Theo báo cáo của BCĐ Kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Điện Biên, năm nay Điện Biên có 5.320 thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 4.877 thí sinh THPT và GDTX; 443 thí sinh tự do. Tỉnh Điện Biên đã thành lập một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Trường ĐH Thủy Lợi tổ chức. Toàn tỉnh Điện Biên được bố trí 17 điểm thi (14 điểm thi liên trường và 3 điểm thi độc lập) với tổng số 228 phòng thi.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Văn Quý - Trưởng ban chỉ đạo thi tỉnh Điện Biên khẳng định: Mọi công tác chuẩn bị đang được các cấp, các ngành tích cực triển khai. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Điện Biên quyết tâm sẽ tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Ghi nhận quyết tâm của tỉnh Điện Biên trong việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Kỳ thi THPT quốc gia 2018 đã để lại nhiều cảm xúc, lần đầu tiên có những sự cố gian lận, gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhà giáo, mất niềm tin đối với học sinh và nhân dân. Bởi vậy, BCĐ thi quốc gia đang quyết tâm thực hiện tốt kỳ thi năm nay. Để làm được điều này, Bộ G&ĐT đã có nhiều đổi mới để các cán bộ, giáo viên có điều kiện hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình tại kỳ thi năm nay.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá: Công tác chuẩn bị Kỳ thi THPT quốc gia 2019 ở Điện Biên được thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, khoa học, bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý với Điện Biên cần chú trọng tới từng khâu trong quá trình tổ chức thi. Phải xác định: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ sản phẩm. Tránh tình trạng cán bộ đi thanh tra thi nhưng bản chất chỉ là đi “xem thi” bởi vì không có nghiệp vụ và không biết rõ quy trình làm việc.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị tỉnh Điện Biên cần thực hiện tốt 7 vấn đề, trong đó: Lưu ý khi xây dựng các quyết định thành lập Ban chấm thi, coi thi cần nêu rõ tên, chức danh của những người có liên quan như: Nhân viên y tế, nhân viên bảo vệ... để nêu cao trách nhiệm của họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; Quá trình bố trí đội ngũ cán bộ làm thi, phải gắn trách nhiệm của người đề cử cán bộ tham gia, đồng thời phải có cam kết về trách nhiệm một cách rõ ràng; Cần chú ý sắp xếp giữa thí sinh tự do với thí sinh phổ thông, cần bố trí cán bộ giám sát đối với thí sinh tự do ở các phòng chờ sau khi kết thúc mỗi bài thi.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Điện Biên cần đặc biệt lưu ý đến các kế hoạch, phương án bảo đảm an ninh, y tế (lưu ý phương tiện cấp cứu), giao thông, nguồn điện phục vụ cho quá trình in sao đề thi và nguồn điện phục vụ camera giám sát tại các điểm thi phải hoạt động 24/24 giờ.
“Đề nghị Điện Biên cần quan tâm và có phương án ứng phó trước nguy cơ lọt đề bởi qua kiểm tra phát hiện một số phòng thi có vị trí gần nhà dân, gần đường giao thông. Tránh tình trạng chủ động “đề phòng công nghệ cao” nhưng lại bị thua bởi “công nghệ thấp”; Quá trình họp, triển khai cần quán triệt rõ để cán bộ coi thi nắm bắt được quy chế và dự đoán được các tình huống, tránh các trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.