(GD&TĐ) - Ngày 29/9/2011, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã có chuyến làm việc tại Kiên Giang để kiểm tra kế hoạch phổ cập MN và giáo dục dân tộc.
Trường MN xã Mong Thọ, huyện Châu Thành là điểm đến thăm đầu tiên của đoàn công tác. Tuy nằm ở vùng ven thành phố Rạch Giá nhưng trường có nhiều khó khăn. Mong Thọ là xã mới thành lập 5 năm, đa số dân cư là nghề nông, tập trung theo tuyến lộ, một số ít ở trong đồng. Trường MN Mong Thọ có 6 lớp MN, trong đó có 3 lớp 5 tuổi, 2 lớp bán trú và 1 lớp học 2 buổi ngày. Tỷ lệ huy động MG 5 tuổi 93/137 trẻ, đạt 67,8%. Đây là trường chuyển từ trường PTCS sang, phòng học xuống cấp, phòng chức năng thiếu, nhà vệ sinh thiếu lại không phù hợp lứa tuổi. Thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi, sân chơi đều thiếu... Đoàn cũng ghé thăm một điểm lẻ của trường nằm ở xã bên cạnh Mong Thọ B. Đây là điểm trường MN, có 1 lớp học duy nhất của xã này lại nằm trong trường tiểu học. Qua kiểm tra, Thứ trưởng dặn dò: Nhà trường cần chú ý sự an toàn cho trẻ, chú trọng nhà vệ sinh, cơ cấu bữa ăn cho hợp lý. Sân chơi và đồ dùng dạy học cũng rất quan trọng. Cần phải tìm ra nguyên nhân tỉ lệ trẻ đến lớp thấp, từ đó đề ra giải pháp quyết liệt, kế hoạch chu đáo thì mới có thể phổ cập MN 5 tuổi vào những năm tới.
Thứ trưởng thăm lớp MN ở trường MN Mong Thọ... |
Trong chuyến công tác, Đoàn cũng đến thăm trường Dân tộc nội trú tỉnh Kiên Giang. Đây là trường THPT đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn QG vào năm 2008. Năm học vừa qua trường có 106/106 học sinh tốt nghiệp THPT, 87% học sinh đậu tốt nghiệp thi đậu nguyện vọng 1 vào các trường ĐH, CĐ. Nề nếp, cách quản lý của trường, phòng chức năng gây ấn tượng tốt cho Đoàn. Đặc biệt năm học này, trường thực hiện vừa xét tuyển vừa thi tuyển, tức là dùng kết quả thi tuyển vào trường PTTH cấp huyện để xét tuyển. Trường thu hút 30% lượng học sinh lớp 9 ở 4 trường PTDTNT cấp huyện. Chính điều này giúp nâng cao chất lượng đầu vào của trường để trường biến thành trung tâm bồi dưỡng chất lượng cao đào tạo nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc của tỉnh.
...và tặng quà cho các cháu mẫu giáo |
Trong buổi làm việc với tỉnh Kiên Giang, báo cáo của Sở GD&ĐT cho thấy năm học 2011 – 2012, Kiên Giang có tổng số 78 trường mẫu giáo, trường mầm non (tăng 4 trường so với năm học trước) trong đó có 70 trường công lập và 8 trường ngoài công lập, 12 trường mầm non đạt chuẩn Quốc Gia. Con số này thuộc hàng trung bình ở đồng bằng. Tổng số trẻ ra lớp của toàn tỉnh là 35.441 trẻ, trong đó trẻ nhà trẻ có 1.585 cháu, chiếm tỷ lệ 1,95%; trẻ mẫu giáo có 33.856 cháu, chiếm tỷ lệ 40,32%. Tổng số trẻ mầm non học bán trú: 12.408 cháu, tỷ lệ 35, 01%. Số trẻ 5 tuổi học bán trú và 2 buổi/ ngày là 6.680 cháu, tỷ lệ 32,52% so với trẻ 5 tuổi ra lớp. Đội ngũ giáo viên MN có 1466 người, trên chuẩn 613 người (tỷ lệ 42,246 %), đạt chuẩn 1.117 người (tỷ lệ 76,82 %). Tính chung cả địa bàn tỉnh số lượng trường MN Kiên Giang còn rất ít so với địa bàn rộng (có huyện chỉ có 1 trường mầm non nằm ở khu trung tâm), chưa đạt được tỷ lệ phấn đấu (mỗi xã có ít nhất 1 trường mầm non) hiện còn 74/ 145 xã chưa có trường, gần 200 lớp mẫu giáo 5 tuổi phải học nhờ trong các trường tiểu học, điều kiện để thực hiện giáo dục mầm non cho trẻ còn nhiều hạn chế. Số giáo viên mầm non hiện nay còn thiếu 112 giáo viên, tính đến cuối năm học cần phát triển thêm lớp mẫu giáo 5 tuổi, số giáo viên thiếu sẽ tăng thêm 133 giáo viên. Về việc thực hiện chương trình GDMN mới, do thiếu điều kiện về cơ sở vật chất (phòng học, đò dùng đồ chơi), nên hiện toàn tỉnh có 56 trường thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, tỷ lệ 71,79%.
Thứ trưởng Nghĩa làm việc với trường DTNT Kiên Giang |
Đối với trường DTNT, tổng số trường là 5, trong đó có 1 trường THPT của tỉnh và 4 trường ở cấp huyện. Toàn tỉnh hiện có 72 chùa Khmer, trong đó có 65 chùa có lớp dạy chữ Khmer với 65 nhà sư trực tiếp dạy tổng số học sinh là 5.734. Tình hình huy động học sinh học tiếng dân tộc được tiếp tục ổn định và phát triển.Trong đó, người dạy là đội ngũ giáo viên người dân tộc, sư sãi ở các chùa, hàng năm đều được tập huấn về phương pháp giảng dạy chữ dân tộc, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học chữ dân tộc. Cơ sở vật chất thì sử dụng các lớp học phổ thông, các chùa và cơ sở của hội tương tế. Chương trình thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo; sách giáo khoa được cung cấp đến tất cả các em học sinh.
Phát biểu kết luận chuyến công tác, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chia sẻ khó khăn với tỉnh Kiên Giang: tỉnh đặc thù có bờ biển dài, nhiều sông rạch, dân cư không tập trung, xuất phát điểm bậc học MN còn thấp. Mạng lưới trường lớp còn thiếu. Điều đáng ghi nhận là tỉnh có đề án phổ cập MN và đã triển khai từ tỉnh đến cơ sở. Thứ trưởng lưu ý cần tận dụng, linh hoạt các lớp MN trong trường tiểu học, thậm chí trong dân để huy động trẻ. Cần đầu tư cái cần thiết như nhà vệ sinh, sân chơi, đồ dùng dạy học trước... Về giáo dục dân tộc, thứ trưởng đánh giá tỉnh đã có sự phát triển tốt, cần chú ý cử tuyển đúng vùng có nhu cầu để các em sau khi ra trường dễ bố trí công tác.
Nguyễn Ngọc