Bộ Y tế trình Thủ tướng chỉ thị mới về phòng, chống dịch Covid-19

GD&TĐ - Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về tập trung cao độ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Delta nguy hiểm.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 giai đoạn dịch với khoảng 30.000 ca mắc, trong đó 27.895 ca ghi nhận trong nước, 9.878 người khỏi bệnh và 125 ca tử vong. Qua mỗi đợt, quy mô, địa bàn, mức độ lây lan dịch bệnh đều tăng.

4 giai đoạn dịch

Giai đoạn 1 đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1/2020, sau đó tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc mới là người trở về từ TP Vũ Hán, Trung Quốc; người nhập cảnh vào Việt Nam, trở về từ các khu vực, quốc gia đang có dịch như tại Châu Âu và Mỹ....

Giai đoạn 2 được ghi nhận từ cuối tháng 7/2020 (sau 99 ngày không ghi nhận trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng) với các trường hợp mắc mới tại Đà Nẵng và 14 tỉnh, thành phố khác.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ 25/1 với các ca bệnh được ghi nhận tại tỉnh Hải Dương và 12 tỉnh, thành phố khác.

Giai đoạn 4, từ ngày 27/4 đến nay. Dịch bệnh bắt đầu được ghi nhận tại Đà Nẵng, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Yên Bái và sau đó nhanh chóng lây lan ra các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Khánh Hòa, Phú Yên, Vĩnh Long và nhiều địa phương khác với khoảng 27.000 người mắc Covid-19.

Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng so với 3 đợt dịch trước. 

Đặc biệt, dịch bệnh không chỉ xâm nhập vào một số cơ sở y tế mà còn vào các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các sự kiện văn hóa, tôn giáo có tập trung đông người và các đô thị đông dân cư.

Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.

Dự thảo chỉ thị mới về phòng chống dịch Covid-19 kế thừa các giải pháp hiệu quả của 3 chỉ thị nêu trên, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch theo tinh thần "chống dịch như chống giặc", tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.

Thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), đặc biệt bảo đảm vật tư tại chỗ, sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Nhiều giải pháp chống dịch được đưa ra trong dự thảo chỉ thị mới 

Dự thảo chỉ thị mới về chống dịch Covid-19 cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả phòng chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp.

Khoanh vùng, thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung của Chỉ thị 16 toàn TP Hồ Chí Minh. Nguồn: HCDC.
Khoanh vùng, thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung của Chỉ thị 16 toàn TP Hồ Chí Minh. Nguồn: HCDC.

Thực hiện khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể, không máy móc theo địa giới hành chính; bảo đảm cung ứng hàng hóa cho người dân khu vực thực hiện cách ly, phong tỏa, có biện pháp phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thủy sản ở khu vực cách ly, phong tỏa...

Trường hợp cần thiết theo diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng sẽ quyết định áp dụng giãn cách theo vùng liên tỉnh.

Trong giai đoạn hiện nay, phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách, các địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập thể thống nhất để kịp thời quyết định mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.

Các địa phương phải chủ động chuẩn bị nhân lực tại chỗ; đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập ngay từ khi chưa có dịch. Việc chi viện nhân lực, thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế... được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của địa phương. Các đơn vị của Trung ương trên địa bàn và các lực lượng chi viện phải tuân thủ sự chỉ đạo, điều phối tập trung, thống nhất của địa phương tiếp nhận.

Tập trung thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin. Tăng cường tiếp nhận các nguồn vắc xin để mua được nhiều vắc xin nhất trong thời gian sớm nhất; phân bổ lượng vắc xin hiện có phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch. Tập trung chuẩn bị tiêm dịch vụ sau khi đạt miễn dịch cộng đồng.

Các địa phương chủ động, chuẩn bị nhân lực tại chỗ, đào tạo, tập huấn, tổ chức diễn tập ngay từ khi chưa có dịch.

Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp theo mức độ nguy cơ dịch bệnh

Bộ Y tế cũng đề xuất nhiệm vụ, giải pháp theo mức độ nguy cơ dịch bệnh, như: Địa bàn có nguy cơ, bên cạnh áp dụng 5K sẽ điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh để truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khu có người mắc bệnh...

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát Covid-19 cho người dân tại TP Thủ Đức. Ảnh: Sỹ Hưng.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm, tầm soát Covid-19 cho người dân tại TP Thủ Đức. Ảnh: Sỹ Hưng.

Những khu vực có nguy cơ cao buộc phải dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tập trung 10 người trở lên ngoài khu vực công sở, trường học, bệnh viện...

Với địa bàn nguy cơ rất cao áp dụng phong tỏa, cách ly y tế tập trung, giãn cách xã hội 14 ngày...

Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 3 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng; bố trí, cung cấp đầy đủ và kịp thời các nhu yếu phẩm thiết yếu đến các khu/cụm dân cư...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ