Đổi mới dạy học trực tuyến: Nhiệm vụ bắt buộc, lâu dài

GD&TĐ - Trước diễn biến dịch Covid-19, ngành GD Hà Nội xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến là giải pháp quan trọng để thực hiện đúng tiến độ kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022, đồng thời bảo đảm an toàn cho HS.

Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) học trực tuyến. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm) học trực tuyến. Ảnh: TG

Sẵn sàng cho dạy học trong thời gian dài

Cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy) khẳng định, nhà trường đã sẵn sàng các phương án dạy học thích ứng với diễn biến của dịch, kể cả phương án dạy học trực tuyến với học sinh lớp 1.

Điều thuận lợi là các bậc phụ huynh luôn đồng thuận, hỗ trợ và bảo đảm tối đa các điều kiện học tập cho con em mình. Học sinh lớp 2 đến lớp 5 đã cơ bản quen với hình thức học trực tuyến nên không gặp nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn với học sinh lớp 1, nhà trường dự kiến tổ chức họp phụ huynh vào ngày 28/8 để xác định thời gian học tập phù hợp và biện pháp hỗ trợ các em. Chủ trương của nhà trường là dành thời gian đầu năm học để học sinh làm quen cách tương tác với thầy cô và bạn bè qua thiết bị điện tử, sau đó triển khai dạy tập đọc, làm toán; việc dạy tập viết sẽ triển khai sau.

Cô Nguyễn Thị Thúy Minh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ), cho biết: Năm học 2021 - 2022 nhà trường có 8 lớp 1 với hơn 300 học sinh. Mục tiêu quan trọng nhất được đặt ra đối với 8 giáo viên chủ nhiệm lớp 1 là làm sao để các em háo hức, hứng thú vào lớp học tập.

Căn cứ tình hình thực tế, nhà trường dự kiến tổ chức cho học sinh lớp 1 học trực tuyến vào buổi tối với yêu cầu 100% học sinh đều có phụ huynh hỗ trợ trong suốt buổi học.

Liên quan đến nội dung này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Hà Nội tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên học sinh cũng chưa thể đến trường. Do đó, các nhà trường cần xác định việc tổ chức dạy học trực tuyến với tất cả các khối lớp là giải pháp ổn định trong thời gian đầu của năm học 2021 - 2022. Việc xây dựng phương án dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả là vấn đề cần quan tâm, nhất là với học sinh lớp 1.

Sở sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các nhà trường với tinh thần chung là các trường họp thống nhất với phụ huynh học sinh về khung giờ học, các hình thức trao đổi, hỗ trợ học sinh. Các trường cần dành từ 7 - 10 buổi đầu để học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến, tương tác với cô, với bạn... sau đó mới triển khai kế hoạch học tập.

Giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ dạy học trực tuyến. Ảnh: TG
Giáo viên tham gia các lớp học nâng cao trình độ dạy học trực tuyến. Ảnh: TG

Đổi mới hình thức dạy học, nâng cấp phần mềm

Để chuẩn bị cho con trước thềm năm học mới, chị Nguyễn Mai Anh (quận Hoàn Kiếm) ngoài việc mua sắm sách vở, đồ dùng học tập còn trang bị thêm một chiếc máy tính cấu hình cao cùng một chiếc webcam “xịn” và nâng cấp đường truyền Internet trong nhà.

Chị Mai Anh cho biết, năm học trước chị chỉ xác định học trực tuyến là giải pháp tình thế nên chưa quan tâm nhiều, chỉ cho con học bằng điện thoại của mẹ, cấu hình thấp, camera chất lượng thấp. Mỗi khi có tin nhắn, cuộc gọi vào điện thoại của mẹ khiến việc học của con bị gián đoạn. Xác định việc học trực tuyến là lâu dài, nên năm học này để cho con có điều kiện học tốt hơn, gia đình quyết định nâng cấp máy tính, đường truyền.

Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Giáo dục quận Ba Đình đã tích cực triển khai các giải pháp dạy học trực tuyến, đổi mới hình thức dạy học, nâng cấp phần mềm dạy học, chú trọng tập huấn giáo viên dạy học trực tuyến.

Thống kê sơ bộ cho thấy, có 89% nhà trường trên địa bàn quận dạy học trực tuyến qua phần mềm Zoom. Đây là phần mềm tốt nhưng không có nhiều tính năng cao cấp của một lớp học hiện đại. Trường học trực tuyến đúng nghĩa là ở đó có thể tổ chức, quản lý giao bài tập kiểm tra, đánh giá trên hệ thống, điều mà Zoom không thực hiện được.

Buổi kiểm tra học kỳ II của Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: TG
Buổi kiểm tra học kỳ II của Trường Tiểu học Trung Yên (quận Cầu Giấy). Ảnh: TG

Bởi vậy, Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường học thí điểm xây dựng mô hình trường học trực tuyến trên nền tảng Google Classroom. So với Zoom, Google Classroom có nhiều lợi thế hơn như thiết lập đơn giản, tích hợp với các bộ công cụ của Google, giúp giáo viên tập trung vào giảng dạy.

Cụ thể, mô hình được triển khai qua các bước: Tập huấn cho giáo viên cách sử dụng Google Classroom; lập các địa chỉ email cho giáo viên, học sinh; tạo các phòng học trực tuyến Google Classrom, phân quyền cho người tham gia. Các hoạt động quản lý, trao đổi thông tin, dạy - học, kiểm tra đánh giá trong Classroom được triển khai tập huấn đến tất cả các thành viên tham gia.

Theo ông Bùi Duy Phương - Giám đốc Trung tâm giáo dục Proteacher Army, trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, có thể việc dạy học trực tiếp sẽ bị gián đoạn, các đơn vị phải thực hiện dạy học trực tuyến trong thời gian dài, do đó việc nâng cấp phần mềm dạy học trực tuyến sẽ giúp các thầy cô chủ động hơn trong dạy học, giúp học sinh hứng thú hơn trong bài học.

Với ứng dụng Google Classrom, giáo viên hoàn toàn có thể quản lý thời gian giao, nộp bài của học sinh, đưa ra lời nhận xét trực tiếp dưới mỗi bài. Giáo viên được phép lưu trữ toàn bộ các dữ liệu, thông tin liên quan đến công tác giảng dạy, video bài giảng, tài liệu ôn tập… ngay trên Drive của lớp học và chia sẻ cho học viên mà không bị giới hạn về dung lượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.