Sở GD&ĐT quản lý Trung tâm GDNN-GDTX sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn

GD&TĐ - Để giải quyết những bất cập trong thực tiễn, Bộ GD&ĐT đề xuất việc quản lý, phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh thành lập, Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp Trung tâm GDNN-GDTX.

Một giờ học của học sinh Trung tâm GDTX huyện Kim Bôi (Hòa Bình).
Một giờ học của học sinh Trung tâm GDTX huyện Kim Bôi (Hòa Bình).

Luật Giáo dục 2019 quy định trung tâm GDNN-GDTX là cơ sở Giáo dục thường xuyên thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT xây dựng Thông tư quy định Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX.

Mô hình trung tâm GDNN-GDTX được quy định lần đầu tiên tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV do liên Bộ GDĐT, Lao động, Thương binh- xã hội và Bộ Nội vụ ban hành ngày 19/10/2015 (Thông tư 39). Đây là mô hình chưa có trong Luật Giáo dục 2005, 2009.

Thực hiện Nghị quyết 64/NQ-CP ngày 4/9/2014 tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, mô hình trung tâm GDNN-GDTX được hình thành trên cơ sở sáp nhập 3 trung tâm công lập: Trung tâm GDTX, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Trung tâm Dạy nghề để thực hiện các nhiệm vụ: giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp và dạy nghề.

Tại thời điểm xây dựng Thông tư 39, mô hình Trung tâm GDNN-GDTX không có trong Luật Giáo dục 2005, do đó tạm thời quy định tại Điều 7 Thông tư 39: "Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về chuyên môn đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo thẩm quyền”.

Sau hơn 5 năm thực hiện Thông tư 39, nhiều địa phương đã phản ánh những bất cập trong việc quản lý và phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các Trung tâm; ảnh hưởng tiêu cực đến việc đảm bảo cơ hội học tập của người dân cũng như công tác đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trong đó, bất cập nhất là vấn đề quản lý chồng chéo đối với Trung tâm GDNN-GDTX khi giao 3 đơn vị quản lý, điều này dẫn đến một số bất cập, cụ thể như: công tác bổ nhiệm cán bộ không đảm bảo một số quy định tiêu chuẩn chức danh; sở GD&ĐT khó khăn trong quản lý chuyên môn do không điều động được cán bộ quản lý, giáo viên hỗ trợ thực hiện triển khai Chương trình GDTX cấp THPT; công tác đánh giá cán bộ quản lý, đánh giá thi đua khó khăn, thiếu đồng bộ.

Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đã ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Thông tư số 05/2020/TT-BLĐTBXH ngày 16/8/2020), giao UBND cấp huyện quản lý trực tiếp (vì tiền thân Trung tâm GDNN là Trung tâm Dạy nghề do UBND cấp huyện quản lý).

Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Bộ GD&ĐT đang xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDNN-GDTX (tiền thân bao gồm 2 trung tâm GDTX, Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp do Sở GD&ĐT quản lý và Trung tâm dạy nghề do UBND cấp huyện quản lý).

Theo đại diện Vụ Giáo dục Thường xuyên, trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ GD&ÐT nhận thấy để giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn, cần bổ sung quy định về quản lý, phân cấp quản lý Trung tâm nhằm cụ thể hóa Luật Giáo dục 2019 trong Nghị định thay thế Nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/9/2018 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Hiện nay, theo Thông tư 39, Trung tâm GDNN-GDTX thuộc hai cấp quản lý hành chính quản lý nhưng lại do 3 đầu mối quản lý, gây chồng chéo, bất cập. Để giải quyết các vấn đề bất cập trong thực tiễn, một số địa phương đã sơ kết đánh giá việc thực hiện Thông tư 39 cùng với đó đã thực hiện xây dựng Trung tâm GDNN-GDTX theo hướng quản lý, phân cấp Trung tâm GDNN-GDTX cho UBND cấp tỉnh thành lập, sở GDĐT quản lý trực tiếp. Điển hình tại Sơn La, sau gần 3 năm giải thể hệ thống trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện, Sơn La đã tái thành lập 14 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trực thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT.

Theo ông Phạm Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX  huyện Thuận Châu (Sơn La), Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp trung tâm giúp hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Hiện trung tâm có 427 học viên với 11 lớp học chương trình GDTX cấp trung học. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tại Trung tâm được kiện toàn, công tác tổ chức các hoạt động dạy và học theo chương trình GDTX cấp THPT đi vào ổn định, từng bước tổ chức các khóa học ngắn hạn đáp ứng nhu cầu cần gì học nấy của mọi người dân, thúc đẩy học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.