Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình về dự án Luật. Ông Thiện nhấn mạnh: Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân.
Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập: chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp.
Toàn cảnh phiên họp |
Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Thư viện của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm ủy ban trình bày cho biết: TTUB cơ bản tán thành với phân tích trong Tờ trình số 49 /TTr – CP của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện và nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Hiến pháp năm 2013 đã quy định về quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin, quyền được học tập, quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa.
Pháp lệnh Thư viện sau 18 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật liên quan. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của ngành khoa học thư viện, làm thay đổi cả về cách tiếp cận thông tin của người dân và tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện.
Ở nước ta, hệ thống thư viện nhất là thư viện công cộng hoạt động kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới.
Năm 2012, Dự án Luật Thư viện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhưng Dự thảo Luật còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị đưa ra khỏi Chương trình. Đến nay, Dự án Luật đã được chuẩn bị đảm bảo điều kiện trình Quốc hội.
Về mạng lưới thư viện, TTUB cho rằng, các thư viện có quan hệ hữu cơ, tác động tương hỗ lẫn nhau vì có nhiệm vụ chia sẻ thông tin, phát huy giá trị vốn tài liệu, cung cấp các dịch vụ công thiết yếu, phục vụ nhu cầu học tập, nâng cao trình độ của nhân dân.
Do đó, mạng lưới thư viện là nội dung cần được làm rõ để làm cơ sở xác định thư viện trọng điểm, vị trí của các thư viện khác trong mạng lưới, từ đó đề ra các chính sách phát triển sự nghiệp thư viện, quy định việc thành lập thư viện, quyền, trách nhiệm của thư viện và Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Tuy nhiên, nội dung này chưa rõ, khó xác định được mối quan hệ, sự ảnh hưởng, tác động, hỗ trợ lẫn nhau giữa các loại hình thư viện, giữa các thư viện trong cùng loại hình.