* Nga nhiều lần bày tỏ sẵn sàng làm khâu kết nối giữa Đông và Tây. Xin ông cho biết cụ thể hơn, có những bước đi thực tế nào đang được dự kiến nhằm tăng cường vị thế của Nga trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương? ASEAN đóng vai trò gì trong tiến trình này?
- Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Quả thực chúng tôi không chỉ một lần bày tỏ nguyện vọng được làm việc với các nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, làm việc với các nước ASEAN, làm việc trực tiếp với Việt Nam, mà trong những năm gần đây Nga còn thực hiện những bước đi thực tiễn theo hướng này.
Với Việt Nam, chúng tôi duy trì tiếp xúc thường xuyên. Tôi đã sang Việt Nam năm 2012, chuyến thăm kế tiếp này rất quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng việc định hướng là chưa đủ, cần có những bước đi thực tế.
Vào thời điểm này, chúng tôi cũng đang có hàng loạt ý tưởng và kế hoạch, hướng tới làm sao để thúc đẩy đưa quan hệ với Việt Nam - một đối tác chiến lược của chúng tôi - lên tầm cao mới. Một trong những ý tưởng đó là hiệp định về khu vực thương mại tự do. Đây sẽ là hiệp định đầu tiên được ký kết giữa một bên là Liên minh Kinh tế Á-Âu và bên kia là một nước.
Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Nga vừa xác nhận với tôi rằng cuộc đàm phán với Việt Nam đã bước vào giai đoạn kết. Ở nhiều điểm, chúng ta thực sự tiến rõ rệt về phía trước và mong muốn hoàn tất đàm phán trong thời gian gần nhất. Cần tạo điều kiện dành cho đầu tư lẫn nhau, và Nga đã sẵn sàng cho việc này.
Vì vậy, tôi hy vọng là những cuộc đàm phán sắp tới và chuyến thăm của tôi đến đất nước Việt Nam thân thiện sẽ mang lại những thành quả thiết thực.
* Xin ông đánh giá về tiến trình hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa Việt Nam?
- Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Hợp tác đang xúc tiến tốt. Chúng ta có bề dày lịch sử quan hệ phong phú trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa. Liên doanh Vietsovpetro hoạt động từ lâu, và trong những năm qua đã khai thác khối lượng lớn dầu mỏ (hàng trăm triệu tấn) cùng lượng đáng kể khí đốt đồng hành (hàng tỷ mét khối), tức là đạt khối lượng lớn ở tầm cỡ thế giới.
Những kết quả đó chứng tỏ điều gì? Đó là minh chứng thực tế về hợp tác cùng có lợi, mang lại lợi ích, thu nhập cho cả Việt Nam và Liên bang Nga. Chính vì thế, chúng ta sẽ tiếp nối sự hợp tác này trong những năm tới, cho giai đoạn đến năm 2030. Những tập đoàn khác của chúng tôi như Rosneft, Gazprom cũng có đối tác ở Việt Nam và đều đang tiến hành đàm phán về khả năng hợp tác.
* Ông có đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao?
- Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Chúng tôi sẵn sàng hiệp lực trong mọi hình thức khác nhau với các bạn Việt Nam. Tôi có thể nêu một điển hình - đó là nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đây chính là hiện thân của công nghệ cao. Dưới góc độ công nghiệp hạt nhân và điện hạt nhân, Nga là nước dẫn đầu.
Nhưng để vận hành các chủ thể loại này, thứ cần thiết không chỉ là tiền bạc mà ở đó phải có đội ngũ nhân sự chuyên môn. Do đó, hiện Liên bang Nga đang đào tạo chuyên gia cho Việt Nam, để rồi họ thành chuyên viên làm việc giỏi ở nhà máy điện hạt nhân này, cũng như góp phần phát triển công nghệ cao nói chung, trong đó có công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.
* Xin ông cho biết, liệu có cơ hội hoặc kế hoạch cụ thể nào để trong giao dịch thương mại, Nga và Việt Nam chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của hai nước?
- Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Tất nhiên là có. Thứ nhất, ngay bây giờ cũng chẳng có gì cản trở chúng ta thanh toán bằng rúp Nga và VND. Không hề có trở ngại nào hết, dưới góc độ quan điểm pháp lý nhưng còn cần luận cứ kinh tế nữa. Chúng ta đã thỏa thuận về khả năng sử dụng phương thức thanh toán bằng những đồng bản tệ quốc gia của nhau từ gần chục năm trước, thậm chí đã thành lập một ngân hàng riêng Nga-Việt.
Hiện nay những thanh toán như vậy chiếm khoảng 1,5%, phần còn lại là USD, không phải luôn có lợi, bởi đối với chúng tôi cũng như với các bạn thì USD là ngoại tệ. Chúng ta bị lệ thuộc vào tỷ giá USD. Trong ý tưởng đó thì giao dịch trực tiếp bằng những đồng tiền quốc gia có thể lợi hơn. Tôi nhất định sẽ nêu đề tài này trong các cuộc hội đàm với đối tác Việt Nam của chúng tôi.
Kết thúc cuộc phỏng vấn này, tôi muốn nói rằng chúng tôi hy vọng thu được kết quả tốt đẹp từ chuyến thăm đến đất nước các bạn. Chúng tôi sẽ có chuyến thăm khá dài tới một số địa điểm.
* Xin trân trọng cảm ơn ông!