Thủ khoa của trường lo lỡ giấc mơ giảng đường vì hoàn cảnh khó khăn

GD&TĐ - Mặc dù đạt thủ khoa của Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Tĩnh) trong kỳ thi tốt nghiệp nhưng Trinh lo lỡ giấc mơ giảng đường vì hoàn cảnh khó khăn.

Phương Trinh cùng mẹ và em trai.
Phương Trinh cùng mẹ và em trai.

Vượt lên nghịch cảnh

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, em Nguyễn Thị Phương Trinh (SN 2005, trú thôn Lộc An, xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), học sinh lớp 12D, Trường THPT Lê Quý Đôn đạt số điểm khá cao.

Với 27,75 điểm khối D66 (Trong đó: Văn 9,25 điểm; Anh 9,0 điểm và GDCD 9,5 điểm), nữ sinh Nguyễn Thị Phương Trinh chính thức được ghi nhận là thủ khoa của trường. Ngoài ra, ở khối C19 Trinh cũng đã giành được 26,75 điểm.

Thủ khoa của trường lo lỡ giấc mơ giảng đường vì hoàn cảnh khó khăn ảnh 1

Trinh là thủ khoa của Trường THPT Lê Quý Đôn trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua.

Trinh cho biết, em có nguyện vọng 1 học ngành Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Huế. Vì theo em, ngành này ra trường dễ tìm việc làm. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở Huế sẽ không cao như những nơi khác.

Mặc dù vậy, cánh cửa đến giảng đường đại học của Trinh có thể sẽ chỉ là ước mơ bởi gia cảnh quá ngặt nghèo. Năm 2010, khi em vừa được 5 tuổi và em trai Trinh mới hơn 1 tuổi thì người bố đột ngột qua đời sau cơn đột quỵ.

Chồng mất, chị Phạm Thị Huê (SN 1972) – mẹ của Trinh, vốn không được khỏe mạnh như người ta lại phải một mình gồng gánh, tích cóp từng đồng để nuôi 2 con và mẹ chồng (năm nay 90 tuổi).

Gia đình thuộc diện hộ nghèo trong xã, kinh tế lại phụ thuộc vào vài ba sào ruộng nên mặc dù bản thân gầy gò, đau yếu thường xuyên nhưng chị Huê vẫn phải gắng gượng làm thuê bất cứ việc gì để trang trải cuộc sống.

Thấu hiểu nỗi vất vả, cực khổ của mẹ, Nguyễn Thị Phương Trinh cùng em trai là Nguyễn Văn Quyền luôn là học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Ngoài thời gian đến lớp, về nhà em vẫn luôn chăm chỉ giúp đỡ gia đình. (Ảnh: Vũ Long)

Ngoài thời gian đến lớp, về nhà em vẫn luôn chăm chỉ giúp đỡ gia đình. (Ảnh: Vũ Long)

Từ nhỏ Trinh đã luôn ý thức về hoàn cảnh của mình. Với em, sự nỗ lực vươn lên trong học tập, chăm ngoan, giúp đỡ gia đình chính là món quà lớn nhất mà em có thể dành cho mẹ. Đồng thời, em cũng hy vọng rằng đâu đó ở “thế giới bên kia” bố vẫn luôn mỉm cười và tự hào về em.

Canh cánh nỗi lo

Trong căn nhà cấp bốn nhỏ hẹp, nóng nực, chị Huê nghẹn ngào kể: “Ngày biết kết quả thi đạt thủ khoa của trường, cả ba mẹ con rưng rưng nước mắt vì mừng vui cho Trinh. Nhưng trong lòng lại canh cánh một nỗi niềm lo lắng, trăn trở khôn nguôi khi nghĩ đến tương lai sắp tới…

Nhà nghèo, để có một khoản tiền lớn để đóng học phí, tiền sách vở, tiền thuê nhà trọ, tiền ăn và hàng trăm thứ khác để cho Trinh được bước chân vào giảng đường đại học thì tôi chưa dám nghĩ tới”.

Chị Huê - mẹ Trinh, thường xuyên đau yếu. (Ảnh: Vũ Long)

Chị Huê - mẹ Trinh, thường xuyên đau yếu. (Ảnh: Vũ Long)

Khó khăn là thế, vất vả là thế nhưng Trinh vẫn luôn ấp ủ bước tiếp vào giảng đường đại học. Nữ sinh tâm sự: “Chỉ có học mới có thể thay đổi được số phận của bản thân và gia đình. Nếu được đi học em sẽ tìm việc làm thêm để đỡ đần cho mẹ và trang trải cuộc sống”.

Biết tin Trinh đạt điểm cao, mấy ngày qua, bạn bè, người thân và bà con lối xóm đã đến động viên, chia sẻ, mong hỗ trợ phần nào để em thực hiện giấc mơ giảng đường. Tuy nhiên, mọi sự hỗ trợ chủ yếu là tinh thần chứ về vật chất chẳng đáng là bao.

"Em không biết nếu mình đi học mẹ ở nhà phải làm sao vì còn phải lo cho bà nội già yếu và em trai nữa. Dự định là thế nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn có thể em phải đi làm thêm ít năm rồi mới dám nghĩ tới việc đi học tiếp", em Trinh gạt nước mắt.

Trinh dự định sẽ đi làm thêm ít năm kiếm tiền rồi mới nghĩ tới giấc mơ giảng đường. (Ảnh: Vũ Long).

Trinh dự định sẽ đi làm thêm ít năm kiếm tiền rồi mới nghĩ tới giấc mơ giảng đường. (Ảnh: Vũ Long).

Thầy Ngô Đức Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, Trinh là một học sinh thông minh, chịu khó và giàu nghị lực. Tuy nhiên, nếu vì hoàn cảnh mà cánh cửa vào đại học của em phải khép lại thì quá đáng tiếc.

"Mong sao, chặng đường sắp tới, em sẽ nhận được sự chia sẻ, đồng hành của các tổ chức, cá nhân để có thể tiếp tục 4 năm đại học”, thầy Tuấn nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.