Thu nhập cao từ đất sạch hữu cơ

GD&TĐ - Chị Lê Kim Yến (28 tuổi, ngụ ấp Hòa An, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, Đồng Tháp) khởi nghiệp với mô hình sản xuất đất sạch hữu cơ từ xơ dừa và lục bình, cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Chị Yến cùng sản phẩm đất sạch.
Chị Yến cùng sản phẩm đất sạch.

Biến xơ dừa, lục bình thành đất sạch

Năm 2016, chị Yến tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học Trường Đại học Cần Thơ. Thời điểm đó, nhận thấy nhu cầu sử đất sạch hữu cơ ngày càng lớn, nên chị đã ấp ủ dự định “biến” các phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm hữu ích, phục vụ lại cho quá trình sản xuất nông nghiệp, để từ đó tạo ra các sản phẩm nông nghiệp sạch để cung ứng cho thị trường tiêu thụ các sản phẩm sạch đang ngày một tăng cao.

Để tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn, chị Yến xin vào làm tại các công ty chuyên về nông nghiệp và đảm trách khâu sản xuất đất sạch hữu cơ. Bằng kiến thức của mình, chị Lê Kim Yến đã tự nghiên cứu tạo ra sản phẩm đất sạch dùng để ươm hạt bán ra cho các tỉnh miền Đông.

Đến năm 2018, nhận thấy đã tích lũy đủ kinh nghiệm, cũng như mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nên chị Yến quyết định xin nghỉ việc để về thành lập cơ sở sản xuất đất sạch tại nhà.

Tuy nhiên, để có được sản phẩm hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu, chị Yến đã gặp muôn vàn khó khăn và phải mất nhiều thời gian để có sản phẩm đưa ra thị trường. Ban đầu, sản phẩm không đạt chuẩn và bị hỏng nhiều nên phải bỏ. Chi phí nguyên liệu và test mẫu khá cao nên phải chịu áp lực lớn về xoay vòng vốn, đây là khó khăn không nhỏ đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, không có nhiều vốn. Nhưng nhờ kiên trì cùng với sự quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ sản xuất được đất sạch cho nhu cầu thị trường, nên cơ sở từng bước đi vào ổn định.

Ban đầu, chị Yến chọn phụ phẩm xơ dừa và tận dụng nguồn nguyên liệu này để đưa vào sản xuất để có sản phẩm chất lượng tốt hơn phục vụ nhu cầu trồng rau tại nhà và cung cấp đến các trang trại.

Tuy nhiên, từ thực trạng tại địa phương chị nhận thấy lục bình (bèo tây) bủa vây các con sông, rạch gây ô nhiễm môi trường, làm tăng nguy cơ xảy ra dịch bệnh và ảnh hưởng đến việc vận chuyển đường thủy. Từ đó, chị Yến nảy sinh ý tưởng tận dụng nguồn lục bình tại địa phương đem trộn với phân bò, qua quá trình xử lý làm ra loại đất sạch sử dụng riêng cho cây ăn trái. Hướng chọn nguyên liệu nêu trên của chị Yến đã góp phần mở ra giải pháp xử lý vấn đề nan giải do lục bình gây ra trên kênh rạch ở địa phương.

Trước khi tạo ra một sản phẩm, chị Yến đã đưa đi kiểm nghiệm và hoàn toàn không có các hàm lượng kim loại nặng và các vi sinh vật có hại gây bệnh cho đường ruột như: Ecoli, salmonella… có trong thực phẩm.

Để tạo ra đất sạch cho nông nghiệp, phải trải qua nhiều công đoạn như: xử lý mẫu; ủ mẫu trở về dạng hợp chất hữu cơ để cây dễ tiêu thụ; phối trộn thêm nguyên liệu cần thiết để rễ cây phát triển tốt; sàn lọc lại để lượt bỏ những phụ phẩm không cần thiết; cuối cùng là đóng bao để xuất bán ra thị trường. Đặc biệt, quá trình xử lý mẫu là công đoạn quan trọng để quyết định sự thành công của sản phẩm.

Chị Yến (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm đất sạch.
Chị Yến (bên trái) đang giới thiệu sản phẩm đất sạch.

Thu nhập ổn định

Hiện cơ sở của chị Yến đang có 4 loại sản phẩm đất sạch xuất bán ra thị trường gồm: đất chuyên ươm hạt giống để sử dụng cho các vườn ươm tại vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; đất sạch hữu cơ cung cấp dinh dưỡng cho hoa màu và hoa kiểng đô thị; đất sử dụng trồng các loại rau mầm; đất sử dụng riêng cho các loại hoa hồng và sen đá.

Theo chị Yến, đất sạch có nhiều ưu điểm vượt trội, phù hợp với sự phát triển của cây như: tơi xốp, giữ ẩm tốt, thoáng khí, giàu dinh dưỡng, hoàn toàn không có mầm bệnh, chứa nhiều vi sinh vật có lợi, có thể trồng được nhiều loại cây ở nhiều không gian khác nhau như: sân vườn, trang trại, thủy canh… Nếu trồng với diện tích lớn còn giúp cải tạo đất.

Mỗi tháng, cơ sở của chị Yến cung cấp hơn 50 tấn đất sạch cho thị trường, với giá bán dao động từ 15.000 – 80.000 đồng/bao (tùy loại), cho thu nhập mỗi tháng từ 30 - 40 triệu đồng. Bằng hoạt động sản xuất đất sạch nêu trên, chị Yến còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại địa phương.

“Việc khởi nghiệp từ đất sạch nhằm tạo ra lối đi riêng nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân và hướng đến nâng cao chất lượng nền nông nghiệp hội nhập, mở ra tư duy sản xuất mới cho lĩnh vực trồng trọt đang rất cần nguồn đất sạch hữu cơ”, chị Yến chia sẻ.

Tuy mới ra đời nhưng đất sạch của cô nàng 9X Lê Kim Yến đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng và sản phẩm được tiêu thụ ở nhiều tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Nhờ vậy, sản lượng mỗi tháng không ngừng tăng lên. Trong thời gian tới chị sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng công suất và đa dạng chủng loại nhằm mở rộng thêm thị trường và đối tượng khách hàng.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Cơ chế đặc thù

GD&TĐ - Luật Giáo dục năm 2019 đặt ra yêu cầu cao hơn đối với trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS.