Dành cả thời thơ ấu cho âm nhạc
Lương Ngọc Bích sinh năm 1994 tại Hà Nội. Dù gia đình không theo đuổi nghệ thuật nhưng cha rất yêu thích âm nhạc, đặc biệt là nhạc cụ phương Tây. Ngay từ thuở nhỏ, Bích đã được cha mẹ cho tiếp xúc với âm nhạc rất sớm qua những bài hát ru, những ca khúc thiếu nhi qua băng đĩa. Cha mẹ là người đã truyền lửa đam mê âm nhạc và tiếp sức cho năng khiếu của con gái được toả sáng.
Năm 4 tuổi, Ngọc Bích được học Organ. Năm 12 tuổi, vì bận học nên cô đã thử dừng chơi đàn một thời gian. Nhưng sau đó, Bích nhận ra cây đàn là một phần rất quan trọng của mình, cô tiếp tục duy trì tập luyện nhưng cường độ ít hơn.
Càng lớn dần, tình yêu với đàn Piano đã thôi thúc Ngọc Bích lựa chọn theo đuổi bộ môn nghệ thuật này một cách chuyên nghiệp và nghiêm túc. Hiện tại dù đã hoàn thành bậc Đại học ngành Piano, cô vẫn tiếp tục học Thạc sĩ biểu diễn Piano để được đắm chìm trong những bản nhạc dương cầm.
Điều đặc biệt, cô gái này đã có thành tích đạt 2 cup Vàng bảng độc tấu và hoà tấu tại Asian Pacific Arts Festival (APAF). Điều này đã giúp Ngọc Bích mở rộng vốn hiểu biết của mình, bởi, đây là lần đầu tiên Bích tham gia một cuộc thi mang tầm cỡ quốc tế với rất nhiều nước tranh tài, đồng thời biểu diễn ở một sân khấu lớn tại Singapore.
|
Lương Ngọc Bích thể hiện tác phẩm "Hoa thơm bướm lượn" trích tổ khúc "Chùm hoa Việt Nam" chuyển soạn những làn điệu dân ca cho Piano của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.
Bích chia sẻ: “Điều này đã khiến em gặp áp lực rất lớn, và phải tăng cường độ tập luyện đàn Piano lên 6 – 8 tiếng/ ngày đồng thời cân bằng giữa việc học tại trường cũng như làm thêm. Tuy nhiên, với thành tích đạt được, em vô cùng tự hào bởi nững cố gắng của bản thân đã được công nhận và đặc biệt, em muốn đưa Piano Việt Nam vươn xa hơn nữa”.
Thế nhưng, Ngọc Bích cũng từng bị stress một thời gian trước khi thi APAF bởi biểu diễn Piano đòi hỏi sự tập trung liên tục, chính xác trong thời gian dài đồng thời không được làm mất những cảm xúc của bản thân khi trình bày. Tác phẩm cô lựa chọn dự thi độc tấu là “Nightingale” của nhạc sĩ người Nga Glinka và hoà tấu là “Libertango” của nhạc sĩ Piazzolla.
Đây đều là những bản nhạc dài với nhiều đoạn thay đổi trạng thái cảm xúc liên tục như thể hiện từng giai đoạn của đời người. Bích cho biết, dù các thí sinh khác trình diễn nhiều tác phẩm khó hơn nhưng cô đã gây được ấn tượng với ban giám khảo trong việc thể hiện tác phẩm hoàn chỉnh với sự chính xác cao, cảm xúc rõ nét theo từng giai đoạn, mang màu sắc cá nhân riêng biệt.
Gần chục năm gắn bó với ngôi nhà thứ 2
Ngọc Bích là sinh viên khoá đầu tiên của hệ Đại học Piano tại trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Với cô gái trẻ, đây là ngôi nhà thứ hai bởi em đã gắn bó tại đây 7 năm với 2 hệ Đại học là Sư phạm Âm nhạc và Piano.
Ngọc Bích chia sẻ: “Có rất nhiều cảm xúc của tuổi trẻ nhiệt huyết, năng động hay sự say mê học tập, niềm vui khi được biểu diễn trước mọi người, sự trưởng thành, chín chắn trong suy nghĩ và cả tình yêu của thầy cô giáo trong ngôi trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW. Em cảm thấy vô cùng hãnh diện khi được trở thành thủ khoa của trường, bởi các bạn cùng trang lứa ai cũng đều tài năng và có những thế mạnh riêng. Tuy bản thân còn nhiều thiếu sót nhưng em sẽ luôn trau dồi để hoàn thiện mình sao cho xứng đáng với sự tin yêu của thầy cô”.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Piano vào tháng 6, Ngọc Bích tiếp tục theo học Thạc sĩ biểu diễn Piano tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Càng gắn bó với cây đàn Piano, cô gái trẻ càng thấy kho tàng âm nhạc rất rộng lớn, bản thân cần phải nghiên cứu, tìm tòi để tiếp thu những tinh hoa của thế giới và phát triển nền âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Với bàng thành tích đáng nể, nhưng cô gái trẻ cũng chia sẻ kinh nghiệm học Piano. Đây là môn học chủ yếu mang tính thực hành , vì vậy khó khăn lớn nhất là phân bố hợp lý thời gian tập luyện đàn. Chơi đàn Piano thoạt nhìn tưởng dễ nhưng thực tế phải điều khiển rất nhiều bộ phận cùng lúc sao cho ăn khớp.
Đồng thời số lượng và độ khó của những tác phẩm trong thời gian học ngày càng tăng lên, vì vậy cần nhiều thời gian hơn để tập luyện cũng như hoàn chỉnh bài hết sức.
Ngọc Bích nói: “May mắn của em là được học những thầy cô giỏi và nhiệt tình nên hầu hết khó khăn đều được tháo gỡ. Kinh nghiệm dành cho các bạn học Piano là hãy tìm những người thầy cô tốt để định hướng và sửa lỗi cho mình nhưng bản thân cũng phải làm việc thật chăm chỉ và tìm tòi nghiên cứu”.
Hiện tại, Ngọc Bích đang giảng dạy Piano cho nhiều lứa tuổi, chủ yếu là từ 5 – 15 tuổi, đồng thời liên tục được mời biểu diễn, đệm hát cho các sinh viên Thanh nhạc tại một số trường ĐH. Bích dự định sẽ tham gia 1 cuộc thi Piano tại Mỹ vào năm sau để thỏa ước mơ vươn ra thế giới của ngành Piano Việt Nam.