Những chuyến đồng hành với trò nghèo miền biên ải

GD&TĐ - Những năm qua, các chính sách của Đảng, Nhà nước đã giúp đồng bào các huyện miền biên ải xứ Thanh có cuộc sống ổn định hơn.

Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao tặng áo ấm cho học sinh Trường PTDTBT-THCS Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).
Nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ trao tặng áo ấm cho học sinh Trường PTDTBT-THCS Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, sự đồng hành của các cơ quan báo chí đã, đang góp phần thay đổi cuộc sống, người dân được đón nhận kịp thời nhiều thông tin bổ ích.

Chuyến hàng cứu trợ vùng tâm lũ lịch sử

Thanh Hóa có 5 huyện giáp vùng biên giới nước bạn Lào. Từ huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Quan Hóa, Quan Sơn đến Mường Lát, với tổng chiều dài 192km đường biên. Hầu hết, những vùng giáp biên hiện nay đời sống kinh tế của người dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Trận lũ lịch sử xảy ra hồi đầu tháng 9/2018 khiến hệ thống cơ sở giáo dục của huyện vùng cao biên giới Mường Lát bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần của học sinh (HS). Chia sẻ những mất mát to lớn do thiên tai gây ra, Báo GD&TĐ đã khởi động chương trình trao tặng áo ấm, chăn đông, màn tuyn, ủng đi mưa và chiếu ngủ cho HS nơi đây.

Đầu tháng 11 năm ấy, Tổng Biên tập Báo GD&TĐ Triệu Ngọc Lâm và Quỹ hỗ trợ Giáo dục NTS – Kaspersky cùng đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã về Mường Lát tặng quà cho HS vùng lũ.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú – Trung học cơ sở (PTDTBT-THCS) Tam Chung và Trường THCS Mường Chanh, đoàn đã trao tặng hơn 600 chiếc áo ấm, 605 đôi ủng đi mưa, hơn 500 chiếc màn tuyn, chiếu nhựa, chăn đông nhằm hỗ trợ cho HS đỡ giá rét khi mùa đông đang cận kề.

Lúc nhận quà, thầy giáo Phạm Văn Kiên - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Tam Chung - xúc động: “Chân thành cảm ơn Báo GD&TĐ, đã quan tâm, hỗ trợ những phần quà rất ý nghĩa và thiết thực cho HS của nhà trường. Những phần quà ấy sẽ giúp cho các em vượt qua nhiều đợt giá lạnh khi mùa đông đến, để yên tâm học tập”.

Cán bộ Kiểm lâm Thanh Hóa cũng đồng hành với Báo GD&TĐ trao quà cho trẻ ở Trường Mầm non Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Cán bộ Kiểm lâm Thanh Hóa cũng đồng hành với Báo GD&TĐ trao quà cho trẻ ở Trường Mầm non Yên Khương (Lang Chánh, Thanh Hóa). 

Ở thời điểm ấy, ngôi trường này có 354 HS, trong đó có 221 em ở bán trú. Khi cơn lũ lịch sử tràn về, đã vùi lấp toàn bộ hai dãy nhà bán trú, gồm 10 phòng. Trong các phòng ấy có tất cả 80 chiếc giường tầng, 20 tủ sắt đựng đồ dùng và hệ thống quạt điện… Bên cạnh đó, khu nhà ăn và bếp nấu cũng bị vùi lấp toàn bộ tài sản, đồ dùng phục vụ cho 221 em. Lũ cũng đã làm hư hỏng toàn bộ đồ đạc, thiết bị giảng dạy của giáo viên trong khu tập thể. Đặc biệt, toàn bộ sách vở, đồ dùng học tập, chăn ấm, chiếu, màn tuyn… mới được cấp cho HS vào đầu năm học cũng bị lũ cuốn trôi, vùi lấp.

Em Giàng A Cớ (lớp 9A), nhà ở bản Suối Lóng, xã Tam Chung, tâm sự: “Chúng em vui lắm, thích lắm khi được nhận quà. Mùa đông đang tới gần, chúng em đã có những món quà ấm áp để vượt qua giá lạnh, yên tâm đến trường học chữ”.

Cùng tâm trạng như thầy giáo Kiên, thầy giáo Trần Văn Liêm – Hiệu trưởng Trường THCS Mường Chanh - bộc bạch: “Trường THCS Mường Chanh là ngôi trường xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa và cũng là nơi khó khăn nhất. Học sinh ở địa phương vốn dĩ đã khó khăn, nay lại càng vất vả hơn khi cơn lũ lịch sử đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản cho người dân. Nhà trường rất cảm động trước sự quan tâm, hỗ trợ của Báo GD&TĐ, đã mang đến tặng cho HS những đồ dùng thiết yếu sau khi lũ đi qua”.

Ông Lương Minh Thông – Bí thư Huyện ủy Mường Lát lúc bấy giờ rất trân trọng ghi nhận tấm lòng vàng của Báo GD&TĐ, Quỹ hỗ trợ Giáo dục NTS – Kaspersky (đơn vị trực thuộc NTS Group) đã vượt qua quãng đường hàng trăm km đến trao những món quà ý nghĩa. Có được những phần quà thiết thực này, HS của hai ngôi trường sẽ yên tâm để vượt qua khó khăn sau trận lũ kinh hoàng.

Phóng viên Báo GD&TĐ trao tặng áo ấm cho trẻ ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).
Phóng viên Báo GD&TĐ trao tặng áo ấm cho trẻ ở điểm trường bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa).

Lao vào tâm dịch Covid-19

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất, toàn huyện Mường Lát phải cách ly với bên ngoài để chống dịch. Tất cả HS của huyện cũng phải cách ly. Những trường bán trú phải giữ HS ở lại khu ký túc theo cách “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Nguồn lương thực, thực phẩm rất khan hiếm.

Trước tình trạng đó, Báo GD&TĐ đã đăng tải bài viết: “Mường Lát (Thanh Hóa) phải đóng cửa trường do dịch Covid-19: Khó chồng khó”. Sau khi bài báo phát hành, nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân đã chung tay giúp đỡ các trường đang có HS phải cách ly.

Gần 2 tấn hàng nhu yếu phẩm đã được phóng viên thường trú Báo GD&TĐ, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh trao tới các nhà trường đang có HS phải cách ly do dịch Covid-19, ở huyện biên giới Mường Lát.

Ngày 28/12/2021, chúng tôi đã vào vùng tâm dịch Covid-19 huyện Mường Lát, để trao gần 2 tấn hàng thiết yếu đến các trường.

Số hàng thiết yếu, gồm: Gần 1,3 tấn gạo, hàng trăm thùng mì tôm, gần 300 lít nước mắm, 70 lít dầu ăn, hơn 1 tạ cá khô, moi khô, miến gạo, lạc nhân, sữa tươi và gần 10 nghìn khẩu trang y tế... Những món quà nêu trên được quyên góp từ giáo viên, phụ huynh, HS một số trường học ở TP Thanh Hóa.

Thầy Hoàng Sỹ Xuân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Mường Lý (Mường Lát) - cho biết, bình thường, HS bán trú được hưởng chế độ ăn mỗi ngày 2 bữa chính. Tuy nhiên, khi phải cách ly với bên ngoài để phòng, chống dịch, thì nhà trường phải lo thêm bữa ăn sáng cho các em.

“Mỗi buổi sáng, giáo viên, nhân viên nhà trường tranh thủ dậy sớm để nấu cơm cho HS ăn điểm tâm. Bữa sáng của các em là cơm và muối vừng, muối lạc. Được sự hỗ trợ rất kịp thời các loại mặt hàng thiết yếu này, thay mặt nhà trường, tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến các nhà hảo tâm và Báo GD&TĐ, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi dùng những món quà này, để lo cho HS vào những bữa ăn sáng trong lúc đang phải cách ly với bên ngoài”, thầy Xuân chia sẻ.

Thầy Trần Anh Văn - Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát - cho biết, nhà trường đang có 52 HS trong ký túc xá và hơn 50 em trọ học ở ngoài, phải cách ly. “Thay mặt nhà trường, tôi xin gửi lời cảm ơn đến giáo viên, phụ huynh, HS những trường học ở TP Thanh Hóa đã gửi hàng thiết yếu hỗ trợ cho Trường THPT Mường Lát. Khi nhận được những mặt hàng thiết yếu vào thời điểm này, thầy trò nhà trường rất cảm động.

Xin chân thành cảm ơn Báo GD&TĐ, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh và những tấm lòng của mọi người đã luôn hướng về, động viên, chia sẻ với thầy, trò nhà trường trong lúc khó khăn nhất”, thầy Văn tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Lát - cho biết, khi dịch bệnh xảy ra, các trường PTDTBT-THCS bán trú, gồm: Trường PTDTBT-THCS Mường Lý, Trung Lý, Nhi Sơn, Pù Nhi, Tam Chung và Trường THPT Mường Lát phải lưu HS để cách ly với bên ngoài. Do đó, điều kiện ăn uống, sinh hoạt hàng ngày của các trường rất vất vả.

“Chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng thiện nguyện của giáo viên, phụ huynh, HS các nhà trường ở TP Thanh Hóa đã chung tay, góp sức hỗ trợ cho HS đang phải ở trong các khu cách ly ở thời điểm này.

Gần 2 tấn hàng thiết yếu hết sức ý nghĩa ấy, đã được trao tặng kịp thời đến với 8 trường học - nơi đang có HS phải tạm cách ly tại chỗ, giúp các em vượt qua lúc khó khăn nhất”, bà Thúy bộc bạch.

Phóng viên Báo GD&TĐ trao quà Tết cho giáo viên Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa)
Phóng viên Báo GD&TĐ trao quà Tết cho giáo viên Trường PTDTBT-THCS Trung Lý (Mường Lát, Thanh Hóa)

Đồng hành cùng học sinh nghèo vùng khó

Đông về, trời rét mướt, nhiều bé ở Trường Mầm non Yên Khương (xã biên giới Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa, giáp với nước bạn Lào) luôn phải chịu cảnh nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Với mong muốn có thể “sưởi ấm” cho các em, phóng viên Báo GD&TĐ và Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh (thường trú tại Thanh Hóa) đã kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp áo ấm, chăn đông, tất ấm, sách vở, đồ dùng học tập để trao tặng các em nhỏ nơi vùng cao, biên giới.

Bằng những nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm, sự nhiệt tình của giáo viên, phụ huynh một số trường ở TP Thanh Hóa, đã chung tay, góp sức để mua vật phẩm gửi tặng các em nhỏ vùng biên giới.

Ngày 13/1/2022, chúng tôi đã ngược vùng biên giới Yên Khương để trao quà cho các bé ở Trường Mầm non Yên Khương và các trường: Mầm non Tân Phúc, Tiểu học Tân Phúc, Tiểu học Đồng Lương và Tiểu học & THCS Tam Văn.

Với số lượng gần 600 chiếc áo ấm, 600 đôi tất, 180 chiếc chăn băng lông; gần 4.500 sách giáo khoa, bài tập Tiếng Anh (từ lớp 1 đến lớp 5), đồ dùng học tập, bánh kẹo...

Cô giáo Lê Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Khương - cho biết, Trường Mầm non Yên Khương có 287 cháu, trong đó, tại điểm chính có hơn 175 trẻ, số còn lại các con học ở 3 điểm trường lẻ, gồm: Bản Xắng Hằng, Yên Bình và bản Mè.

“Do điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, vất vả. Vì thế, có nhiều gia đình cũng chưa đủ khả năng để mua sắm quần áo, đồ dùng cho các con ăn học. Đặc biệt, khi mua đông đến, nhiều trẻ cũng chưa có đủ điều kiện như nơi khác” - cô Nga nói.

Chị Lò Thị Hằng (phụ huynh của bé Lương Duy Khánh, ở điểm lẻ Mầm non Xắng Hằng) xúc động: “Xin chân thành cảm ơn tấm lòng của nhà hảo tâm và các nhà báo. Mùa đông năm nay trời rét buốt, các con đến trường trong thời tiết giá lạnh, mà không có điều kiện mặc đủ ấm, chúng tôi rất lo cho các con. Nhận được áo ấm, tất ấm và chăn băng lông do đoàn từ thiện trao tặng, chúng tôi rất mừng và thật xúc động. Xin cảm ơn tất cả tấm lòng của mọi người!”.

Ông Phạm Văn Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh - bày tỏ: “Xin thay mặt cho các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo, các em HS ở những trường đã được đoàn tặng quà, gửi tới các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm, Báo GD&TĐ, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh, lời cảm ơn chân thành nhất.

Yên Khương là xã biên giới cao, xa nên mùa đông đến, thời tiết rất khắc nghiệt. Các cháu trường mầm non ở địa phương này sẽ ấm lòng hơn rất nhiều, khi nhận được món quà rất ý nghĩa về vật chất, lẫn tinh thần của mọi người đã dành cho các cháu.

Đối với các trường ở xã Đồng Lương, Tân Phúc, Tam Văn được đoàn thiện nguyện trao tặng sách giáo khoa và bài tập Tiếng Anh, đồ dùng học tập, chúng tôi sẽ chỉ đạo các trường sử dụng đúng mục đích, giúp các cháu có điều kiện tiếp cận tốt hơn với môn học ngoại ngữ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Tạo sức hút cho nghề giáo

GD&TĐ - Từ trước đến nay, Đảng, Nhà nước quan tâm và quy định các chế độ, chính sách, giúp nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến.

Nhiều phiên giao dịch được tổ chức giúp cho người lao động tìm việc làm.

Cách nào tăng năng lực cạnh tranh doanh nghiệp?

GD&TĐ - Ngoài thay đổi chiến lược tuyển dụng, cần có hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn, chính xác về ứng viên để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận...với lực lượng lao động