“Thủ thuật” dạy đọc tiếng Anh

GD&TĐ - Cô giáo Đậu Thị Diệp - Trường THPT Trần Phú (Thanh Hóa) chia sẻ những thủ thuật , phương pháp và phương tiện dạy học vào giờ dạy Đọc (Reading) tiếng Anh.

“Thủ thuật” dạy đọc tiếng Anh

Chuẩn bị trước giờ dạy 

Do đặc thù của tiết "Reading " nên công việc chuẩn bị của giáo viên sẽ nhiều hơn của học sinh. Một tiết học chỉ có thể thành công khi giáo viên có sự chuẩn bị kỹ càng, nhuần nhuyễn và học sinh học tập chủ động tích cực.

Về phía giáo viên: Xác định mục tiêu tiết dạy; lựa chọn phương pháp, thủ thuật thích hợp áp dụng vào tiết dạy; giáo án, đồ dùng dạy học cần thiết;

Phân bổ thời gian hợp lý cho tiết dạy, điều này hết sức quan trọng vì nếu phân bố thời gian không hợp lý sẽ "cháy giáo án " và không nhấn mạnh được vào trọng tâm của bài.

Thực tế một số tiết "Reading " nếu theo phân phối chương trình dạy trong một tiết là hơi "nặng", do đó đòi hỏi giáo viên cần phân bố thời gian cho mỗi bài học phù hợp để làm nổi phần trọng tâm và lướt phần không trọng tâm”…

Trước khi dạy bài đọc hiểu, nên nhắc học sinh về chủ đề bài đọc sẽ học và yêu cầu các em tìm hiểu những thông tin về chủ đề đó. Điều này sẽ giúp học sinh có sự chuẩn bị về nội dung chủ đề bài học .

Về phần từ mới, không bắt buộc các em phải tra từ điển ở nhà mà chỉ yêu cầu đọc trước bài để nắm được chủ đề chính của bài là gì. Điều đó sẽ giúp các em tiếp thu bài đọc tốt hơn và bài dạy của giáo viên sẽ bớt "nặng" hơn vì có sự chủ động, hợp tác tích cực của học sinh.

Về phía học sinh: Đọc trước bài đọc ở nhà để nắm qua được chủ đề của bài học. Tìm kiếm các thông tin liên quan đến chủ đề bài học theo yêu cầu của giáo viên.

Hứng thú từ phần khởi động

Khi dạy đọc hiểu, không chỉ đơn thuần giúp học sinh hiểu được ngữ liệu trong một đoạn văn nào đó mà còn phải tạo ra những hoạt động luyện tập giúp học sinh thực hành các kỹ năng đọc.

Đó là những kỹ năng có thể giúp học sinh hiểu được những đoạn văn khác nhau theo những mục đích khác nhau. Vì vậy giáo viên không trình bày giới thiệu nội dung mà học sinh phải tự đọc để nắm bắt nội dung, vai trò của giáo viên chỉ là hỗ trợ, gợi ý, hướng dẫn, ra yêu cầu.

Thông thường có 3 bước dạy đọc hiểu đó là:

Trước khi đọc (Pre-reading)

Trong khi đọc (While - reading)

Sau khi đọc: (Post- reading)

Trước khi đọc (Pre-reading activities): Khoảng 12 đến 15 phút

Phần này bao gồm những hoạt động và thủ thuật nhằm đạt được mục đích sau: Gây hứng thú; thiết lập ngữ cảnh; tạo nhu cầu, lý do; dạy những cấu trúc, từ mới cần thiết cho đọc hiểu; giới thiệu tóm tắt nội dung bài đọc; gợi ý, hướng sự chú ý vào những điểm chính của bài đọc; cho học sinh đoán trước nội dung bài đọc và nêu những điều muốn biết về bài đọc.

Phần gây hứng thú, thiết lập ngữ cảnh chính là phần Warm up. Các hoạt động này nên ngắn gọn, tập trung. Thời gian dành cho các hoạt động này từ 3 – 5 phút là đủ.

Với phần này, có thể sử dụng các hoạt động sau để thực hiện:

Brainstorming:

Yêu cầu học sinh nêu những từ có liên quan đến bài học đọc, bức tranh trong bài đọc hay tiêu đề, chủ đề của bài đọc. Đồng thời giáo viên hoặc học sinh có thể viết những từ - cụm từ đó lên bảng.

Việc này giúp cho học sinh nhớ từ và sau đó các em có thể tìm những từ này trong bài đọc. Học sinh có thể nêu từ bằng tiếng Việt, giáo viên chuyển sang tiếng Anh.

Discussion:

Yêu cầu học sinh thảo luận về bức tranh trong bài đọc. Cho học sinh nói suy nghĩ của mình về bài khoá: Nói về cái gì? Điều gì xảy ra?...

Để khuyến khích tất cả học sinh trong lớp đều tham gia thảo luận, giáo viên nên cho học sinh làm việc theo cặp hoặc theo nhóm nhỏ.

Questioning:

Cho học sinh quan sát tranh trong bài đọc hoặc câu đầu tiên của bài và tự nghĩ các câu hỏi để hỏi về bài đọc. Hoạt động này tạo ra sự luyện tập hữu ích trong việc thành lập câu hỏi của học sinh và tạo cho học sinh lý do để đọc.

Do đó học sinh có thể tìm ra đáp án cho câu hỏi mình đặt khi tiến hành đọc bài. Nên gọi các học sinh khá, giỏi đặt câu hỏi. Giáo viên có thể sử dụng tranh ảnh để thu hút sự chú ý của học sinh về chủ điểm chính của bài đọc và tạo không khí hào hứng cho lớp học...

Tạo hưng phấn phần đọc

Phần đọc (While- reading )khoảng từ 20 đến 25 phút . Khi bước vào phần này, yêu cầu đầu tiên giáo viên yêu cầu học sinh là đọc qua các Task để nắm bắt nhanh được là mình sẽ làm gì sau khi đọc bài. Sau đó yêu cầu học sinh đọc thầm bài.

Trong lúc học sinh đang đọc thầm giáo viên chỉ đi quanh để quản lý lớp chứ không giải thích, không làm học sinh gián đoạn mất tập trung. Thời gian cho học sinh đọc thầm khoảng từ 2 đến 4 phút.

Cần phải nhớ rằng đọc thầm là vô cùng quan trọng. Nếu giáo viên cứ đọc to bài khoá cho học sinh nghe sẽ trở thành một bài nghe hiểu. Đây là một số điểm cần nhớ khi dạy 1 bài đọc trên lớp:

Đọc to bài khoá thật ra là luyện ngữ âm, tiết tấu do đó hãy thực hiện việc này vào cuối giờ nếu còn thời gian. Việc đọc to chỉ cần thiết khi đọc thơ hay kịch bản.

Đọc to chỉ có lợi cho việc thực hành đọc một cách thuần thục, trôi chảy và làm cho học sinh thấy tự tin khi bài đọc không quá khó đối với chúng.

Các kĩ năng thường dùng trong giai đoạn này là đọc tập trung và đọc mở rộng. Đọc tập trung có nghĩa là người đọc phải hiểu tất cả những gì đã đọc và có thể trả lời các câu hỏi chi tiết về từ, ngữ và ý tưởng được diễn đạt qua bài văn.

Đọc mở rộng có nghĩa là học sinh hiểu một cách tổng quát về bài văn mà không cần thiết phải hiểu từng từ hoặc từng ý việc đọc tập trung sẽ giúp cho học sinh đọc mở rộng tốt hơn. Đồng thời việc đọc mở rộng cũng sẽ giúp cho học sinh tự tin hơn khi tiếp xúc với các văn bản chuẩn xác.

Đối với một bài đọc dài, giáo viên có thể áp dụng cách đọc mở rộng ở một vài đoạn và cho học sinh đọc tập trung ở những đoạn khác. Nếu để cho học sinh đọc tập trung bài văn quá dài các em sẽ mất hứng thú và cũng sẽ không đủ thời gian rèn luyện kĩ năng đọc nhanh...

Tổng quát kiến thức sau đọc (Khoảng từ 5 - 7 phút)

Sau khi học sinh đọc và làm bài tập đọc hiểu, giáo viên có thể tiếp tục cho học sinh tiến hành các bài tập đòi hỏi có sự thông hiểu tổng quát của toàn bài, liên hệ thực tế, chuyển hóa vốn kiến thức vừa nhận được qua bài đọc, luyện tập củng cố.

Với phần này, có thể dựa vào mức độ dễ hoặc khó của bài đọc để thiết kế bài tập cho phù. Cuối cùng tôi dành khoảng 1phút cuối giao bài tập về nhà. Thường là yêu cầu học sinh học từ mới, đọc lại bài ở nhà và dịch bài sang tiếng Việt vào vở bài tập và làm phần Reading trong sách bài tập .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ