"Vác" cá khô lên rừng tìm trò

GD&TĐ - Trong ký ức của thầy Cao Văn Hoạt, vẫn còn đó những ngày trèo đèo, lội suối, luồn rừng để đi tìm học sinh.

Tiết học Tiếng Việt của cô trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở.
Tiết học Tiếng Việt của cô trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở.

Có những chuyến, hành trang thầy mang theo là mì tôm, cá khô để “bám trụ” trên bản nhiều ngày. Tất cả chỉ với nguyện vọng dẫn bước cho các em đến trường.

“Bắt trò” trên nương

Những ngày đầu tháng 5, khi các trường vùng cao Lai Châu đang gấp rút để ôn thi học kỳ II cho học sinh, chúng tôi có chuyến công tác về miền biên viễn Mường Tè. Từ thị trấn, vượt quãng đường hơn 20km để tới Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (DTBT) Tiểu học và THCS Bum Tở. Hình ảnh đầu tiên chúng tôi thấy là một số cán bộ xã, mỗi người chở thêm 2 học sinh đến trường.

Thầy Cao Văn Hoạt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cười và nói: “Vùng cao là thế đấy. Chúng tôi phải nhờ các anh cán bộ xã đi tìm giúp học sinh. Mùa này còn đỡ, chứ mỗi đợt nghỉ Tết, hè thì giáo viên phải lên bản, vào rừng để tìm học sinh cả tuần”. Nói xong, thầy Hoạt gọi 2 học sinh lại rồi dặn: “Chuẩn bị thi học kỳ II rồi đó, các em cố gắng đi học đầy đủ nhé”.

Nối tiếp câu chuyện, thầy Hoạt kể về những ký ức của mình với giáo dục vùng cao Mường Tè. Thầy bảo: “Lên vùng biên giới này dạy học vốn đã không mấy dễ dàng, thầy cô ở đây lại còn phải gánh thêm việc khó hơn là giữ trò. Để học sinh đến lớp mỗi ngày, chúng tôi phải làm đủ cách khác nhau”.

Giáo viên đến nhà vận động học sinh đến trường.
Giáo viên đến nhà vận động học sinh đến trường.

Thầy Hoạt (sinh năm 1982), quê ở xã Giao Tiến (Giao Thủy, Nam Định). Theo lời thầy, do đi làm muộn nên đến nay mới có 17 năm trong nghề.

“Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Trường THPT số 2 Bảo Thắng ở tỉnh Lào Cai, tôi ở nhà làm việc vặt phụ giúp gia đình. Đến năm 2003 mới vào học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp, tôi lên Lai Châu nhận công tác và được phân công về Trường Phổ thông cơ sở Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè”.

Nhớ lại những ngày đầu lên biên giới nhận công tác, ký ức của thầy Hoạt là nỗi ám ảnh về những con đường đất, mặc dù chỉ cách thị trấn Mường Tè hơn 30km. Mùa khô, đi xe máy cũng phải mất vài giờ đồng hồ. Còn mưa xuống, nhiều điểm bị sạt lở, xe không thể lưu thông thì chỉ còn cách “cuốc bộ”.

“Những năm ấy khó khăn bộn bề. Không điện, không nước, không sóng điện thoại, nhà ở giáo viên dựng tạm bợ, lương thực thiếu thốn. Vì giao thông đi lại khó khăn, các điểm bản không có hàng hóa bán nên mỗi dịp về được thị trấn Mường Tè đều phải tranh thủ chuẩn bị thực phẩm, như: Mì tôm, cá khô tích trữ để sử dụng dần”, thầy Hoạt nhớ lại.

Hình ảnh cán bộ bản hỗ trợ đưa học sinh đến trường.
 Hình ảnh cán bộ bản hỗ trợ đưa học sinh đến trường.

Lý giải về việc lựa chọn mì tôm và cá khô để ưu tiên mang lên điểm trường sử dụng thay vì các loại thực phẩm khác, thầy Hoạt bảo: “Chỉ có những loại này mới đáp ứng đủ tiêu chí lên bản thôi. Vừa dễ sử dụng, để được lâu lại nhẹ nên thuận tiện cho việc vận chuyển trên đường khó”.

Với thầy Hoạt, khó khăn nhất khi lên dạy học tại Trường Pa Vệ Sử là những lần lên các điểm bản, đi rừng để “bắt” học sinh đến trường. Thầy kể, ở Pa Vệ Sử, nhiều điểm bản xa, khó khăn như: Chà Gú, Xìn Chải A, Xìn Chải B, Xìn Chải C. Do quãng đường đi phải lội qua khe suối, vào những hôm trời mưa to, nước dâng lên cao không thể qua. Nhiều lần thầy phải ngồi đợi cả buổi bên bờ suối đến khi nước rút mới quay về trường.

Rồi khi vào nhà vận động, có em ngại thầy cô nên đã bỏ chạy vào rừng, ở lán trên nương của gia đình. Mỗi lần như thế, thầy lại “cuốc bộ” thêm vài cây số, tìm đến tận nơi động viên các em xuống trường. “Có lần cùng chuyến huy động được nhiều em xuống, mừng lắm. Nhưng cũng vì đông, tôi không bao quát được hết nên có em bỏ trốn. Nghĩ mà phát khóc, bởi cứ gọi được em này thì em kia lại chạy mất”, thầy Hoạt bộc bạch.

Sau 7 năm “tích lũy” kinh nghiệm ở Trường Pa Vệ Sử, đến tháng 8/2012, thầy Hoạt được phân công lên công tác tại Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở và gắn bó đến nay. Thầy tâm sự: “Vất vả là thế, nhưng mừng cái là các thầy cô ở đây vì hiểu khó khăn nên luôn động viên, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tôi có kinh nghiệm gì đều chia sẻ cho đồng nghiệp và họ cũng vậy”.

Học sinh thích thú chơi thể thao tại trường.
Học sinh thích thú chơi thể thao tại trường.

Ngược xuôi “giữ” trò

Nhìn lại diện mạo mới của ngôi Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở giữa mảnh đất vùng cao đầy khó khăn này, thầy Hoạt không giấu nổi niềm phấn khởi. “Cách đây hơn 10 năm, Bum Tở được biết đến là xã vùng sâu, vùng xa có điều kiện kinh tế khó khăn nhất nhì tỉnh. Ở đây chủ yếu là đồng bào La Hủ sinh sống. Học sinh dựng nhà tạm để ở, ăn còn không đủ no thì lấy đâu ra đầu tư cho việc học”, thầy Hoạt nói.

Hình ảnh hôm nay lại hoàn toàn khác. Sự đổi thay không chỉ là ngôi trường khang trang hơn, học sinh có nhà bán trú để ở, điều kiện học tập cũng tốt hơn. Nó còn thể hiện bằng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.

Thầy Hoạt chia sẻ, ngay trong năm đầu chuyển từ Pa Vệ Sử về Bum Tở công tác, thầy đã được cấp trên tin tưởng, bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường. “Đây là niềm vinh dự, song tôi cũng tự nhận ra trọng trách rất lớn của mình là phải làm sao cùng tập thể nhà trường đổi mới, nâng cao được nhận thức và chất lượng giáo dục cho bà con ở đây”, thầy Hoạt nói.

Mỗi năm học, thầy Hoạt đều đặt ra mục tiêu riêng cho mình và cho tập thể. Đến nay, ngôi trường này đã có 754 học sinh theo học, gần 100% thuộc dân tộc La Hủ. Trong đó, có 383 học sinh ở bán trú. Ngoài điểm trung tâm, thì trường đang duy trì 6 điểm lẻ ở các bản xa.

Cô và trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở chăm sóc vườn rau.
Cô và trò Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở chăm sóc vườn rau.

“Học sinh chủ yếu là dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, ngay từ cấp tiểu học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng cường tiếng Việt trong các tiết dạy. Giáo viên chủ động tổ chức trò chơi trong giờ học để các em được mở rộng giao tiếp. Ngoài giờ học trên lớp, trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, như: Văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao”, thầy Hoạt chia sẻ.

Với nhiều năm kinh nghiệm ở vùng khó, thầy Hoạt hiểu tâm lý và những hạn chế của học sinh bản địa. Bởi vậy, thầy tham mưu với nhà trường xây dựng các giải pháp để giáo viên chủ động tháo gỡ cho từng đối tượng học sinh. Riêng đối với các em ở bán trú, thầy cô chủ nhiệm thường xuyên trò chuyện, tâm sự. Họ làm vậy để tăng sự gần gũi, đồng thời giúp các em tự tin trong giao tiếp, phần nào học thêm được vốn từ.

Ngoài ra, theo thầy Hoạt, nhà trường đã bố trí riêng một diện tích trong khuôn viên để tạo dựng thành vườn rau xanh. Học sinh được khuyến khích, tạo điều kiện trực tiếp tham gia trồng, chăm sóc. Qua đó, các em có thêm cơ hội giao lưu, rèn luyện kỹ năng lao động sản xuất. Cùng với đó, giúp các em hiểu được giá trị sức lao động.

“Vườn rau được nhà trường chia cho các lớp và giao giáo viên chủ nhiệm phụ trách học sinh tăng gia sản suất. Khi thu hoạch rau thì các em bán lại cho trường. Tiền thu được để gây quỹ lớp. Các em rất phấn khởi với các hoạt động như thế này”, thầy Hoạt chia sẻ.

Còn với thầy Hoạt, việc chứng kiến học sinh đến trường đầy đủ, phấn khởi và tiến bộ mỗi ngày như vậy là niềm vui lớn nhất trong sự nghiệp. Phấn khởi hơn nữa là biên giới Mường Tè đang dần phát triển từng ngày, kéo theo sự thay đổi tích cực của giáo dục.

“Những năm gần đây, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho giáo dục vùng khó. Cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng, trường lớp học khang trang, đường bê tông nối lên các điểm bản thuận lợi cho học sinh đến trường. Phụ huynh và học sinh ở Bum Tở cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc học nên tỷ lệ chuyên cần đã ổn định hơn trước. Tôi vui mừng khi mỗi năm lại có thêm học sinh cũ về thăm trường. Được nghe các em kể về công việc ổn định, có em làm cán bộ, thoát ly khỏi cuộc sống nghèo đói chỉ biết đến nương rẫy xưa kia”, thầy Hoạt tự hào nói.

Thầy Chử Đức Tuấn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Bum Tở đánh giá, từ công việc chuyên môn cho đến cuộc sống, thầy Hoạt luôn nỗ lực phấn đấu và được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh yêu quý. Thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thầy đã 3 lần đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu tặng Bằng khen về công tác 5 năm vùng khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ