Cần thiết phải thử nghiệm
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chuyên viên Vụ Giáo dục mầm non (GDMN), Bộ GD&ĐT, trưởng nhóm thử nghiệm: Kế hoạch số 229/ KH-BGDĐT ngày 8/3/2022 của Bộ GD&ĐT), quá trình thử nghiệm quan trọng này nhằm đánh giá sự phù hợp và tính xác thực trên thực tiễn của các chuẩn, chỉ số trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, làm cơ sở xây dựng và ban hành Thông tư về chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi trong thời gian tới.
Dự thảo chuẩn PTTE 5 tuổi gồm 6 lĩnh vực, 22 chuẩn và 68 chỉ số. Các chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” đã được thiết kế cho trẻ em Việt Nam nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ.
Những chuẩn này có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác chăm sóc giáo dục trẻ mầm non nói chung, trẻ em 5 tuổi nói riêng, bao gồm: cha mẹ hay người chăm sóc nuôi dưỡng, giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia GDMN, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và người thực hiện các chính sách giáo dục, cũng như các tác nhân khác tham gia công tác GDMN.
Các bé 5 tuổi tham gia chương trình thử nghiệm đánh giá tại các trường mầm non. |
Với đa dạng mục tiêu sử dụng, “Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi” không chỉ hướng đích với các tác động tối ưu nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ 5 tuổi phát triển tốt nhất, mà còn làm căn cứ xây dựng và phát triển Chương trình khung giáo dục mầm non quốc gia; Phát triển Chương trình GD địa phương, nhà trường; Đánh giá chất lượng và điều chỉnh chương trình giáo dục trẻ;
Cải thiện và nâng cao năng lực của đội ngũ nhà giáo; Nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kỹ năng cho các bậc cha mẹ và cộng đồng cùng tham gia chăm sóc, giáo dục trẻ; Giám sát quốc gia về giáo dục và đề xuất chính sách phát triển GDMN Việt Nam, khu vực và quốc tế.
Việc thực hiện văn bản này sẽ có tác động trực tiếp trong việc nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, trách nhiệm của cha mẹ trẻ và cộng đồng tại địa phương trong những chương trình phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em 5 tuổi, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trẻ em và hướng đến chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng học tập chính thức ở trường tiểu học và cuộc sống trong tương lai.
Đánh giá từ cơ sở
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết: Nhóm chuyên gia đã đến các cơ sở GDMN để quan sát trực tiếp việc thực hiện các kĩ thuật cơ bản để triển khai thử nghiệm, đánh giá sự phù hợp và tính xác thực của các chỉ số trong Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, bao gồm: đánh giá trẻ trực tiếp ở các lĩnh vực phát triển Thể chất, Nhận thức, Ngôn ngữ, Tình cảm - QHXH, Thẩm mỹ, Tiếp cận với việc học;
Quan sát trẻ trực tiếp qua hoạt động tạo hình và nghiên cứu sản phẩm của trẻ; giáo viên trực tiếp dạy trẻ và cha mẹ trẻ trả lời phiếu hỏi về một số thông tin liên quan đến nhân khẩu học và tình hình chăm sóc, giáo dục trẻ ở gia đình. Kết quả thử nghiệm cung cấp những thông tin, số liệu thực tiễn có độ tin cậy cao về tính xác thực của các chuẩn, chỉ số trong Dự thảo chuẩn PTTE 5 tuổi.
Quan sát trẻ trực tiếp qua hoạt động tạo hình và nghiên cứu sản phẩm của trẻ. |
Nhóm mẫu tham gia thử nghiệm gồm 120 trẻ 5 tuổi, 120 giáo viên, 120 cha mẹ được lựa chọn ngẫu nhiên, đến từ các địa bàn và các trường đại diện cho vùng thuận lợi (Trường Mầm non công lập Đồng Phú và Trường Mầm non tư thục Sky ở thành phố Đồng Hới, đại diện cho vùng thuận lợi); Trường Mầm non công lập Ngân Thủy và Trường Mầm non công lập Kim Thủy (ở huyện Lệ Thủy, đại diện vùng khó khăn).
Cô Đặng Thị Chung, Phòng GD Mầm non – Tiểu học, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết, chương trình thử nghiệm lần này giúp các giáo viên ở 4 trường mầm non có thêm kinh nghiệm và học hỏi được cách đánh giá, cách làm việc với trẻ từ những chuyên gia Trung ương giám sát, hỗ trợ. Tỉnh Quảng Bình mong đợi sẽ được tham gia nhiều hoạt động chuyên môn tương tự do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Các bé 5 tuổi tại các trường mầm non tỉnh Quảng Bình đã thực hiện thử nghiệm trong tâm thế sẵn sàng và thực hiện tốt các nhiệm vụ đánh giá. Trẻ trả lời các câu hỏi và thích thú tham gia các hoạt động, bài tập như nhận biết, gọi tên các hình khối, chữ cái, kể chuyện sáng tạo và đặt tên cho câu chuyện.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hợp, Hiệu trưởng trường Mầm non Đồng Phú, chia sẻ: “Chương trình thử nghiệm không những là cơ hội cho cán bộ quản lý và GV của nhà trường được làm việc theo một quy trình khoa học, chuyên nghiệp với các chuyên gia, mà còn là dịp trao đổi, sinh hoạt kiến thức chuyên môn đầy trách nhiệm, tâm huyết của những người làm nghề GDMN… Tôi rất vui mừng và tự hào vì là một trong những trường được tiếp cận sớm với Dự thảo chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi mới”.
Giáo viên và phụ huynh các trường đều bày tỏ mong muốn sau đợt thử nghiệm lần này, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi để đưa vào sử dụng chính thức nhằm làm căn cứ xây dựng và phát triển, hỗ trợ thực hiện Chương trình GDMN trong nhà trường, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi, sẵn sàng vào lớp một.
Nhóm chuyên gia trung ương bao gồm cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu GDMN, Ban nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, chuyên viên Vụ GDMN đã tập huấn trực tiếp hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, quy trình thực hiện và cách sử dụng từng công cụ đánh giá các chỉ số trong Dự thảo Bộ chuẩn cho 15 đánh giá viên của tỉnh Quảng Bình tiến hành thử nghiệm đánh giá trẻ 5 tuổi theo Dự thảo Chuẩn PTTE 5 tuổi một cách toàn diện các lĩnh vực: Thể chất, nhận thức, ngôn ngữ - giao tiếp, tình cảm – quan hệ xã hội, thẩm mỹ và tiếp cận với việc học.