Chuẩn bị tư tưởng tốt, học nghiêm túc ngay từ đầu
Lời khuyên đầu tiên của thủ khoa Trần Kiều Mỹ với sinh viên vừa bước chân vào môi trường đại học là chuẩn bị tư tưởng thật tốt. Trước tiên là tư tưởng học đúng đắn, có trách nhiệm với việc học của mình, luôn nỗ lực từ những giây phút đầu tiên, từ những môn học dễ nhất. Cùng với đó, cố gắng hòa đồng với bạn bè và thầy cô, nên tham gia các hoạt động ở trường để vừa thư giãn, quen được nhiều bạn bè tốt, mở rộng mối quan hệ, đồng thời mở mang hiểu biết.
Nên tích cực chủ động hỏi, trao đổi với anh chị khóa trên để lấy thêm kinh nghiệm và tài liệu học tập. Sau một thời gian học ở đại học, có thể kiếm tìm một công việc để làm thêm, công việc này càng gần với ngành học của mình càng tốt. Đây không chỉ đơn giản vì thu nhập mà quan trọng là trải nghiệm quý báu để bản thân trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, có cơ hội được làm quen dần với công việc trong tương lai.
Quan trọng nhất là phải xác định tư tưởng cố gắng ngay từ đầu, từ những môn dễ nhất. “Nhiều bạn khi nhập trường vẫn giữ tư tưởng vào đại học nhàn, chơi cho đã trước rồi học sau, hệ quả là nhận mức điểm kém ở năm đầu, năm 2. Khi lên đến năm thứ 3 các bạn bắt đầu chú tâm vào học thì không kịp, vì những môn sau rất khó và cần nền tảng của 2 năm trước. Hơn nữa dù nhiều bạn đã rất nỗ lực vẫn không thể kéo điểm tổng kết lên được. Nên tốt nhất là xác định học nghiêm túc ngay từ đầu” – Trần Kiều Mỹ chia sẻ.
Nên có kế hoạch học tập
Lên đại học, ngoài học tập còn rất nhiều hoạt động động khác, thậm chí cả công việc làm thêm, nên việc phân chia thời gian khoa học vô cùng quan trọng. Việc xây dựng kế hoạch học tập, sắp xếp thời gian sẽ giúp các sinh viên chủ động, tiết kiệm thời gian và học tập hiệu quả hơn.
Một điều nữa không thể thiếu là mục tiêu học tập. Mỗi sinh viên khi đã bước vào giảng đường đại học phải có mục tiêu học tập, rèn luyện rõ ràng, tận dụng mọi cơ hội mà nhà trường, thầy cô trao cho. Đặc biệt, tự bản thân nên tạo ra cơ hội cho mình, không gì tuyệt vời hơn những cơ hội do chính mình kiến tạo.
Cùng lời khuyên này, thủ khoa Trần Kiều Mỹ đồng thời lưu ý, tránh tình trạng học bị động. Hãy chuẩn bị học một môn mới, nội dung học mới bằng việc tìm hiểu về môn học, nội dung học; đọc tài liệu và hỏi các anh chị khóa trên xem môn đó như thế nào, có gì cần chú ý… Bên cạnh đó, học đến đâu nhớ đến đấy, không nên để “ùn” kiến thức.
“Vì lượng kiến thức cần phải nhớ một môn học rất nhiều, nên học môn, buổi học nào tôi sẽ cố gắng hiểu bài và nhớ lượng kiến thức môn, buổi học đó; không để dồn 2-3 ngày vào một lúc vì sẽ rất áp lực và khó nhớ”– Trần Kiều Mỹ cho hay.
Thủ khoa Trần Kiều Mỹ (hàng đầu, phải) cùng các bạn học trong lễ tốt nghiệp |
Ngoại ngữ rất quan trọng
Yêu cầu về ngoại ngữ với bậc đại học cao hơn hẳn ở phổ thông với yêu cầu đầu ra rõ ràng. Nhiều tân sinh viên coi môn ngoại ngữ là lo lắng lớn. Chia sẻ của một người theo khối A, trình độ ngoại ngữ khi vào đại học gần như số không, thủ khoa Trần Kiều Mỹ cho biết mình xác định tầm quan trọng của môn học này và cố gắng ngay từ đầu.
“Khi mới vào đại học, tôi xác định nền tảng của mọi thứ tiếng là ngữ pháp và từ mới, nên chỉ học hai kĩ năng này. Mỗi buổi học hoặc mỗi ngày tôi cố học 3-5 từ mới. Sau một tuần hoặc 3-4 ngày, tôi tổng hợp lại các từ mới vừa học và tập nói, sử dụng các từ mới đó. Khi tập nói và sử dụng, gần như tôi nhớ từ mới đó luôn và không quên nữa.
Kết hợp với học từ, học ngữ pháp, tôi thường xuyên xem các chương trình nước ngoài mình yêu thích để tăng khả năng nghe và nói như American Got Talent, Master Chef,... Chú trọng nghe chất lượng chứ không phải số lượng, nên có thể tôi xem đi xem lại rất nhiều lần chỉ một video clip, nghe đến khi hiểu và tập nói đến khi nào tương đối giống. Tôi mất vài tháng cho quá trình này” – Trần Kiều Mỹ chia sẻ kinh nghiệm.
Với cách học này, Trần Kiều Mỹ đã thi đỗ chương trình tiên tiến, tiếng Anh tiến bộ rất nhanh mà không phải đi học ở bất cứ trung tâm nào. Mỹ nhiều năm đạt giải Olympic Tiếng Anh cấp trường; nhận học bổng nhiều kì liền của chương trình tiên tiến; đạt 7.5/9.0 điểm IELTS từ năm thứ 4; đạt 950/990 điểm thi TOEIC…
Vượt qua cú sốc khi mất bố năm lớp 11, Trần Kiều Mỹ đã phải nỗ lực rất nhiều để vào đại học rồi đạt thành tích xuất sắc trong những năm học tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, trở thành thủ khoa của Chương trình tiên tiến và thủ khoa đầu ra năm 2018 toàn trường.
Để danh hiệu thủ khoa không chỉ là một “cái danh”, Kiều Mỹ ý thức rõ, danh hiệu thủ khoa chỉ là một chứng nhận cho những cố gắng trong 5 năm học đại học và không nói lên nhiều điều về tương lai sắp tới. Dù có tốt nghiệp thủ khoa hay không, khi bước vào thị trường lao động, mỗi người vẫn cần phải cố gắng thể hiện năng lực và vận dụng mọi kiến thức, kỹ năng đã tích lũy để thích nghi với cơ quan, tổ chức mà mình làm việc.