Ngày 7/8, Văn phòng Chính phủ đã có công văn 5420/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý đề nghị hỗ trợ Công ty Cổ phần Y dược phẩm Vimedimex mua vắc xin Sputnik V của Tập đoàn Royal Strategic Partner của UAE.
Công văn nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý và có văn bản hỗ trợ theo nguyên tắc chung.
Một vài thông tin về vắc xin Sputnik V
Theo thông tin trên Hệ thống tiêm chủng VNVC, Sputnik V là vắc xin có nguồn gốc từ Nga, dựa trên nền tảng vector adenovirus được đăng ký đầu tiên trên thế giới. Sputnik V được đặt tên theo một vệ tinh nhân tạo đầu tiên do Liên Xô chế tạo và phóng vào vũ trụ.
Ngày 15/8/2020, Bộ Y tế Nga thông báo khởi động sản xuất vắc xin Sputnik V phòng Covid-19 và cho biết đã có hơn 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam đặt hàng mua, dự kiến tổng cộng khoảng 1,2 tỷ liều.
Vào ngày 2/2/2021, một phân tích tạm thời từ thử nghiệm ở Moscow đã được công bố trên tạp chí The Lancet, cho thấy hiệu quả 91,6% (95% CI 85,6–95,2) sau khi tiêm vắc xin thứ hai mà không có tác dụng phụ bất thường.
Cuộc thử nghiệm bắt đầu vào ngày 7/9/2020 bằng cách sử dụng dạng lỏng đông lạnh của vắc xin, sau đó dữ liệu phân tích được công bố vào ngày 24/11/ 2020. Nhóm trên 60 tuổi trong thử nghiệm (người thử nghiệm lớn tuổi nhất là 87 tuổi) về cơ bản có cùng hiệu quả (91,8%) như ở mọi lứa tuổi. Tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất là 18 tuổi.
Theo thông tin từ Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), tới nay, vắc xin Sputnik V đã được đăng ký tại 68 quốc gia với tổng dân số 3,7 tỷ người, chiếm gần một nửa dân số toàn cầu. Theo dữ liệu thu thập được từ các nhà quản lý qua quá trình tiêm chủng tại một số nước như Argentina, Serbia, Bahrain, Hungary, Mexico, UAE, Philippines và một số nước khác, Sputnik là một trong những vắc xin an toàn và hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2.
Sputnik V là loại vắc xin sản xuất theo công nghệ vector adenoviral (human adenoviral vector), sử dụng 2 vector khác nhau cho 2 liều tiêm chủng đầy đủ, do đó nó mang lại hiệu quả miễn dịch lâu dài hơn vắc xin sử dụng cùng một cơ chế cho 2 liều tiêm.