Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam có đông dân cư, đông khu công nghiệp, khu chế xuất, sáng 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với 27 địa phương phía Nam về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm sẽ dẫn đến chủ quan, hậu quả sẽ nặng nề hơn
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những ý kiến hết sức tập trung, tâm huyết, có chất lượng, thể hiện tinh thần xây dựng cao của các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thủ tướng, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, diễn biến nhanh, chưa có tiền lệ, trong điều kiện chưa có kinh nghiệm, còn nhiều khó khăn, song thời gian vừa qua, các bộ, ngành, nhất là các địa phương đã có nhiều nỗ lực, huy động được cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp cùng vào cuộc tích cực và đã thu được những thành quả nhất định trong phòng, chống dịch, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an sinh xã hội, nhờ đó đã hạn chế tối đa các ca tử vong; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc; giao thông được đảm bảo, hàng hóa được lưu thông; an ninh, trật tự được giữ vững...
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục như: có bộ, ngành, địa phương, có lúc, có nơi chưa bám sát, chưa dự báo trước được tình hình nên còn lúng túng, bất ngờ khi đối phó với những vấn đề phát sinh; một số người dân còn lơ là, mất cảnh giác, chấp hành chưa nghiêm các quy định, khuyến cáo, hướng dẫn phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương.
Do đó, kết quả phòng, chống dịch của một số địa phương chưa cao như mong muốn.
Đặc biệt, khi thực hiện Chỉ thị 16, một số ngành, địa phương chưa lường hết được các khó khăn phát sinh nên cục bộ nảy sinh một số vấn đề như: đáp ứng yêu cầu về y tế còn lúng túng, thiếu hụt; lưu thông hàng hóa có nơi còn ách tắc; có nơi, có lúc còn khan hiếm hàng hóa; hướng dẫn của các bộ, ngành có nơi còn chưa kịp thời; thông tin chưa đầy đủ, thiếu phân tích nên người dân hoang mang; một số thế lực thông tin bịa đặt, sai sự thật, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ nhận định tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhất là tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung, có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn nếu không có các giải pháp quyết liệt, kịp thời phòng, chống dịch hiệu quả hơn.
Các ổ dịch trong cộng đồng còn tiềm ẩn, dễ nảy sinh mất an ninh, trật tự.
Việc thực hiện Chỉ thị 16 nếu không nghiêm sẽ dẫn đến chủ quan, hậu quả sẽ nặng nề hơn. Sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, chuỗi cung ứng bị tác động. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân bị ảnh hưởng…
Lấy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu, quyết tâm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung, lấy bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết.
Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng khoanh vùng, xét nghiệm, cách ly, dập dịch; tập trung cứu chữa kịp thời, hiệu quả cho các bệnh nhân để giảm tối đa ca tử vong; thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin kịp thời, an toàn, hiệu quả, khoa học; không để người dân nào đói cơm, thiếu áo; giữ vững an ninh, trật tự bằng bất cứ giá nào; kiểm soát tốt biên giới và tại các khu cách ly không để lây lan dịch bệnh; không gây lây nhiễm trong cộng đồng; ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, chặt chẽ; không gây phiền hà cho nhân dân, không gây ách tắc trong giao thông; bảo vệ vững chắc các khu công nghiệp, không để đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn quốc và toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại quan điểm trong chỉ đạo phòng, chống dịch là “chống dịch như chống giặc”; tiếp tục chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, trong đó lấy phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hệ thống chính trị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân cùng nhau thực hiện các quy định, quy chế, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành liên quan trong phòng, chống dịch.
Phát huy tối đa tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, với tinh thần “mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là một pháo đài; mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch."
Thủ tướng chỉ đạo, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh, một số tỉnh phía Nam và miền Trung dành ưu tiên số một cho phòng, chống dịch, tuy nhiên không bỏ qua cơ hội tận dụng được trong phát triển kinh tế-xã hội, khi có đủ điều kiện, an toàn thì tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng,... hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề
Để thực hiện các mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thống nhất, xuyên suốt, tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền và hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo; tiếp tục nắm chắc tình hình, dự báo được tình hình để có các giải pháp, quyết định và tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện kịp thời; tổ chức giao ban hằng ngày để nắm bắt tình hình dịch bệnh, rút kinh nghiệm, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.
Về những nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương thành lập ngay các trung tâm cứu trợ, đường dây nóng, tổ tình nguyện để hỗ trợ người dân mọi lúc, mọi nơi, mọi vấn đề.
Các bộ, ngành phối hợp với các địa phương triển khai các giải pháp không để ách tắc giao thông, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân vùng dịch; tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, thể chế để việc chi tiêu, mua sắm phục vụ phòng, chống dịch đảm bảo đúng chế độ nhưng linh hoạt, sáng tạo, trên tinh thần không tư lợi mà chỉ có lợi cho nhân dân, đất nước.
Các địa phương chủ động hơn nữa theo phương châm “4 tại chỗ” để phòng, chống dịch, đồng thời chuẩn bị các phương án, kịch bản cao nhất để ứng phó với tình hình khi dịch diễn biến xấu.
Các địa phương phối hợp với các ngành liên quan tiếp tục triển khai thật tốt Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, để chính sách của Nhà nước sớm đến từng người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, ngoài tăng cường thông tin phân tích để người dân hiểu và ủng hộ phòng, chống dịch; cần có thông tin đấu tranh, phản bác trước các thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch Covid-19. Các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược vắc xin...
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng với quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn; phòng, chống dịch có trọng tâm, trọng điểm và dứt điểm, kịp thời thì dịch Covid-19 sẽ sớm được kiềm chế, đẩy lùi, thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.