Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh

GD&TĐ - Chiều 23/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh.

Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Trà Vinh

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho rằng Trà Vinh có vị trí quan trọng ở vùng đất phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch. Sau khi tái lập tỉnh, Trà Vinh gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp nhưng thời gian gần đây, tỉnh đã đạt nhiều thành quả quan trọng.

Năm 2016 và quý I/2017, mặc dù điều kiện không thuận lợi, nhất là thiên tai, xâm nhập mặn, Trà Vinh đã có nhiều cố gắng thực hiện chỉ tiêu được giao. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế địa phương đạt 10,26%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng tới 42%. Thủy sản phát triển tốt. Một số hạ tầng du lịch được đầu tư. Thủ tướng cũng đánh giá cao việc vốn đầu tư vào tỉnh đạt trên 24.000 tỷ đồng, đứng thứ 6/13 tỉnh ở ĐBSCL.

Một thành tích khác của Trà Vinh là phổ cập giáo dục tiểu học, đặc biệt tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn tới 99%. Đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm. Trà Vinh thực hiện tốt chương trình nông thôn mới với 24/85 xã (28%) đạt chuẩn nông thôn mới. Đây vừa là kết quả, vừa là động lực để phát triển bền vững. “Có dự án đầu tư vào đây nhưng người dân Trà Vinh được thụ hưởng thành quả gì mới quan trọng, nhất là trong khi người dân làm nông nghiệp còn nhiều. Không chỉ lo cơ cấu kinh tế mà cái khó nhất trong kinh tế ở Trà Vinh chính là cơ cấu lao động”, Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ rõ quy mô kinh tế Trà Vinh còn nhỏ, chiếm 4,7% GDP của vùng ĐBSCL trong khi diện tích chiếm 5,7%. Bình quân thu nhập đầu người còn thấp (33,4 triệu đồng). Tỷ lệ hộ nghèo có giảm nhưng còn ở mức cao. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn còn ít (871 người dân mới có 1 doanh nghiệp). Thủ tướng cho rằng tỉnh cần lưu ý việc này vì doanh nghiệp giải quyết việc làm, tạo ra tăng trưởng. Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh cần quan tâm vấn đề năng lực cạnh tranh, trong đó có việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Thủ tướng nêu rõ: Nông nghiệp theo khái niệm mở rộng vẫn là hướng ra quan trọng đối với Trà Vinh. Theo đó, tỉnh nên hướng vào lúa chất lượng cao, lúa cao sản, thậm chí cả gạo dinh dưỡng, muốn xuất khẩu phải tìm hướng đi.

Đồng thời, Thủ tướng gợi ý Trà Vinh tập trung nuôi tôm thâm canh và mong muốn Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng và đặc biệt là Trà Vinh phải trở thành những trung tâm sản xuất tôm của Việt Nam để đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Một hướng đi nữa là phát triển cây ăn quả khi “1 ha bưởi hay cam sành thì năng suất, hiệu quả bằng 10 ha lúa”. Chăn nuôi bò, đặc biệt là nuôi bò sữa.

Trà Vinh cần quan tâm phát triển công nghiệp, trước hết là công nghiệp chế biến vì nếu tất cả làm thô, sẽ không hiệu quả. Trà Vinh có nhiều di tích, di sản văn hóa đặc sắc, nhất là của người Khmer, Thủ tướng cho rằng tỉnh cần phát triển mạnh mẽ du lịch.

Tỉnh cần thực hiện tốt các Nghị quyết 01, Nghị quyết 19 của Chính phủ, cải thiện môi trường đầu tư, tạo nền tảng sinh thái khởi nghiệp và phong trào khởi nghiệp ở địa phương. Làm tốt công tác dân vận, tôn giáo, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh Trà Vinh cần chỉ đạo hoàn thành mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2017; huy động tất cả nguồn lực phát triển.

Báo cáo với Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng cho biết thời gian qua, tỉnh đã tích cực tập trung chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 66,7% diện tích theo kế hoạch. Tỷ trọng trồng trọt từ 74% năm 2015 nay còn 71%; chăn nuôi từ 16% lên 18%; thủy sản từ 29% lên 31%. Trong thủy sản, tỉnh chuyển đổi cơ cấu loại hình (nuôi thâm canh, bán thâm canh) và đối tượng vật nuôi (tôm sú, thẻ chân trắng, cá…) theo hướng bền vững. Từ đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 101.000 tấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ