Thủ khoa ngành Giáo dục Chính trị chia sẻ bí quyết học - thi khối C

GD&TĐ - Nguyễn Kim Ngân – thủ khoa đầu vào ngành giáo dục chính trị Trường ĐH Đồng Tháp chia sẻ bí quyết học tập và thi những môn khối C.

Nguyễn Kim Ngân - sinh viên tiêu biểu Trường ĐH Đồng Tháp
Nguyễn Kim Ngân - sinh viên tiêu biểu Trường ĐH Đồng Tháp

Theo Ngân, mỗi học sinh nên có phương pháp học tập riêng phù hợp với khả năng bản thân, vì không có phương pháp nào là vạn năng. Điều cơ bản là mỗi học sinh cần biết cách xác định mình phù hợp với phương pháp học tập nào; rồi khi đã xác định được phải quyết tâm thực hiện.

Chẳng hạn, đối với các môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, đôi lúc học bài thuộc quá không phải là tốt. Bởi, nếu chỉ học thuộc lòng có khi vào làm bài thi, chỉ cần tâm lý hồi hộp lỡ quên một đoạn sẽ khiến bạn quên cả đoạn còn lại.

Do đó, với các môn này, cần biết nắm nội dung, tốt hơn hết là tự mình thống kê và tóm tắt những ý chính của từng bài, từng môn theo một logic phù hợp với khả năng tiếp nhận.

Dùng sơ đồ tư duy với môn Lịch sử

Chẳng hạn, có thể dùng mô hình sơ đồ tư duy để tóm tắt cho các sự kiện của môn Lịch sử. Ngoài ra, có thể học bằng cách gắn những số liệu lịch sử với những số liệu gắn liền trong cuộc sống hàng ngày.

Bạn cũng cần rèn luyện cho mình khả năng tập trung trước một nội dung và nên đánh dấu những ý quan trọng để nắm cả bài, dễ dàng ôn lại khi cần thiết.

Môn Địa lý: đừng quá chú trọng học thuộc

Môn Địa lý thì cũng vậy, đừng nên quá chú trọng học thuộc lòng. Thật ra, chỉ cần nắm kiến thức cơ bản, biết cách vẽ biểu đồ, trả lời đúng trọng tâm câu hỏi và biết đọc bản đồ, sử dụng atlat đã dễ dàng làm tốt những bài kiểm tra môn này và tự hơn trong các kì thi.

Ngoài ra, đây là môn học về địa lý vùng miền, do đó, để học tốt cần tích cực bổ sung kiến thức thực tế thông qua việc xem báo, ti vi và tin tức để hiểu rõ hơn về thông tin, thời sự địa phương của các vùng kinh tế, địa lý trong nước và thế giới.

Ngữ văn: quan trọng nhất là khả năng “cảm”

Riêng môn Văn, theo Ngân, khả năng “cảm” là quan trọng nhất. Bởi đây là môn đòi hỏi tính sáng tạo cao, do đó càng không thể học vẹt mà phải hiểu, nắm bắt và liên kết được nội dung. Điều đó sẽ giúp thí sinh phân tích đúng nội dung tác phẩm.

Nhưng nếu muốn viết hay, truyền cảm thì dựa vào khả năng sáng tạo và mạch cảm xúc của từng người. Tốt nhất là cần có quan điểm cá nhân chứ đừng theo một câu từ chương.

Ngoài ra, nên thực hành viết nhiều, cần lập dàn ý để xác định đủ và đúng nội dung, tránh lạc đề.

“Cuối cùng, điều quan trọng của các môn xã hội chính là các bạn cần chăm chỉ nghe giảng, soạn bài và đọc trước, học bài khi vừa nghe giảng xong trên lớp sẽ giúp bạn nhớ lâu chứ không nên dồn kiến thức, đến khi thi sẽ “trở tay không kịp” dẫn đến học tủ, học đối phó.

Bên cạnh đó, dù học bất cứ môn gì, quan trọng là cần tạo tâm lý thoải mái và say mê, nghiêm túc với việc học thì mới thành công” - Ngân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ