Để sự cố Quảng Bình không lặp lại

GD&TĐ - Ông Đặng Tự Ân – Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới GDPT Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) – cho rằng: Sự cố trong tuyển sinh vào lớp 10 năm nay tại Quảng Bình là nghiêm trọng; từ đó chia sẻ giải pháp theo quan điểm cá nhân để sai sót không lặp lại.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Người làm đề thi cần đạo đức nghề nghiệp, giỏi chuyên môn

Chứng minh cho nhận định “nghiêm trọng”, ông Đặng Tự Ân lý giải: Sự việc xảy ra gây hiệu ứng bất lợi trong cộng đồng, địa phương và xã hội; giảm tín nhiệm về sự chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh. Những gì đã xảy ra cho thấy, sự thiếu trách nhiệm của Ban Chỉ đạo thi. Giáo viên, học sinh, các nhà trường mất niềm tin, đánh giá thấp vào thực thi đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của Sở GD&ĐT, trước hết là người đứng đầu.

Rất may sự cố này đã được khắc phục bằng cách tổ chức thi lại môn Ngữ văn. Và cũng may mắn hơn là Sở GD&ĐT đã chuẩn bị sẵn đề thi Ngữ văn dự bị, nên Hội đồng thi có thể tổ chức thi lại ngay mà không mất thêm nhiều thời gian cho soạn, duyệt, sao in và vận chuyển đề thi.

“Xử lý bằng cách tổ chức thi lại môn Ngữ văn là phù hợp. Bởi vì đảm bảo được nguyên tắc quan trọng nhất của kỳ thi là tính khách quan và công bằng cho thí sinh. Tức là quyền lợi thí sinh của kỳ thi tuyển sinh THPT ở tỉnh Quảng Bình được đảm bảo, không làm ảnh hưởng tới kết quả tuyển sinh học sinh vào lớp 10 trong toàn tỉnh” – ông Đặng Tự Ân cho hay.

Để không lặp lại sự việc như tại Quảng Bình, Giám đốc Quỹ VIGEF nhấn mạnh, đầu tiên là lựa chọn cán bộ, giáo viên làm đề thi - ngoài có đạo đức nghề nghiệp là cơ bản, còn phải rất quan tâm tới năng lực trí tuệ, chuyên môn. Tức là người trung thực, có trách nhiệm, giỏi chuyên môn và có trải nghiệm làm đề thi. Người ra đề thi không thể là người hiểu “lơ mơ”, dưới tầm về chuyên môn và ít kinh nghiệm ra đề thi, tổ chức thi.

Ngoài ra, rất cần bồi dưỡng và cấu tạo một đội ngũ cán bộ, giáo viên giỏi làm thành tổ chuyên gia làm đề thi cho Sở GD&ĐT. Những người này phải được chọn lọc, làm việc chuyên nghiệp, không thể lấy bất kỳ ai cũng được. Sở GD&ĐT cần tạo được niềm tin đạo đức ở các thành viên này, vốn rất giỏi, đầu đàn, ưu tú về chuyên môn của tỉnh. Còn những thủ thuật, tiểu xảo... để ngăn ngừa tiêu cực với các cán bộ giáo viên làm thi là do các địa phương cần lựa chọn kỹ thuật cho phù hợp.

Phân tích cụ thể từ bài học của Quảng Bình, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Có thể bất ngờ việc báo giáo viên đi làm thi trước nửa hay một giờ, nhưng Sở GD&ĐT không thể bất ngờ về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm đề thi của các giáo viên được lựa chọn. Giáo viên làm đề phải có khả năng ra đề thi đúng, hay và đạt yêu cầu của kỳ thi. Người ra đề thi phải có ngân hàng đề thi và có khả năng kiểm soát nội dung đề thi của mình là chưa từng được sử dụng hoặc không có trong những sách tài liệu, bài tập thông dụng trên thị trường. Có thể tham khảo các đề thi ở nước ngoài hoặc các đề đã sử dụng lâu nay chỉnh sửa, cập nhật lại. Giáo viên, nhóm giáo viên và người duyệt đề thi Ngữ văn phải bị xử lý về tính trách nhiệm và năng lực chuyên môn. Xem xét trách nhiệm kể cả lãnh đạo Sở ký duyệt danh sách người làm đề thi.

“Tốt nhất, nội dung đề thi giao trách nhiệm trực tiếp cho cán bộ chỉ đạo môn Ngữ văn ở Sở GD&ĐT và lãnh đạo Sở phụ trách chuyên môn. Bất khả kháng mới dựa vào đối tượng khác” – ông Ân nhấn mạnh.

UBND tỉnh quyết định phương thức thi hay xét

Nhận định kỳ thi vào lớp 10 đúng là có tạo ra không khí căng thẳng ở một số địa phương. Nguyên nhân từ đâu? Tại sao các địa phương vẫn muốn tổ chức kỳ thi này? Theo ông Đặng Tự Ân, chỉ địa phương mới có câu trả lời xác đáng và chính xác.

Lý giải suy nghĩ của mình, ông Đặng Tự Ân cho rằng: Bộ GD&ĐT đã có Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Mục đích của Thông tư là tạo cho kỳ thi tuyển sinh vào đầu cấp nhẹ nhàng, không gây áp lực cho các địa phương. Và quan trọng hơn, Nhà nước ta đang tiến tới mục tiêu phổ cập THPT, rõ ràng kỳ thi vào lớp 10 mà tốn kém, phức tạp là không cần thiết. Ngoài ra, đã thi tuyển là phải học luyện thi. Đồng nghĩa với hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan khó có thể xử lý triệt để. Thi tuyển dễ xảy ra tiêu cực, lợi ích nhóm và rình rập sự cố. Vì thế nếu tránh được thi tuyển, các địa phương nên tránh.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã chọn phương thức xét tuyển. Một số tỉnh đã qua 6 năm lựa chọn phương thức này. Họ vẫn dạy học và giáo dục bình thường, chất lượng giáo dục ổn định.

“Chọn phương thức tuyển sinh nào là do UBND tỉnh quyết định và dựa trên sự tham mưu đề xuất của Sở GD&ĐT. Có thể xét tuyển toàn tỉnh hay một số huyện, tùy theo tỷ lệ số học sinh đăng ký học lớp 10 và chỉ tiêu tuyển sinh của năm học ấy. Đa phần các địa phương (trừ các thành phố lớn, thị xã) có loại thí sinh đáng là bao mà cần phải thi tuyển. Toàn quốc, số học sinh không vào học công lập mà học tiếp ở các trường dân lập, các trung tâm GDTX hoặc đi học nghề khoảng 10% đến 15%. Ngay Hà Nội và một số thành phố có thể thi tuyển học sinh các quận, còn nhiều huyện chọn cách xét tuyển” - ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm của mình.

Tại Điều 5, Thông tư của Bộ GD&ĐT có nêu 3 phương thức tuyển sinh:

a) Xét tuyển: Dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của 4 năm học THCS của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

b) Thi tuyển;

c) Kết hợp thi tuyển và xét tuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: