Nghiên cứu ở Anh: Tiêm vắc-xin giảm hơn nửa nguy cơ mắc chủng Delta

GD&TĐ - Theo nghiên cứu mới ở Anh, những người được tiêm chủng đủ hai liều vắc-xin phòng Covid-19 giảm 50% - 60% nguy cơ bị nhiễm biến thể Delta, thậm chí không có triệu chứng so với những người không được tiêm chủng.

Nghiên cứu ở Anh: Tiêm vắc-xin giảm hơn nửa nguy cơ mắc chủng Delta

Nghiên cứu được thực hiện từ ngày 24/6 - 12/7 trên gần 100.000 người Anh. Theo đó, những người được tiêm hai liều vắc-xin có nguy cơ mắc biến thể Delta thấp hơn người không tiêm từ 50% - 60%.

Nguy cơ dương tính sau khi tiếp xúc người mắc Covid-19 của nhóm đã tiêm vắc-xin là 3,84% so với 7,23% của nhóm chưa tiêm. Tỉ lệ này có thể thay đổi dựa trên các yếu tố như tuổi tác, triệu chứng bệnh...

Nghiên cứu cũng nhận thấy, những người đã tiêm đủ liều 2 mũi vắc-xin ít có nguy cơ truyền virus sang những người khác hơn những người chưa tiêm vắc-xin.

Hiệu quả của hai mũi vắc-xin trong việc phòng ngừa lây nhiễm có thể lên tới 59%. Những người đã được tiêm vắc-xin nếu nhiễm virus SARS-CoV-2 thì ít có khả năng phát triển thành bệnh.

Nghiên cứu và khảo sát này do các nhà khoa học tại Đại học Imperial College London và Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos MORI tiến hành trong khuôn khổ Chương trình khảo sát Covid-19 REACT-1.

Giáo sư Paul Elliott thuộc Đại học Hoàng gia London, người đứng đầu chương trình khảo sát trên cho biết: Những phát hiện trên xác nhận dữ liệu trước đó cho thấy tiêm đủ liều 2 mũi vắc-xin giúp phòng ngừa nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, Giáo sư Elliott lưu ý, người đã tiêm vắc-xin vẫn có nguy cơ mắc bệnh vì không có vắc-xin nào hiệu quả ngừa bệnh 100%. Đồng thời, các nhà nghiên cứu không giải đáp về hiệu quả của các loại vắc-xin cụ thể.

Nhưng phát hiện của họ mâu thuẫn với các nghiên cứu trước đây. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Public Health England cho thấy rằng, vắc-xin Pfizer-BioNTech có hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng do biến thể Delta gây ra trong khi hiệu quả 93% đối với biến thể Alpha, biến thể phổ biến trước đó.

Nghiên cứu đó cho thấy, vắc-xin AstraZeneca hai liều có hiệu quả 60% đối với biến thể Delta, so với 66% đối với biến thể Alpha, theo dữ liệu từ Live Science.

“Biến thể Delta được biết là có khả năng lây nhiễm cao, và chúng tôi có thể thấy từ dữ liệu của mình và của những người khác rằng các ca nhiễm đột phá đang xảy ra ở những người được tiêm chủng đầy đủ” - Steven Riley, Giáo sư về động lực của bệnh truyền nhiễm tại Đại học Imperial College London cho biết - “Chúng ta cần hiểu rõ hơn về mức độ lây nhiễm của những người được tiêm chủng đầy đủ, vì điều này sẽ giúp dự đoán tốt hơn tình hình trong những tháng tới”.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, xu hướng nhiễm bệnh và nhập viện, vốn đã suy yếu vào mùa xuân, đang dần quay trở lại, theo tuyên bố. Điều đó có thể là do biến thể chiếm ưu thế chuyển từ Alpha sang Delta và nhiều người trẻ, những người có thể ít được tiêm chủng hơn, nhập viện nhiều hơn trước. Những người trẻ trong độ tuổi từ 13 - 24 có tỉ lệ nhiễm cao nhất và những người từ 75 tuổi trở lên có tỉ lệ nhiễm thấp nhất.

“Báo cáo cho thấy tầm quan trọng của việc tự chịu trách nhiệm cá nhân bằng cách tự cô lập nếu bạn bị truy tìm dấu vết tiếp xúc, đi xét nghiệm nếu bạn có các triệu chứng và luôn luôn đeo khẩu trang” - Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc Xã hội Vương quốc Anh Sajid Javid cho biết trong tuyên bố - “Tôi kêu gọi bất cứ ai chưa tiêm vắc-xin hãy đi tiêm và tiêm cả hai liều”.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ