ý kiến đa số cha mẹ học sinh đề nghị nhà trường có cách nào để dạy bơi cho các cháu.

Trước tình hình này, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Phú Mỹ 1 (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) đã nảy sinh ý tưởng tận dụng bể xả trạm bơm nước thủy lợi cho đồng ruộng làm nơi dạy bơi cho các học sinh trong trường. Điều này rất hợp lý khi hơn 400 học sinh trong trường chỉ có 6 em biết bơi. Trong 6 em này, học sinh nào cũng chỉ bơi được vài mét.

Ban giám hiệu nhà trường đã đi khảo sát nhiều địa điểm như các con đập, hồ nhân tạo, đầm phá quanh xã nhưng không hợp lý vì quá xa. Thầy Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng, đã nảy sinh ý tưởng sáng tạo: “Tại sao không tận dụng điều kiện sẵn có ở ngay sát trường?”. Chuyện là có 1 bể xả trạm bơm nước thủy lợi nhằm dẫn nước tưới tiêu đồng ruộng nằm sát sau Trường Tiểu học Phú Mỹ 1, có thể phù hợp tạo thành “bể bơi” mini cho học sinh.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Mỹ 1 (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) học bơi tại “bể bơi” được cải tạo từ bể xả trạm bơm nước thôn quê.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Mỹ 1 (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) học bơi tại “bể bơi” được cải tạo từ bể xả trạm bơm nước thôn quê.

Các thầy cô đã nhờ hợp tác xã hút hết nước trong bể xả ra; rồi cùng đoàn thanh niên xã múc hết đất đá bẩn ở phía dưới đáy bể. Tiếp đến là lấy bao lúa trống, độn cát vào rồi khâu lại và chặn đầu bể thoát nước ra mương ruộng.

Do chiều sâu của bể xả chừng 1,2 mét nên phù hợp với chiều cao học sinh khối 4, 5. Chiều dài bể 20 mét, chiều rộng 4 mét tạo thành một “bể bơi” hơn 80 mét vuông đã thành hình. Cuối cùng, thầy cô bơm nước sạch vào bể chừng 1m và dạy học bơi cho 2 khối học sinh cuối cấp.

“Vạn sự khởi đầu nan”, lúc bơm nước vào, do áp lực nước lớn đã đẩy hết bao cát ngăn ra ngoài ruộng. Nhà trường đã tiếp tục sáng kiến, dùng cọc tre đóng vào phía đầu bể làm điểm tựa cố định giữ bao cát, sau đó nước không bị tràn ra ngoài khiến mọi người ai nấy đều vui mừng.

Để đưa vào hoạt động, nhà trường đã mời đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên – Huế về kiểm tra. Sở đánh giá bể bơi đạt an toàn. Từ đó, nhà trường đã tiến hành việc dạy bơi, đi đôi là xin tài trợ từ các trung tâm cộng đồng cho học sinh phao bơi, kính bơi…

Nhiều học sinh đã biết bơi từ “bể bơi” dã chiến này.

Nhiều học sinh đã biết bơi từ “bể bơi” dã chiến này.

“Phao cứu sinh” ngăn học sinh đuối nước

Và thế là những ngày hè đã diễn ra rôm rả trong tiếng nói, cười, la hét của học sinh khối 4, 5 khi được học bơi. Thầy, cô giáo dạy bơi cũng được huy động từ “nguồn” có sẵn trong trường là các giáo viên dạy thể dục, mỹ thuật có kỹ thuật bơi tốt. Hơn 100 học sinh bước đầu đã được dạy động tác môn bơi sấp ngửa.

Các em đã tập khá thuần thục động tác bơi như đạp tay, chân; phối hợp tay chân dưới nước; thở ra dưới nước, ngoi đầu lên mặt nước hít không khí. Nhiều bạn bè đến xem, cổ vũ tạo nên không khí hết sức sôi nổi.

Học sinh bơi giỏi còn được hướng dẫn cứu bạn khi gặp đuối nước. Thầy cô dạy bơi đặt ra tình huống khi đi chơi sông nước, không may có bạn đuối nước, bạn trên bờ phải biết tri hô cứu giúp, đôi vật nổi, cành cây nổi xuống nước cho bạn và khuyên người ở dưới nước bình tĩnh gắng bám vào vật nổi, đồng thời gọi người trên bờ chạy đi tìm người lớn đến cứu. Điều quan trọng nhất là tuyệt đối không được nhảy xuống nước cứu bạn nếu không biết bơi.

Cứ đầu buổi nhà trường bơm nước vào dạy bơi; cuối buổi bao cát lấy ra trả bể xả lại cho người dân. Ngày qua ngày, nhiều học sinh đã biết bơi từ “bể bơi” này. Một số học sinh các trường gần đó kéo qua xem thấy hay quá nên cũng đăng ký học

Hiệu trưởng Trần Thanh Hải tâm huyết cho biết: “Trường mong muốn qua việc dạy bơi từ bể bơi dã chiến tận dụng này sẽ giúp cho nhiều em biết bơi. Đây là việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh nhằm phát triển năng lực các em, nhất là học sinh vùng sông nước có được kỹ năng bơi đối phó với các trường hợp khẩn cấp trong cuộc sống. Đây có thể được coi là “phao cứu sinh” giảm số học sinh đuối nước trong dịp hè về”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ