Thừa nhận Hải quân Mỹ đang tụt hậu xa so với Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lầu Năm Góc gần đây đã công bố báo cáo thường niên về tình hình phát triển quân sự của Trung Quốc và quan điểm của họ là rất rõ ràng.

Thừa nhận Hải quân Mỹ đang tụt hậu xa so với Trung Quốc

Báo cáo ghi rõ, Trung Quốc mong muốn tiếp tục duy trì vị thế là “thách thức” của Lầu Năm Góc, trong khi đó quân đội của chúng ta phải vật lộn để theo kịp.

Ngoài những phát triển nhanh chóng của Bắc Kinh về kho vũ khí hạt nhân, khả năng đáng gờm của tên lửa siêu thanh và hiện đại hóa lực lượng trên diện rộng, báo cáo chỉ ra một số xu hướng đáng lo ngại khi nói đến sự khác biệt về quy mô cũng sức mạnh của Hải quân Trung Quốc (PLAN) so với Hải quân Mỹ (USN).

Khi nói đến việc hạ thủy tàu chiến, Bắc Kinh đang đi trước Mỹ rất xa. Trung Quốc liên tục vượt qua Mỹ về năng lực đóng tàu khi mở rộng công suất các nhà máy.

Quả thực khoảng cách đóng tàu giữa Trung Quốc và Mỹ là rất lớn. Một slide thông tin tình báo được giải mật gần đây từ Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ ước tính rằng Trung Quốc có năng lực đóng tàu gấp 232 lần so với Washington.

Báo cáo về sức mạnh Trung Quốc của Lầu Năm Góc tiết lộ rằng chỉ riêng trong năm ngoái, PLAN đã tăng quy mô hạm đội lên 30 tàu. Để so sánh, USN chỉ tăng thêm vỏn vẹn 2 tàu kể từ năm ngoái.

Lầu Năm Góc ước tính quy mô của PLAN vào khoảng 370 tàu, đây chính là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, trong khi Mỹ duy trì hạm đội sẵn sàng chiến đấu ở mức 291 chiếc.

Mặc dù chủng loại và khả năng của 30 tàu chiến mới vừa được PLAN tiếp nhận là khác nhau, nhưng 15 chiếc là tàu chiến mặt nước hiện đại - bao gồm tàu ​​khu trục Type 055, Type 052D và tàu sân bay Type 003 Phúc Kiến.

Hơn nữa, báo cáo cũng chỉ ra rằng PLAN dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng quy mô hạm đội từ 395 tàu vào năm 2025, lên tới 435 tàu vào năm 2030.

Trong khi Hải quân Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng gần 20% chỉ trong nửa thập kỷ, kế hoạch đóng tàu trong năm tài chính 2024 của Mỹ lại khá eo hẹp, dẫn tới việc hạm đội sẽ ngày càng thu nhỏ hơn.

Đội tàu chiến của Mỹ sẽ giảm xuống còn 285 tàu vào năm 2025 và vẫn nhỏ hơn quy mô hiện nay - ở mức 290 tàu vào năm 2030, do số lượng tàu nghỉ hưu luôn cao hơn đóng mới.

Bên cạnh PLAN ngày càng phát triển và có năng lực, Trung Quốc tiếp tục thực hiện hợp nhất quân sự - dân sự , làm mờ đi hoặc loại bỏ các rào cản giữa chính phủ và khu vực thương mại để nhanh chóng xây dựng một quân đội có năng lực hơn.

Báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung trang bị cho các tàu dân sự dạng Roro với đường dốc được sửa đổi, để cho phép chúng trở thành tàu đổ bộ khi cần thiết.

Các chuyên gia nhấn mạnh rằng diễn biến này “phù hợp với cách tiếp cận thăm dò của Trung Quốc, nhằm thử nghiệm một khái niệm đối với đảo Đài Loan (Trung Quốc) theo cách đa chiều”.

Chất lượng khó lòng bù đắp sự thua thiệt về số lượng giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Trung Quốc.

Chất lượng khó lòng bù đắp sự thua thiệt về số lượng giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Trung Quốc.

Tương tự, Thủy quân lục chiến Mỹ không thể đảm bảo đủ kinh phí cho các tàu chiến đổ bộ của mình. Điều này buộc Quốc hội phải can thiệp vào đầu năm nay, để tăng cường tài trợ cho một tàu vận tải đổ bộ mới.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng Trung Quốc có thể đang tiến hành “các cuộc tuần tra răn đe trên biển gần như liên tục” với lực lượng dưới nước gồm 6 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và 48 tàu ngầm diesel.

Mặc dù các tàu cũ đang chờ bị loại biên, hạm đội tàu ngầm của PLAN dự kiến ​​sẽ tăng lên 80 chiếc vào năm 2035 do năng lực chế tạo được mở rộng.

Xu hướng của Bắc Kinh luôn đi ngược lại với Washington, khi hạm đội tàu ngầm Mỹ dự kiến ​​chỉ còn 57 chiếc vào năm 2030. Mặc dù hạm đội gồm toàn bộ tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ tiên tiến và có năng lực hơn hạm đội hỗn hợp của PLAN, thì các vấn đề với bảo trì đã khiến gần 40% hạm đội tàu ngầm Mỹ không thể hoạt động.

Theo báo cáo, Hải quân Mỹ là một trong những lực lượng ngăn chặn hiệu quả nhất tham vọng của Trung Quốc. Tuy nhiên nếu những xu hướng này không thay đổi, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ trở nên nóng bỏng hơn vì Bắc Kinh sẽ thấy mình ở vị thế thuận lợi hơn rất nhiều trong việc thực hiện những toan tính.

Báo cáo cũng chỉ ra những xu hướng gần đây liên quan đến sức mạnh quân sự của Mỹ và Trung Quốc: Washington luôn đánh giá quá cao khả năng của các lực lượng vũ trang của mình và thường xuyên xem nhẹ việc Bắc Kinh gia tăng "quyền lực cứng".

Năm này qua năm khác, Hải quân Mỹ vẫn phải gánh chịu tình trạng ngân sách ngày càng bị thu hẹp và không chắc chắn, khiến họ khó lòng bảo vệ hay duy trì cam kết an ninh cho các đồng minh trong khu vực.

Khinh hạm đa năng Type 054A giữ vai trò xương sống đối với Hải quân Trung Quốc.

Theo 19FortyFive

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ