Tại cuộc họp, các Quan chức cao cấp ASEAN đã tập trung rà soát công tác chuẩn bị về nội dung, tổ chức, lễ tân, hậu cần cho các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao sẽ diễn ra vào ngày 26/4/2015, cũng như cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26.
Các Trưởng SOM ASEAN đã thống nhất về Chương trình hoạt động, Chương trình nghị sự và các văn kiện sẽ được các Lãnh đạo ASEAN thông qua dịp Cấp cao ASEAN 26 để trình Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) phê duyệt trước khi trình Lãnh đạo Cấp cao ASEAN.
Cuộc họp cũng đã trao đổi thực chất về các nội dung quan trọng liên quan đến xây dựng cộng đồng ASEAN 2015 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, nâng cao hiệu quả của tổ chức bộ máy và cách thức hoạt động của ASEAN, quan hệ với các đối tác của ASEAN, vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực.
Ngày mai - 26/4 sẽ diễn ra các hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao để hoàn tất lần cuối công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26.
Malaysia sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 tại hai địa điểm Kuala Lumpur và Langkawi, Malaysia từ 26-27/4.
Tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 26 có Lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị. Lãnh đạo một số Bộ/Ngành liên quan sẽ tháp tùng Thủ tướng Chính phủ.
Các hoạt động chính thức trong khuôn khổ chương trình hội nghị cấp cao ASEAN sẽ diễn ra tại Kuala Lumpur và Langkawi, Malaysia từ 26-27/4.
Tại thủ đô Kuala Lumpur sẽ diễn ra các hoạt động chính thức gồm Lễ khai mạc, Phiên họp toàn thể; Lãnh đạo cấp cao gặp Đại diện Đại hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ABAC), Đại diện các tổ chức nhân dân, xã hội (CSOs) và Đại diện Thanh niên ASEAN. Trong khi đó, tại Langkawi sẽ diễn ra Phiên họp hẹp và Phiên bế mạc.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần này, các Lãnh đạo ASEAN sẽ tập trung bàn phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hình thành Cộng đồng ASEAN 2015; xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; cải tiến tổ chức bộ máy và lề lối làm việc; Quan hệ đối ngoại của Hiệp hội; Vai trò trung tâm của ASEAN; các thách thức đối với ASEAN và hướng xử lý; và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế.
Ngoài Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị theo thông lệ, dự kiến tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26, các nhà Lãnh đạo sẽ thông qua 3 văn kiện gồm: Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN lấy người dân làm trung tâm; (ii) Tuyên bố Langkawi về Phong trào ôn hòa toàn cầu; Tuyên bố Kuala Lumpur về thể chế hóa sự tự cường của ASEAN, của các cộng đồng và người dân đối với thảm họa và biến đổi khí hậu.
Malaysia đã xác định chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2015 là “Người dân của chúng ta, Cộng đồng của chúng ta, Tầm nhìn của chúng ta” và xác định 8 nội dung ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2015, bao gồm: Chuẩn bị cho Cộng đồng ASEAN hình thành vào 31/12/2015; Hoàn tất soạn thảo Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; Tăng cường thể chế ASEAN; Đưa người dân ASEAN xích lại gần nhau hơn; Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Mở rộng thương mại và đầu tư nội khối; Thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực; Tăng cường vai trò toàn cầu của ASEAN.
Dự thảo Báo cáo của Tổng thư ký ASEAN sẽ trình tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26 có một số nội dung chính như sau: ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực cấp khu vực và quốc gia nhằm đảm bảo hình thành Cộng đồng ASEAN đúng thời hạn vào cuối năm 2015; tích cực chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015.
ASEAN tiếp tục ưu tiên đẩy mạnh kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua 2 khuôn khổ chính là Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI). ASEAN đã triển khai được 40% Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) gồm các kết quả cụ thể: nâng cấp Mạng đường bộ ASEAN, đưa hệ thống Internet băng thông rộng vào các trường học ASEAN, hoàn tất 02 dự án kết nối lưới điện ASEAN, thống nhất kế hoạch xây dựng thị trường vận tải biển thống nhất, triển khai dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN...
ASEAN đang nỗ lực thúc đẩy triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn khi ASEAN đi vào Cộng đồng cũng như giai đoạn phát triển cao hơn sau đó.
Về quan hệ đối ngoại, ASEAN tiếp tục củng cố và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác đối thoại. Trong khuôn khổ ASEAN+1, bên cạnh các đối tác chiến lược đã có là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, gần đây ASEAN đã nhất trí nâng quan hệ ASEAN-Úc lên quan hệ đối tác chiến lược; hướng tới quan hệ đối tác chiến lược với EU; đang xem xét đề xuất của Mỹ và New Zealand nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược.
ASEAN tiếp tục duy trì lập trường chung về vấn đề Biển Đông, đề cao sự cần thiết duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, thực hiện kiềm chế, không gây phức tạp tình hình, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC, nhất là Điều 5 và sớm đạt được COC.
Để tiếp tục thúc đẩy tiến trình hội nhập của ASEAN trong tương lai, các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao 25 (11/2014) đã thông qua các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015; và giao cho các Bộ trưởng và Quan chức cao cấp xây dựng văn kiện Tầm nhìn.