Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TPHCM

GD&TĐ - Chiều 27/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam và lãnh đạo 18 bộ, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về phát triển kinh tế -xã hội của thành phố.

 Toàn cảnh buổi làm việc chiều 27/6 tại UBND TPHCM
Toàn cảnh buổi làm việc chiều 27/6 tại UBND TPHCM

Phát biểu mở đầu buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, TPHCM là đầu tàu kinh tế không chỉ của vùng Đông Nam bộ mà là của cả nước.

Cụ thể, TPHCM chỉ chiếm diện tích 0,6% của cả nước, dân số chiếm 6,6% nhưng chiếm 22% GDP cả nước. Sau 40 năm giải phóng, trong suốt thời gian đó, thành phố luôn đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, nhất là vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng, Nhà nước vào một địa bàn quan trọng ở phía Nam.

Thủ tướng khẳng định rằng, mỗi lần vào TPHCM là chúng ta tạo ra những điều kiện về cơ chế chính sách cho thành phố phát triển hơn nữa trong phạm vi pháp luật và Nghị quyết Đại hội Đảng XII, trong đó có Nghị quyết 16 của Bộ Chính Trị về phát triển TPHCM.

Thay mặt lãnh đạo TPHCM, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TPHCM - trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, những công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2016, đồng thời, đề xuất nhiều vấn đề lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, trong 6 tháng cuối năm, TPHCM sẽ tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2016 như tổng sản phẩm nội địa tăng 8%,.. thu ngân sách dự toán đạt 298.300 tỷ đồng; phấn đấu trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ sô năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR-index)…

Lãnh đạo TPHCM cũng đưa ra 7 kiến nghị với Thủ tướng liên quan đến: Về phân cấp, ủy quyền; Về một số cơ chế tài chính đặc thù cho TP; Về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng; Về xử lý nhà, đất do các cơ quan, đơn vị, công ty nhà nước thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TPHCM; Về đại điểm đặt trụ sở của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam; Về đảm bảo an ninh trật tự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 4 mục tiêu cho TPHCM: Trước hết là xây dựng thành phố thông minh, năng động, hiện đại với khả năng kết nối sâu sắc vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, phải cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á; thứ hai, phát huy vai trò của trung tâm nguồn lực chất lượng cao; thứ ba, phải là điểm nhấn thu hút đầu tư và khởi nghiệp; thứ tư, hướng tới nền kinh tế thị trường hài hòa, bền vững.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị TPHCM phải xây dựng cơ cấu kinh tế thông minh, lấy dịch vụ và công nghệ cao là mũi nhọn để phát triển toàn diện các giá trị sáng tạo trong từng sản phẩm, dịch vụ.

Thủ tướng yêu cầu Thành phố cần coi trọng công tác quy hoạch, với tầm nhìn xa, đổi mới nhưng vẫn giữ bản sắc văn hóa của mình. “Quy hoạch cho một thành phố mà đặc biệt như TPHCM không phải bản vẽ kỹ thuật mà tổng hòa các yếu tố kinh tế, môi trường, văn hóa, để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Thành phố phải đi đầu đổi mới cách làm quy hoạch với sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với những kiến nghị, đề xuất của TPHCM mà thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần mạnh dạn đổi mới, vận dụng sáng tạo các cơ chế mà Trung ương đã dành cho Thành phố (Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến 2020). Thủ tướng khẳng định 6 tháng còn lại của năm 2016, Thành phố phải quyết tâm phấn đấu, hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển của cả nước.

Liên quan đến lĩnh vực GD&ĐT, chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD&ĐT - Thứ trưởng Bùi Văn Ga - cho biết, ngày 7/6 vừa qua, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có buổi làm việc riêng với lãnh đạo TP HCM về tình hình GD&ĐT. 

Bộ cũng đã đồng ý cho TP HCM thực hiện thí điểm những cơ chế mới để phát triển nguồn nhân lực. Tại cuộc họp ngày 7/6, TP HCM cũng đã đưa ra 8 kiến nghị đề xuất liên quan đến GD&ĐT như: Cho phép thành phố tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GD&ĐT;

Cho phép học sinh các trường chuyên được thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ môn cơ bản; đào tạo thí điểm các chương trình chất lượng cao để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các khu công nghiệp …

Điều này đã được Bộ GD&ĐT thông qua và yêu cầu TP HCM lập chương trình cụ thể về phát triển GD&ĐT kèm theo những cơ chế đặc thù trình lên Bộ để Bộ đưa ra ý kiến cho TP HCM triển khai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ