Thủ tướng Việt Nam, Campuchia giao lưu với sinh viên Trường ĐH Ngoại thương

GD&TĐ - 3.000 sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam là cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.

Sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet thăm, giao lưu với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương. Về phía Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cùng tham dự.

Đây là một hoạt động trong chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 đến ngày 12/12/2023 của Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị Việt Nam, Campuchia

Tại cuộc giao lưu, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng được tới thăm ngôi trường giàu truyền thống, gặp gỡ, giao lưu với các sinh viên, cảm nhận được sức trẻ, sự nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, nguồn cảm hứng mạnh mẽ, tươi trẻ từ các sinh viên. Thế hệ trẻ hai nước Việt Nam và Campuchia là mối quan tâm chung của lãnh đạo cấp cao hai nước qua các thời kỳ.

Hai Thủ tướng vui mừng khi trong những năm qua, được xây dựng trên nền tảng đặc biệt và vững chắc, mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia liên tục phát triển mạnh mẽ. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tiếp tục phát huy vai trò gắn kết hai nước, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước.

Cán bộ, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương chào đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet đến thăm.
Cán bộ, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương chào đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Samdech Moha Bovor Thipadei Hun Manet đến thăm.

Phát biểu tại cuộc giao lưu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại những dấu mốc lịch sử quan trọng giữa hai nước; để từ đó càng thêm trân trọng những thành quả tốt đẹp của quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia ngày nay.

Theo Thủ tướng, 3.000 sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam, trong đó có các sinh viên đang có mặt tại cuộc giao lưu, là những nhịp cầu nối quan trọng cho tình hữu nghị giữa hai nước, là chất keo dính vững chắc giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Campuchia anh em.

Nhân dịp này, Thủ tướng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Campuchia đã luôn tin tưởng, lựa chọn Việt Nam là một trong những điểm đến, đối tác hàng đầu trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Campuchia.

Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp rất hiệu quả, thực chất của ngành Giáo dục hai nước nói chung và Trường ĐH Ngoại thương nói riêng, trong nhiều năm qua đã góp phần xây dựng và củng cố những "nhịp cầu nối" cho quan hệ tốt đẹp, bền vững giữa hai nước.

Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, là một trong những yếu tố quyết định để đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững đất nước.

Trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng để không ngừng củng cố, phát triển mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài" giữa Việt Nam và Campuchia.

Theo Thủ tướng, thế hệ trẻ hai nước ngày nay đang có được hành trang kiến thức ngày càng toàn diện và hiện đại hơn; nhưng cũng cần luôn trân trọng truyền thống đoàn kết, hy sinh xương máu, hỗ trợ lẫn nhau giữa hai dân tộc để thêm quyết tâm, góp phần bồi đắp cho tình hữu nghị và quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai nước.

Riêng với Trường ĐH Ngoại thương, với thế mạnh là trường ĐH có tính hội nhập quốc tế cao và khả năng tự chủ, Thủ tướng mong muốn nhà trường phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tích cực đóng góp cung cấp nguồn nhân lực cho các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp phục vụ các hoạt động kinh tế đối ngoại, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các nước nói chung và với Campuchia nói riêng.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các nhà trường, cơ sở giáo dục của Việt Nam hết sức quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về học tập, nghiên cứu, về nơi ăn chốn ở cho học sinh, sinh viên Campuchia.

Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các trường ĐH nói chung, Trường ĐH Ngoại thương nói riêng phát huy vai trò dẫn dắt trong đổi mới sáng tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ hợp tác quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia.

Với sinh viên Trường ĐH Ngoại thương, Thủ tướng mong muốn không ngừng nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện, nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để có những đóng góp xứng đáng đối với công tác hội nhập quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thương mại với các quốc gia trên thế giới nói chung cũng như tăng cường hợp tác thương mại với Campuchia nói riêng, góp phần vào củng cố và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Thủ tướng đề nghị các sinh viên Việt Nam và Campuchia nỗ lực học tập thật tốt, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống, cùng nhau vun đắp những tình bạn tốt đẹp, luôn trân trọng, ý thức sâu sắc về tầm quan trọng đặc biệt và đóng góp, vun đắp cho việc gìn giữ và phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị và đoàn kết lâu đời giữa Việt Nam và Campuchia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp rất hiệu quả, thực chất của ngành Giáo dục hai nước nói chung và Trường ĐH Ngoại thương nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò quan trọng và đóng góp rất hiệu quả, thực chất của ngành Giáo dục hai nước nói chung và Trường ĐH Ngoại thương nói riêng.

Hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực vô cùng quan trọng

Về phần mình, Thủ tướng Campuchia Hun Manet dành nhiều thời gian phân tích về chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Hoàng gia Campuchia và quan hệ hai nước Việt Nam - Campuchia, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Ông cho biết đây là lần đầu tiên ông chính thức trình bày chính sách với sinh viên tại nước ngoài, là một bước ngoặt trong công việc điều hành của ông.

Hoàn toàn nhất trí với những ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh sự gần gũi về địa lý của hai nước, sự gắn bó giữa hai nước trong quá trình lịch sử và đặc biệt là Việt Nam đã giúp Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng, khôi phục và phát triển đất nước.

Đó là chân lý lịch sử không thể phủ nhận được và đó là cơ sở để xây dựng tương lai lịch sử hai nước, điều này mang ý nghĩa rất quan trọng. Campuchia không bao giờ quên sự giúp đỡ của Việt Nam, Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh và cho rằng cần tiếp tục vun đắp tinh thần đoàn kết để quan hệ hai nước tốt đẹp hơn nữa.

Thủ tướng Campuchia Hun Manet đồng thời khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực, giao lưu nhân dân trong quan hệ hai nước với quan điểm "con người là trung tâm" như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu. Cùng với đó là hợp tác trên các lĩnh vực du lịch, phát triển công nghiệp…

Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực, giao lưu nhân dân trong quan hệ hai nước.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định tầm quan trọng của hợp tác giáo dục, đào tạo nhân lực, giao lưu nhân dân trong quan hệ hai nước.

Ông cho biết, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam; nhấn mạnh những thành tựu quan trọng mà Campuchia đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.

Chính phủ Campuchia quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược Ngũ giác giai đoạn I, đạt được những mục tiêu trong tầm nhìn 2050, đưa đất nước Campuchia trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.

Ông khẳng định hợp tác kinh tế Việt Nam và Campuchia có phạm vi hết sức rộng lớn và ngày càng phát triển, kim ngạch thương mại tăng trưởng trung bình 25%/năm trong giai đoạn 2015-2022. Đầu tư của Việt Nam đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Campuchia. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kết nối hạ tầng giữa hai nước để thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhất là các dự án hạ tầng giao thông.

Thủ tướng Campuchia đánh giá Việt Nam là nền kinh tế ngày càng phát triển, có dân số và thị trường lớn, là một trong những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

"Việt Nam đang có nhiều lựa chọn để phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều chuyển đổi. Campuchia luôn coi Việt Nam là điểm nối, cửa ra hết sức quan trọng cho việc phát triển thương mại quốc tế và cũng như kết nối ngày càng mạnh mẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu".

Thủ tướng Hun Manet phát biểu đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân, bao gồm thế hệ trẻ, trong việc triển khai tầm nhìn, chương trình hợp tác mà lãnh đạo hai nước đã đề ra, góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị và sự phát triển chung của hai nước.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.