Tạo sân chơi trí thức cho trẻ
Bà Hoàng Thị Hương, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Tôi đã cân nhắc rất nhiều rồi mới quyết định đưa con đến Thư viện tỉnh làm bạn với sách trong kỳ nghỉ hè. Vì tôi nghĩ, làm như vậy sẽ dần tạo cho con một thói quen tốt, đó là đọc sách.
Thư viện tỉnh Thái Nguyên khá đông khách là trẻ em. Chúng tôi gặp ở phòng đọc dành cho thiếu nhi, có gần chục bạn đọc nhí ngồi ngay ngắn, mải mê đọc như những nhà hiền triết. Nhưng tôi vẫn bắt gặp trên khuôn mặt, ánh mắt các em sự hồn nhiên thơ trẻ. Bởi từng cuốn sách các em cầm trên tay, là cả một thế giới hồn nhiên của con trẻ.
Rất hồn nhiên, em Lê Bích Ngọc, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Nha Trang nói: Nghỉ hè, cháu đến thư viện, vừa có quạt mát, lại có sách đọc. Cùng trường với Ngọc còn có các bạn Lê Mạnh Hưng, học sinh lớp 4; Nguyễn Khánh Long, học sinh lớp 3 đến làm bạn với sách. Ở phòng đọc, các em được tự lựa chọn những cuốn sách mình yêu thích do nhân viên thư viện đặt ngay ngắn trên giá sách. Hoặc có đề nghị, ngay lập tức nhân viên thư viện mang sách đến phục vụ tại bàn.
Ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện Thái Nguyên cho biết: Thư viện không đơn thuần là một sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ em trong dịp hè, mà còn là một địa chỉ để trẻ em được tiếp cận với thế giới tri thức, được thỏa mãn niềm đam mê đọc sách. Qua sách, trẻ em được nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng sống lành mạnh. Từ đầu năm đến nay, thư viện đã cấp mới gần 500 thẻ đọc thiếu nhi, riêng trong tháng Năm, thư viện cấp mới 300 thẻ đọc thiếu nhi, tăng 300% so với tháng Năm năm 2016.
Sức hút từ sự đa dạng hóa
Trong phòng đọc, chỉ có tiếng lật mở sách nhẹ nhàng, không ai gây tiếng ồn vì sợ ảnh hưởng tới bạn đọc ngồi cạnh. Em Hoàng Mai Lan, học sinh lớp 10, Trường THPT Lương Ngọc Quyến cho biết: Từ nhiều năm nay, hè nào cháu cũng đến thư viện để đọc và học. Vì ở thư viện có đủ các loại sách, tài liệu phục vụ học tập cháu cần. Cháu thích đọc: “Doremon”, “Thám tử Conan”, “Shin - Cậu bé bút chì”…
Ngoài phòng đọc thiếu nhi, thư viện còn có phòng Internet, với 40 máy vi tính. Để phục vụ tốt nhu cầu đọc, học và giải trí cho đối tượng là trẻ em, Thư viện tỉnh bố trí phòng đọc thành từng cabin, mỗi cabin 1 máy vi tính bảo đảm đường truyền thông suốt. Trong phòng, chỉ thấy tiếng lách tách của tiếng bàn phím do bạn đọc nhí tìm chương trình, nội dung mình cần. Dù ở tuổi nhí, nhưng các em đã làm chủ được công nghệ. Mỗi em một đam mê: Đọc sách, báo; chơi game qua mạng. Tất nhiên mọi hoạt động trong phòng đọc Internet đều có sự giám sát, hướng dẫn và định hướng của cán bộ thư viện.
Cuối chiều, các bạn đọc nhí cùng gấp lại sách, báo và tự giác mang đặt ngay ngắn lại vị trí cũ trên giá sách trong phòng đọc. Tôi cũng rời phòng đọc để trở về nhà, và gặp bên cổng ra vào thư viện tỉnh một số phụ huynh đang đứng đợi con. Nhiều phụ huynh cho con đến thư viện tỉnh đọc sách, báo, coi như đó là một lớp học, một sân chơi bổ ích và an toàn cho con mình. Hằng ngày bố, mẹ đi làm được yên tâm, không lo con bị đuối nước, bị ngã do leo trèo, nghiện điện tử hoặc bị kẻ xấu lôi kéo vào tệ nạn xã hội. Hơn nữa, các con tự rèn luyện cho mình ý thức tự học, tự nghiên cứu mà không cần phải có sự áp đặt của người lớn.