(GD&TĐ) - Ngữ văn là một trong những môn cố định của kỳ thi tốt nghiệp THPT với lượng kiến thức lớn đòi hỏi học sinh phải có kế hoạch ôn tập chu đáo. Để có thể đạt được điểm cao bên cạnh việc nắm chắc kiến thức trong suốt năm học mỗi học sinh cần biết vận dụng kiến thức đã học để trình bày bài thi cho tốt.
Cần có thói quen hệ thống hóa lại kiến thức
Học sinh phải có vốn kiến thức nền nhất định về một hệ thống các tác phẩm văn xuôi và thơ. Chính vì vậy, để làm tốt những dạng câu hỏi có tính chất tái hiện, trước hết học sinh phải thuộc được những đoạn thơ tiêu biểu cũng như nắm được diễn biến nội dung các tác phẩm văn xuôi. Đối với tác phẩm văn xuôi dài khó nhớ, các em cần tóm tắt theo nội dung diễn biến sự kiện hoặc theo các biến cố xoay quanh các tuyến nhân vật.
Bên cạnh đó, với những dẫn chứng tiêu biểu học sinh cần học thuộc để vận dụng trong quá trình làm bài. Trong quá trình ôn tập, học sinh nên có thói quen sắp xếp tác phẩm theo chiều dọc thời gian để dễ bề liên hệ khi cần thiết. Ví dụ những tác phẩm được sáng tác trong các giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng tám năm 1945; giai đoạn kháng chiến chống Pháp; giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Từ cái nhìn khái quát về lịch sử đất nước trong từng giai đoạn mà có thể nhìn nhận các tác phẩm theo chiều liên tưởng những chân giá trị đặc thù. Nếu như trong chiến tranh chủ nghĩa anh hùng được ngợi ca bởi sự dũng cảm xả thân vì đất nước vì dân tộc, thì trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội những điển hình về con người mới dám nghĩ dám làm lại được tôn vinh…
Bất cứ một bài nghị luận văn học nào ngoài việc phân tích, bình luận hay chứng minh để đạt điểm cao cuối mỗi bài phải có phần đánh giá nhận định về tư tưởng tác phẩm hay điểm độc đáo về nội dung, nghệ thuật để làm sáng tỏ nội dung yêu cầu đề bài.
Đối với một số tác giả được giảng kỹ trong chương trình như: Hồ Chí Minh, tác giả Tố Hữu, tác giả Nguyễn Tuân... học sinh phải nắm được phong cách nghệ thuật và những tác phẩm tiêu biểu trong quá trình sáng tác. Tiểu sử cuộc đời của tác giả sẽ là những tư liệu quý giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về các sáng tác của họ.
Thí sinh cần hệ thống hóa những kiến thức nền về Văn học |
Trang bị kỹ năng làm bài theo các dạng đề
Là một GV văn có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, Cô Vũ Kim Phượng - Giáo viên Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết, thông thường cấu trúc của đề thi văn tốt nghiệp gồm ba câu. Câu 1 (2 điểm): Chủ yếu kiểm tra việc tái hiện kiến thức ở mức đơn giản. Với loại câu hỏi này HS cần trả lời ngắn gọn, chính xác theo từng ý nhỏ. Các câu hỏi thường đặt vào các vấn đề cơ bản như: Trình bày những nét chính về sự nghiệp và cuộc đời của nhà văn (nhà thơ); quan điểm sáng tác; phong cách nghệ thuật của tác giả; hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; ý nghĩa của nhan đề tác phẩm… Vì vậy để đạt điểm tối đa, các em cần chú ý diễn đạt mạch lạc, đủ ý; chính xác; tránh viết lan man. Thời gian cho câu hỏi 1 chỉ nên gói gọn trong 15 – 20 phút, tránh đầu tư nhiều thời gian cho câu có số điểm tối thiểu.
Câu 2 (3 điểm): Thường yêu cầu một bài văn nghị luận xã hội khoảng 400 từ bàn luận về một tư tưởng, đạo lý hay bàn về một vấn đề của xã hội. Khi làm loại câu hỏi này HS cần đặc biệt lưu ý bố cục của bài viết, tránh viết đoạn văn. Tuy nhiên, yêu cầu là bài văn ngắn nên chỉ khoảng 1,5 - 2 trang giấy thi trong thời gian khoảng từ 45 phút - 50 phút.
Câu 3 (5 điểm): Nghị luận văn học. Đề bài có thể yêu cầu nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ hoặc một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi; cũng có thể nghị luận về một ý kiến bàn về văn học. Để làm tốt câu nghị luận văn học này, cần chú ý rèn kĩ năng tìm hiểu đề (vấn đề trung tâm của đề bài; thao tác nghị luận chủ yếu; phạm vi, giới hạn tư liệu sẽ sử dụng); kĩ năng lập dàn ý sơ lược (khi thi, các em không nên bỏ khâu này, vì việc lập dàn ý sẽ giúp em không bỏ sót luận điểm, giúp em phân bố thời gian hợp lý cho mỗi luận điểm). Các em cần diễn đạt ngắn gọn, trong sáng, chặt chẽ, hợp lý và thuyết phục, cố gắng nêu lên những nhận xét, đánh giá riêng của bản thân.
Để ôn tập và chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp, mỗi HS không chỉ có kỹ năng học thuộc mà cần có phương pháp phù hợp để làm với từng kiểu bài.
Từ việc xác định dạng thức đề thi cho HS, GV có thể rút ra một số điểm cần lưu ý đó là:
- Cần phân bố thời gian cho hợp lý.
- Tuyệt đối tránh việc học tủ, học lệch.
- Đầu từ thời gian ôn thi cho tốt.
- Rèn viết thường xuyên.
Như vậy để thu được kết quả cao ở môn thi này, trước khi bắt tay vào làm bài, cần phải dành thời gian phân tích đề, phân bổ kiến thức và thời gian làm bài một cách hợp lý. Và điều quan trọng là giữa khối lượng kiến thức khá lớn trong suốt năm học, mỗi HS cần biết lựa chọn để đưa vào bài viết của mình một cách hợp lý.
Hồng Vân