Tham gia buổi giao lưu có 2 tác giả, dịch giả Nguyễn Bích Lan và Nguyễn Quốc Vương với hơn 200 độc giả đến từ Trường THCS Thịnh Quang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Đại văn hóa Hà Nội; đoàn thanh niên phường Cửa Đông; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Một người Việt đọc 0,7 cuốn sách/năm
Theo thống kê, trung bình một người Việt Nam đọc 0,7 cuốn sách/năm, trong khi con số này ở các nước tiên tiến như Nhật Bản là khoảng 20 cuốn/năm. Đây quả thực là một con số đáng suy nghĩ.
Mặc dù trong những năm qua, các nhà xuất bản đã phối hợp với các thư viện, trường học, và các cơ quan liên quan tích cực triển khai nhiều phong trào để khuyến khích văn hóa đọc, nhưng dường như kết quả đạt được vẫn chỉ mang "tính phong trào".
Bà Khúc Thị Hoa Phượng chia sẻ tại tọa đàm |
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ chia sẻ: "Nhiều thư viện ở các trường được xây dựng, tu bổ, nhưng chỉ dừng lại là nơi lưu giữ sách, chứ chưa thực sự thu hút được đông đảo các em học sinh, sinh viên. Và điểm mấu chốt để thúc đẩy văn hóa đọc là phải tạo cho các em thói quen đọc sách, và nuôi dưỡng niềm đam mê đọc sách của các em qua các tấm gương đầy cảm hứng".
Buổi tọa đàm khuyến đọc hi vọng "đánh thức" niềm đam mê đọc sách của các độc giả trẻ và hướng dẫn các em kỹ năng lựa chọn sách và đọc sách hiệu quả hơn.
Mỏ vàng trong thế giới sách
Tại buổi tọa đàm, dịch giả Nguyễn Bích Lan đã chia sẻ với độc giả câu chuyện đầy xúc động về hành trình "Không gục ngã" trước bệnh tật.
Là một cô gái bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ, không thể tự đi lại bình thường từ năm học lớp 8 đến nay đã trở thành một cô giáo dạy tiếng Anh và có nhiều đầu sách đã xuất bản trong nước. Mặc dù căn bệnh đã khiến người phụ nữ này bị mất một phần khả năng vận động nhưng chị đã vượt lên số phận để tự học.
Quang cảnh tọa đàm |
“Tôi bắt đầu học tiếng Anh theo em trai. Lúc đầu tôi học thuộc từ mới từ những cuốn sách của em trai tôi lúc đó đang học lớp 10. Với tất cả nguồn tư liệu sách tôi thu thập được, trong 6 năm, tôi đã làm quen với ngôn ngữ này và cảm thấy yêu thích, hứng thú mỗi khi được đọc, được học tiếng Anh.
Sau khi cảm thấy vốn kiến thức của mình cũng tương đối khá, tôi mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em hàng xóm”, dịch giả Nguyễn Bích Lan chia sẻ.
Cũng chia sẻ về tinh thần vượt khó để tự học từ sách, dịch giả Nguyễn Quốc Vương sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng anh đã vươn nỗ lực phấn đấu để trở thành giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương đã tạo cho mình thói quen đọc sách từ nhỏ và sách đã mang đến thành công cho anh, trở thành dịch giả tiếng Nhật với nhiều cuốn sách được đông đảo độc giả đón nhận như: “Hướng dẫn học tập bản tổng quát”, “Môn Sử không chán như các em tưởng”; “Mùi của cố hương”…
Các em HS tham gia chia sẻ về việc đọc sách |
Thông qua câu chuyện của hai dịch giả trong buổi giao lưu, sinh viên Vũ Minh Đức, Khoa Sư phạm (Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) đã cảm nhận được tinh thần chiến đấu vượt lên bệnh tật và hoàn cảnh khó khăn nhờ sách của hai tác giả. Buổi giao lưu đã tiếp thêm động lực để giúp em thay đổi nhận thức và tìm đến với văn hóa đọc nhiều hơn.
Tại buổi giao lưu, Nhà xuất bản Phụ nữ có tặng độc giả tham gia chương trình hai cuốn sách mới, đó là tác phẩm "Tuyến hỏa xa ngầm" của "cây bút ăn khách" Colson Whitehead của Mỹ, do dịch giả Nguyễn Bích Lan biên dịch và "Hướng dẫn học tập bản tổng quát" do Bộ Giáo dục Nhật Bản phát hành, Nguyễn Quốc Vương biên dịch.