Quyết tâm xóa "quy hoạch treo" Làng Đại học Đà Nẵng
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997. Theo quy hoạch, trong 300 ha đất dành cho làng ĐH Đà Nẵng, có 110 ha thuộc thành phố Đà Nẵng (phường Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn) và 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam (xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn). Sau đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã cấp đất thuộc khu Quy hoạch chung ĐH Đà Nẵng cho trường CĐ Công nghệ thông tin Việt Hàn với diện tích là 13,5ha.
Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã triển khai dự án đầu tư giai đoạn 1, 2 và 3 trên phần đất đã giải phóng mặt bằng là 23,1ha. Báo cáo với Thủ tướng và đoàn công tác chính phủ, GS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng đề xuất tiếp tục chủ trương giữ nguyên phạm vi 286 ha đã quy hoạch, chỉ điều chỉnh quy hoạch lại phân khu chức năng cho phù hợp với thực tế và quy mô ĐH Đà Nẵng, khoanh vùng giữ lại các khu vực đất ở có mật độ dân cư cao, với tổng diện tích hiện trạng là 60ha để dự phòng phát triển trong tương lai.
ĐH Đà Nẵng cũng kiến nghị “triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ phần đất còn lại thuộc vùng quy hoạch tương ứng 203,4ha, trong đó phía Đà Nẵng là 63,4ha, Quảng Nam 140ha; khoanh vùng chưa giải tỏa phần đất mật độ dân cư cao 60ha. Kinh phí dự kiến thực hiện giải tỏa đền bù ước tính khoảng 1.650 tỷ đồng. Việc đầu tư giải tỏa đền bù sẽ thực hiện dứt điểm để tránh các phát sinh tranh chấp như đã xảy ra trong 20 năm qua”.
Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền TP Đà Nẵng và Quảng Nam đều thống nhất cao việc ủng hộ khởi động lại dự án Làng ĐH Đà Nẵng và sẽ hỗ trợ ĐH Đà Nẵng trong việc giải phóng mặt bằng.
Ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết: “Về phía Đà Nẵng chỉ có khoảng 10 ha mật độ dân cư hơi cao, chúng tôi đề nghị Thủ tướng cho phép giải toả toàn bộ. Phía Quảng Nam có khoảng 60 ha có mật độ dân cư cao, nếu không giải tỏa thì sẽ tạo ra một vùng lõm sẽ không khới nối hạ tầng đô thì rất khó khăn. Toàn bộ kinh phí giải tỏa, đền bù khoảng 1.650 tỉ đồng không phải là quá lớn, có thể cân đối được để khởi động, lập lại dự án.
Đà Nẵng hoàn toàn nhất trí với đề xuất rất linh hoạt của ĐH Đà Nẵng là dành một phần đất thương mại khoảng 22 ha để khai thác trong quá trình thực hiện tự chủ. Đà Nẵng chỉ lấy chi phí giải phóng mặt bằng thôi, phần còn lại ĐH Đà Nẵng hoàn toàn có thể khai thác các dịch vụ phục vụ SV và giảng viên, nếu anh làm tốt thì có thể giống như một doanh nghiệp”.
Ông Đinh Văn Thu – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho rằng, Quảng Nam hoàn toàn ủng hộ chủ trương phát triển đô thị Đại học tại khu vực Điện Ngọc: “5 nhiệm kỳ vừa qua, việc phát triển Làng ĐH vẫn được Quảng Nam đưa vào nghị quyết vì đây là định hướng hoàn toàn đúng đắn cho phát triển nhân lực địa phương.
Trong quy hoạch, phần diện tích phía Quảng Nam có 190 ha, trong đó đã giải tỏa được 130 ha, với 60 ha có mật độ dân cư cao thì cần phải có sự khảo sát lại, điều kiện cơ sở hạ tầng ở đây tương đối tốt nên nếu giải tỏa thì hết khoảng 5 tỷ. Cả giải tỏa, đền bù và tái định cư phần diện tích đất ở Quảng Nam khoảng 1.000 tỷ đồng thì có thể làm được”.
Theo ông Đào Quang Thu – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐH Đà Nẵng cần phải nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư như xây dựng lại dự án được cấp có thẩm quyền thông qua.
“Trên cơ sở kết luận của Thủ tướng, ĐH Đà Nẵng phải xây dựng được kịch bán, phương án như nếu giải tỏa 300 ha thì hết bao nhiêu tiền, nếu tách 60 ha đông dân cư thì sẽ hết bao nhiêu tiền, phương án huy động vốn, địa phương ủng hộ bao nhiêu, Trung ương bao nhiêu, ngân sách của ĐH Đà Nẵng bao nhiêu, nguồn từ khai thác khu đất thương mại là bao nhiêu? Những thủ tục pháp lý này cần nhanh chóng triển khai thì mới có thể đưa vào đầu tư trung hạn được” - Thứ trưởng Đào Quang Thu phân tích.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị phía UBND TP Đà Nẵng nên có một tổ hỗ trợ cho ĐH Đà Nẵng xây dựng lại dự án để khắc phục những chậm trễ trong thời gian qua.
Ghi nhận các ý kiến, đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ cùng với các bộ, ngành và địa phương quyết tâm xóa quy hoạch treo Làng ĐH Đà Nẵng.
“Đồng ý đưa dự án Làng ĐH Đà Nẵng vào đầu tư trung hạn; trước mắt tập trung giải phóng mặt bằng để sớm có hình hài một đô thị Đại học” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Đẩy mạnh tự chủ đại học và quản trị đại học
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ hoàn toàn đồng ý với chủ trương tái cấu trúc lại ĐH Đà Nẵng, tổ chức, sắp xếp lại các khoa, trường thành 2 trường ĐH mới và đầu tư thành lập trường ĐH Việt – Anh thành trường ĐH công lập đẳng cấp quốc tế.
Theo GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đây không phải là thành lập 3 trường ĐH mới: Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật sẽ dựa trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các khoa Sư phạm kỹ thuật của trường ĐH Bách khoa và trường CĐ Công nghệ; trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông thành lập trên cơ sở các khoa CNTT của ĐH Bách khoa, ngành CNTT của ĐH Sư phạm, Tin học của ĐH Kinh tế và trường CĐ Công nghệ thông tin. Riêng trường ĐH Việt – Anh sẽ không đầu tư xây dựng một trường ĐH mới như trường ĐH Việt – Đức, trường ĐH Việt – Pháp mà sẽ dựa trên cơ sở khai thác tối đa nguồn lực hiện có của ĐH Đà Nẵng.
“Cụ thể, sẽ chọn một số khoa công nghệ, mũi nhọn của ĐH Đà Nẵng để đầu tư chiều sâu, làm nòng cốt cho sự hình thành trường ĐH Việt – Anh như là một đơn vị tiên phong có tính hội nhập quốc tế cao nhất trong toàn ĐH Đà Nẵng” – GS Trần Văn Nam báo cáo Thủ tướng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng: “20 năm trước, chúng ta xây dựng ĐH quốc gia, ĐH vùng là nhìn vào địa lý, nhưng bản chất ĐH không như vậy. Tầm nhìn của ĐH phải được tiếp cận theo hướng toàn cầu chứ không phải địa phương. Do vậy, ĐH Đà Nẵng cần xác định chiến lược phát triển từ đó có căn cứ rà soát lại cơ cấu để giải quyết bài toán quy hoạch.
Hiện ở bậc ĐH, ĐH Đà Nẵng có 4 trường thành viên, việc thành lập thêm 3 trường ĐH sẽ giúp ĐH Đà Nẵng có cơ sở để phát triển mạnh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Nếu 3 trường này được thành lập trên cơ sở các nguồn lực được rà soát, sắp xếp lại thì Bộ hoàn toàn ủng hộ”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng gợi ý mô hình phát triển của trường ĐH Việt – Anh nên theo xu hướng các trường ĐH trên thế giới, chú trọng quản trị đại học, vận hành theo nguyên tắc tự chủ để nhằm tăng tính cạnh tranh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm: Việc khởi động lại dự án Làng Đại học Đà Nẵng là quyết tâm cao của Chính phủ và sẽ đầu tư đúng mức; đây là trách nhiệm của cả địa phương và Trung ương. Hy vọng với sự đầu tư này, ĐH Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những nơi khởi đầu của đổi mới giáo dục Đại học, trong đó có tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “ĐH Đà Nẵng nên điều chỉnh lại, không phải là lộ trình tự chủ mà là lộ trình cắt giảm ngân sách nhà nước. Ví dụ như ĐH Đà Nẵng có thể tự chủ đại học ngay trong năm 2018. Tự chủ đại học không đồng nghĩa với việc cắt giảm toàn bộ ngân sách nhà nước mà chỉ là đổi mới việc cấp ngân sách.
Chẳng hạn như trong 5 năm tới, ngân sách cấp cho ĐH Đà Nẵng vẫn giữ nguyên. Nếu chúng ta xác định tự chủ đại học thì có thành lập mới 10 trường đi nữa chúng tôi cũng ủng hộ. Nếu với cấp độ khoa mà hoạt động tốt thì chúng ta duy trì ở cấp độ khoa, nhưng nâng cấp lên trường mà hoạt động tốt hơn thì phải thành lập trường. Vấn đề là tự chủ đại học phải đúng như tinh thần tự chủ mới là quan trọng”.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ĐH Đà Nẵng cần đẩy mạnh mô hình tự chủ đại học, quản trị đại học. Thủ tướng nhấn mạnh: “Không phải ở chỗ có bao nhiêu trường thành viên mà là các đồng chí có tự chủ và mạnh dạn tự chủ hay không. Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tạo điều kiện để ĐH Đà Nẵng tiếp cận các nguồn vốn cho dự án Làng ĐH Đà Nẵng.
ĐH Đà Nẵng phải đổi mới tư duy dạy – học, quan tâm tới trí thức khoa học, đào tạo kỹ năng mềm cho SV, trang bị tinh thần khởi nghiệp và khả năng thích ứng với công nghệ cho người học để cung cấp được cho khu vực và cả nước nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4”.