Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Ngày 4/11, Đoàn công tác Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ GDPT năm học 2021- 2022 và triển khai CT GDPT 2018 tại Hải Dương.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu.

Khó khăn và thuận lợi song hành

Cùng tham gia đoàn công tác có lãnh đạo, chuyên viên các Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT). Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đoàn công tác đã trực tiếp dự giờ tiết dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường THCS Hợp Tiến; thăm Trường Tiểu học Cộng Hòa, làm việc với UBND huyện Nam Sách; Sở GD&ĐT Hải Dương và đại diện các Phòng GD&ĐT huyện/thị.

Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ GDPT năm học 2021- 2022 và triển khai CT GDPT 2018, ông Đỗ Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết bên cạnh những nỗ lực, thuận lợi thì ngành còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ.

Nhiều trường sáp nhập có quy mô số lớp vượt quá quy định. Số lượng học sinh/lớp của một số trường ở khu vực thành phố vượt quá. Số lượng người làm việc tại các cơ sở giáo dục được giao thấp hơn mức Trung ương quy định.

Nhiều cơ sở giáo dục có quy mô số lớp, số học sinh tăng nhưng không được bổ sung người làm việc. Cơ cấu, giáo viên cấp THCS và THPT chưa hợp lý ở nhiều cơ sở giáo dục. Một số môn học thiếu giáo viên nhưng không chủ động được nguồn tuyển.

Cơ sở vật chất đang xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây mới, tu sửa, mua sắm; trang thiết bị dạy học, nhất là thiết bị dạy học hiện đại như máy chiếu, máy tính... thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục…

Cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến cũng cho biết về phía nhà trường bước đầu triển khai CT, SGK lớp 6 còn một số vướng mắc như: Do năm đầu tiên thực hiện nên giáo viên mới tiếp cận sách, khá vất vả, phải dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu.

Việc soạn bài bước đầu còn lúng túng trong xây dựng các kế hoạch giáo dục; Mỗi trường chỉ có 1 hoặc 2 giáo viên dạy một môn nên việc trao đổi, thiết kế bài dạy còn gặp nhiều khó khăn...

Tiết dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách- Hải Dương).
Tiết dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6 tại Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách- Hải Dương).

Bên cạnh khó khăn, đã ghi nhận sự nỗ lực, chủ động trong triển khai CT GDPT mới. Cô Đỗ Thị Hiền, Hiệu trưởng Tiểu học Nam Trung (Nam Sách) trao đổi dù mới bước vào đầu năm thứ 2 triển khai CT GDPT 2018 nhưng trường đã chủ động chuẩn bị cho việc triển khai CT GDPT 2018 ở lớp 3.

Đã bố trí giáo viên đang dạy lớp 3 theo CT GDPT hiện hành sẽ dạy học tiếp lớp 3 theo CT GDPT 2018 năm học tới. Như vậy, giáo viên có thời gian để chuẩn bị sẵn tâm thế, chuyên môn, dần chuyển hướng phương pháp dạy học trên lớp theo chương trình mới…

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết: Năm đầu triển khai CT GDPT 2018 có những thuận lợi nhất định đó là 100% các trường trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn quốc gia, nhiều trường đạt chuẩn giai đoạn 2; Nam Sách cũng là huyện có điều cơ cơ sở vật chất trường lớp tương đối khang trang, đội ngũ GV ổn định, tỉ lệ GV/lớp đủ, việc tuyển dụng diễn ra đều đặn… do đó việc triển khai CT GDPT 2018 tại các trường thêm thuận lợi, có được tiền đề quan trọng trọng.

Quá trình triển khai CT GDPT 2018 dù diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nhưng Phó chủ tịch UBND huyện Nam Sách khẳng định do có sự chỉ đạo kịp thời của Bộ GD&ĐT đặc biệt trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong công tác quản lý; việc dạy và học được giáo viên triển khai linh hoạt, hiệu quả…

Tháo gỡ cùng cơ sở

Chia sẻ cùng ngành GD&ĐT huyện Nam Sách, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói: CT GDPT 2018 được triển khai sau 6 năm chờ đợi, chuẩn bị kĩ càng kể từ khi Nghị Quyết 88 ban hành, toàn xã hội quan tâm những điều khởi sắc từ ngành giáo dục.

Vì vậy, nếu CT GDPT 2018 được triển khai tốt sẽ đáp ứng được sự mong đợi của xã hội và ngược lại sẽ gây ra sự thất vọng. Như vậy trách nhiệm của đội ngũ CBQL, giáo viên, những người làm giáo dục rất lớn. Toàn ngành cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nhận thức về CT GDPT 2018 để các thầy cô có quá trình nhận thức và triển khai thực hiện tốt hơn.

Thứ trưởng lưu ý các nhà trường trong việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực là tổ chức các hoạt động để cho HS được học, giáo viên chỉ định hướng. Việc dạy học hiện nay đòi hỏi giáo viên phải giao được nhiều việc cho HS; giáo viên chỉ đóng vai trò chỉ đạo, nghiệm thu báo cáo và đưa ra kết luận để HS phải rút ra những điều cần chú ý…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Nam Sách (Hải Dương).
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Nam Sách (Hải Dương).

Đối với toàn ngành GD&ĐT Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận việc thực hiện nhiệm vụ GDPT năm học 2021- 2022 và triển khai CT GDPT 2018 đã cố gắng, nỗ lực và triển khai chặt chẽ, bài bản, khoa học. Đến giờ phút này đã ghi nhận kết quả bước đầu khả quan.

Tuy nhiên ngành GD&ĐT Hải Dương cần lưu ý một số vấn đề trong thời gian tới để việc triển khai hiệu quả hơn. Trước hết, cần quán triệt nhận thức về CT GDPT mới sâu sắc vì triển khai trong điều kiện không có dịch đã khó, triển khai trong điều kiện có dịch càng đòi hỏi phải nỗ lực cố gắng.

Trong thời gian 6 năm qua chúng ta đã chuẩn bị triển khai, đến nay mới bắt tay vào làm ra sản phẩm và sản phẩm chính là HS được hưởng lợi từ chương trình. Do đó trách nhiệm thuộc về các thầy cô giáo, trong đó có vai trò lớn của CBQL.

Tất cả các quản lý trước như nhân sự, chuyên môn, tài chính, cơ sở vật chất… đều hướng tới cuối cùng là quản trị chất lượng. “Cái cuối cùng nhà trường đo đếm được, xã hội chờ đợi là chất lượng. Nên cần tập trung triển khai mô đun 5 thật tốt và hướng tới xây dựng văn hóa quản lý trong trường học…”- Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ yêu cầu.

Quá trình triển khai phải tìm ra được sự khác biệt giữa CTGD hiện hành và CT GDPT 2018. Tìm sự khác biệt từ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức, cơ sở vật chất và các điều kiện về tổ chức triển khai đánh giá. Cần cùng bàn cùng xem, cùng phân tích, cùng tìm ra sự khác nhau…

Mặt khác, năm nay chương trình vẫn phải tiếp tục ứng biến, linh hoạt với tình hình có dịch Covid-19 vì vậy phải chú ý thực hiện 5K thật tốt. Cần thực hiện chương trình với 3 mục tiêu: Đảm bảo an toàn về  phòng dịch; Hoàn thiện chương trình; Kiên trì mục tiêu chất lượng.

Vấn đề đội ngũ GV, CBQL, thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình. Bộ đã xây dựng 9 mô đun. Trong đó mô đun 5 là quản trị trường học, quản trị chất lượng rất cần cho CBQL và phải đặc biệt lưu ý.

TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khảo sát tiết dạy tại Trường Tiểu học Cộng Hòa (Nam Sách - Hải Dương).
TS Thái Văn Tài- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khảo sát tiết dạy tại Trường Tiểu học Cộng Hòa (Nam Sách - Hải Dương).

Trong việc xây dựng đội ngũ cần chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy năm tới (nhất là lớp 10) thật kĩ càng để thầy cô chuẩn bị tâm thế được phân công dạy học ở năm sau, sẽ phải chuẩn bị tiếp cận với CT, SGK mới và việc hướng dẫn chuẩn bị sách. Như vậy, đến khi triển khai ở năm học mới nhà trường, giáo viên không thể nói “bất ngờ”... Cần tập huấn, đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên chứ không thể đào tạo 1 lần là xong việc.

Về cơ  sở vật chất nhiều cơ sở phản ánh thiếu thiết bị đồ dùng dạy học. Tuy nhiên  phương châm của Bộ là không để thiết bị “đến trường không  ra lớp”. Cần coi đây là kim chỉ nam để khẳng định việc dạy học không dạy chay, dạy học phải có thiết bị. Vì vậy Hiệu trưởng cần rà soát lại trong kho thiết bị nào từ khi mua về vẫn để trong kho, chưa sử dụng, sử dụng không hiệu quả thì cần thanh lý đến nơi cần.

Việc mua sắm thiết bị còn những khó khăn riêng, vì vậy thầy cô cần cố gắng tận dụng những thiết bị đồ dùng dạy học đã có để triển khai chương trình mới. Cần thành lập tổ công tác rà soát, hỗ trợ thiết bị cho các trường, triển khai thiết bị phù hợp trong các trường học…

Vấn đề cuối cùng đó là việc đổi mới quản trị trường học. Cần xây dựng môi trường làm việc tốt, thân thiện, bình đẳng giúp cho việc triển khai thành công CT GDPT. Cần tạo động lực cho CBQL và làm sao để việc học tập năng cao năng lực trở thành nhu cầu với nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.