Hướng dẫn học sinh làm dự án bằng powerpoint
Với nội dung này, cô Nguyễn Thị Hồng Quyên lưu ý, trước khi hướng dẫn cho học sinh, giáo viên phải nắm rõ nội dung, kiến thức trọng tâm của dự án để xây dựng các hoạt động phù hợp. Đồng thời, luôn suy nghĩ để thiết kế họat động logic và lôi cuốn sự chú ý của học sinh, khiến học sinh hứng thú làm theo yêu cầu của giáo viên.
Ví dụ ở Unit 6 (Our Tet holiday - Tiếng Anh lớp 6), sau khi học sinh được học 6 tiết chủ đề về Tết, đến tiết 7 (Looking back and Project), giáo viên có thể hướng dẫn học sinh sưu tầm tranh ảnh, bài hát liên quan đến chủ đề về Tết và trình bày trên powerpoint, trình chiếu trên lớp.
Sau đó, cho cả lớp thi thuyết trình bằng Tiếng Anh các dự án chính học sinh tự thiết kế. Giáo viên và học sinh nhận xét và cho điểm.
Giáo viên cũng có thể hướng dẫn học sinh làm Project bằng poster. Ví dụ, trong Unit 10 (Our house in the Future - Tiếng Anh 6), giáo viên hướng dẫn học sinh vẽ và viết theo chủ đề những thiết bị trong tương lai, đặc biệt là robot; yêu cầu học sinh dán những bài vẽ đó lên poster và từng thành viên thuyết trình băng Tiếng Anh. Cuối cùng, cho học sinh feedback và chấm chéo nhau.
Ngoài ra, giáo viên phải chuẩn bị thật tốt và chu đáo phần tranh ảnh, có các project mẫu để việc tiến hành hoạt động vào bài thật mới lạ, hấp dẫn; luôn tạo cho các em yếu tố bất ngờ, hồi hộp.
Những tranh ảnh trong sách giáo khoa, giáo viên có thể vẽ và trang trí thêm những chi tiết phù hợp, sinh động hơn. Các đồ vật dùng trực quan phải đảm bảo kích thước để cả lớp có thể quan sát rõ, nội dung thật đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, sát với tình hình thực tế bài học.
Các câu hỏi để vấn đáp trong giờ và đặt ra tình huống để học sinh phản xạ nhanh, luyện tập kỹ năng cũng là nội dung quan trọng giáo viên cần chuẩn bị.
Tăng tính chủ động, tránh đưa yêu cầu quá cao
Cô Nguyễn Thị Hồng Quyên cho rằng, giáo viên cần là người hướng dẫn, tổ chức, đánh giá các hoạt động của học sinh khi làm dự án, để qua thực hiện nhiệm vụ ở nhà và trên lớp, học sinh tích cực chuẩn bị bài, xây dựng bài trên lớp và hợp tác với giáo viên.
Hơn thế nữa, giáo viên phải có phương pháp thúc đẩy động cơ học tập của học sinh. Bởi khi học sinh có được động cơ học tập, các em sẽ cảm thấy hứng thú đối với môn học và thấy được sự tiến bộ của mình.
Do vậy, ngoài sử dụng các tình huống thách đố nhằm hấp dẫn, lôi cuốn học sinh vào những hoạt động trên lớp, giáo viên cũng phải biết khích lệ, động viên các em trong học tập; chú ý đến tính vừa sức, tránh đưa ra những yêu cầu quá cao đối với học sinh; khuyến khích học sinh học theo phương châm thử nghiệm và chấp nhận mắc lỗi trong quá trình thực hành.
"Thực tế cho thấy, có những học sinh biết nhưng không dám nói vì sợ bị mắc lỗi. Một số em khác không dám giơ tay phát biểu vì sợ nói sai bị các bạn cười, cô giáo chê.
Theo tôi đây chính là yếu tố tâm lí mà giáo viên dạy ngoại ngữ cần xem xét để giúp học sinh của mình có hứng thú học tập, hay ít ra là tích cực hơn trong các giờ học.
Trong quá trình dạy, giáo viên không nên quá khắt khe với những lỗi mà học sinh mắc phải, ví như lỗi phát âm, lỗi chính tả, thậm chí là lỗi ngữ pháp để tránh tâm lí sợ mắc lỗi khi thực hành.
Thay vì ngắt lời học sinh để sửa lỗi, giáo viên có thể để cho học sinh trả lời xong, khích lệ bằng những câu như “very good”, “thank you” or “ not bad”; sau đó mới sửa lỗi tránh làm cho các em nhụt chí hay mất hứng thú luyện tập" - Cô Nguyễn Thị Hồng Quyên chia sẻ.