Thư viện trường học hiệu quả hoạt động chưa cao

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Cả nước có hơn 31.000 thư viện 

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trình trình bày Tờ trình Dự án Luật Thư viện tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Tờ trình của Chính phủ, sau gần 18 năm triển khai Pháp lệnh, sự nghiệp thư viện Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận, mạng lưới thư viện công lập phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng với hơn 31.000 thư viện và hơn 21.000 tủ sách, phòng đọc cơ sở .

Pháp lệnh đã tạo ra sự chuyển biến lớn về nhận thức và quản lý, phát triển thư viện. Từ chỗ chỉ là nơi giữ gìn di sản thư tịch của dân tộc, thu thập, tổ chức khai thác và sử dụng vốn tài liệu dùng chung, đến nay thư viện đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, không gian học tập sáng tạo của cộng đồng góp phần không nhỏ vào việc xây dựng nền tảng văn hóa phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Hơn 10 năm gần đây, các thư viện đã từng bước hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng thư viện điện tử, thư viện số nhằm cung cấp thông tin cho người sử dụng được dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, hoạt động thư viện ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu đọc, sử dụng và khai thác thông tin của các tầng lớp nhân dân. Nhiều thư viện ở Việt Nam đã phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu do ngân sách đầu tư cho thư viện hạn hẹp.

Đối mặt với nhiều khó khăn lớn, các thư viện đang thiếu nguồn lực để phát triển theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; người làm công tác thư viện thụ động, chưa được quan tâm, tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và sáng tạo trong công tác.

Trước tình hình đó, việc nâng cao năng lực hội nhập quốc tế và tham gia Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, cải thiện đời sống của đội ngũ nhân lực thư viện, tạo sức hút của thư viện đối với người sử dụng là những vấn đề cấp bách phải giải quyết ngay trong thời gian tới.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Thư viện trường học hoạt động hiệu quả hoạt động chưa cao

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Thư viện, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ: Thư viện trường học hiện nay chiếm số lượng rất lớn, mang tính đặc thù nhưng có những điểm chung về tính chuyên môn. Đa phần đây là các đơn vị của cơ sở giáo dục, hình thành khi thành lập cơ sở giáo dục, không có tư cách pháp nhân.

TTUB cho rằng, thư viện trường học, thư viện đại học có vị trí quan trọng trong lưu trữ và truyền bá thông tin, giúp cho giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên và cả một bộ phận người dân tiếp cận nguồn thông tin để phục vụ hoạt động dạy - học; phát triển văn hóa đọc; phát triển trí tuệ, nhân cách, văn hóa cá nhân.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các thư viện này chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, nhất là chưa có hành lang pháp lý nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, liên thông chia sẻ nguồn lực thông tin.

TTUB đề nghị nghiên cứu, có quy định cụ thể hơn về mô hình, điều kiện hoạt động, trách nhiệm của thư viện, trách nhiệm của Nhà nước và cơ quan chủ quản nhằm thúc đẩy thư viện thuộc cơ sở giáo dục phát triển; đồng thời bổ sung cơ chế mở rộng đối tượng phục vụ phù hợp với năng lực của từng thư viện.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý, điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thư viện; tạo hành lang pháp lý nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của công dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Luật Thư viện được ban hành sẽ mở rộng và khuyến khích xã hội hóa, góp phần làm tăng số lượng thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ; tạo được sự kết nối, liên thông đồng bộ giữa các thư viện, người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, thu hút số lượng người đến với thư viện nhiều hơn, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ