Trải lòng của nữ thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại Quốc tế

GD&TĐ - Để sở hữu tấm bằng cử nhân ngành Luật xuất sắc, Ngô Quỳnh Liên đã ngày đêm học tập, chủ động xin đi học việc từ khi là sinh viên năm ba.

Ngô Quỳnh Liên (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp. Ảnh NVCC.
Ngô Quỳnh Liên (ở giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng các bạn trong lễ tốt nghiệp. Ảnh NVCC.

Từng rất sốc khi thay đổi môi trường học

Ngô Quỳnh Liên – cựu sinh viên lớp 4427, thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại Quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội sở hữu trong tay tấm bằng cử nhân Luật xuất sắc nhưng cô nàng vẫn chưa quên cảm giác buổi học đầu tiên của đời sinh viên.

Cô nàng thủ khoa tâm sự: “Em bước vào buổi học với tâm thế hào hứng vô cùng, tuy nhiên cách dạy và học ở trường đại học học khác hoàn toàn với bậc phổ thông. Giáo viên không còn “cầm tay chỉ việc” thay vào đó, sinh viên là trung tâm, giảng viên với vai trò là cố vấn, giảng dạy những kiến thức cơ bản nhất. Theo đó, đòi hỏi người học phải tự học, tự nghiên cứu đòi hỏi rất cao.

Ngô Quỳnh Liên – cựu sinh viên lớp 4427, thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại Quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội luôn tận dụng tối đa thời gian rảnh để học. Ảnh NVCC.

Ngô Quỳnh Liên – cựu sinh viên lớp 4427, thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại Quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội luôn tận dụng tối đa thời gian rảnh để học. Ảnh NVCC.

Em và các bạn chưa kịp thích nghi với môi trường học mới thì đại dịch ập đến. Chúng em chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến, hoang mang, lo lắng vô cùng. Đặc biệt, 12 năm học phổ thông, chưa bao giờ em được trải nghiệm học trực tuyến vì vậy giai đoạn đầu mức độ tiếp thu bài, tương tác với giảng viên, các bạn của em rất kém áp lực chồng áp lực”.

Trước tình hình như vậy nếu kéo dài không ổn, Quỳnh Liên đã xốc lại tinh thần, dành thời gian để tìm tài liệu hướng dẫn cách học online sao cho hiệu quả.

“Sau khi nghiên cứu, em nhận ra cách tốt nhất chính là tương tác với giảng viên nhiều hơn; tại các tiết thảo luận em tăng cường trao đổi, đưa ra quan điểm, ý kiến với các bạn để lắng nghe sự góp ý.

Đối với những vấn đề chưa hiểu, em hỏi thầy cô để được giải đáp ngay. Tối đến, em tìm các hồ sơ, vụ án liên quan đến vấn đề mình học để nghiên cứu, cuối cùng kết thúc kỳ thứ nhất, em cũng bắt bắt nhịp được môi trường, hình thức học mới”.

Cô nàng được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên. Ảnh NVCC.

Cô nàng được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên. Ảnh NVCC.

Hai năm học trực tuyến do vậy sau khi dịch được kiểm soát, Quỳnh Liên đã xin đi học việc tại các văn phòng luật. Cô nàng chia sẻ: “Sau khi đi học việc thực tế em hiểu rằng nếu sinh viên chỉ học lý thuyết thì thực sự kiến thức rất hẹp, không thể làm việc được sau khi ra trường. Do đó, em đã tận dụng khoảng thời gian học việc này để hỏi những người có kinh nghiệm thực tế”.

Nhờ vậy mà đến năm thứ 4 đại học, Ngô Thị Quỳnh Liên đã có việc làm, đồng thời với tấm bằng cử nhân loại xuất sắc cô nàng còn nhận được nhiều cơ hội làm việc từ nhà trường đưa ra.

Theo đuổi ngành Luật để bảo vệ gia đình

Quỳnh Liên quê ở Hải Dương, bố mẹ làm nông dân, một trong những lý do mà cô nàng muốn theo đuổi ngành Luật là để có thể tư vấn luật pháp cho những người nghèo, người nông dân như bố mẹ mình.

Quỳnh Liên kể: “Hồi nhỏ, nhà em để phát triển kinh tế, bố mẹ đã xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng. Tuy nhiên, ao nhà em đào do có sự tranh chấp dẫn đến bị tịch thu. Toàn bộ vốn liếng của gia đình cộng thêm khoản vay ngân hàng đưa vào đầu tư đã mất trắng. Gia đình lâm vào nợ nần, trong khi đó bố còn mắc bệnh tim. Lúc đó, em ước gia đình mình có ai hiểu luật thì sẽ không lâm vào cảnh khốn đốn này”.

Quỳnh Liên và mẹ của mình là chị Nguyễn Thị Huyền. Ảnh NVCC.

Quỳnh Liên và mẹ của mình là chị Nguyễn Thị Huyền. Ảnh NVCC.

Cũng từ biến cố gia đình, Quỳnh Liên nỗ lực học tập để tìm một tấm vé vào Trường ĐH Luật Hà Nội. “Ngày cầm trên tay giấy báo trúng tuyển em đã mừng rơi nước mắt, em nghĩ cuộc đời mình sẽ thay đổi từ đây. Dẫu khó khăn, gian khổ phải bằng mọi giá học tập để có việc làm”.

Sau khi đi học đại học mỗi lần về quê, Quỳnh Liên lại tranh thủ tuyên truyền pháp luật cho các em nhỏ trong làng, hỗ trợ tư vấn cho những người dân cần.

“Trong làng em đã có nhiều người đến nhờ em tư vấn các kiến thức pháp luật hay sự việc cụ thể. Em vô cùng hạnh phúc vì đã hỗ trợ được người dân nghèo trong làng”, Quỳnh Liên nói.

Khi biết con nhận tấm bằng cử nhân xuất sắc, chị Nguyễn Thị Huyền (Cẩm Giàng, Hải Dương) không cầm được xúc động chia sẻ: “Ngày con đi nhập học, chồng tôi bệnh nặng nên cả nhà không ai đưa con đi được, phải nhờ mẹ của một bạn trong lớp cấp ba đưa con lên nhập học. Sau bốn năm miệt mài học tập, con đạt được kết quả ngoài mong đợi, tôi và gia đình vô cùng hạnh phúc. Bởi từ đây con sẽ không còn phải cảnh bán mặt cho đất, bán lưng cho trời như bố mẹ, con có thể mang kiến thức mình học được để bảo vệ công lý, lẽ phải”.

Nhắc đến cô thủ khoa Quỳnh Liên, Nguyễn Mạnh Hùng, lớp trưởng lớp 4427, Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ: “Liên là một bạn rất có trách nhiệm, nhiệt tình; tích cực tham các câu lạc bộ, các hoạt động của lớp cũng như đoàn thể về hiến máu, tuyên truyền pháp luật; có thời gian rảnh, Liên lại lên thư viện nghiên cứu tài liệu”.

“Trước đây, khi em học Luật nhiều người nói sẽ khó xin việc, tuy nhiên sau khi bản thân trải nghiệm và học tập em nhận ra quan niệm đó đã sai. Với bất kể ngành nghề nào cũng vậy, nếu người học chăm chỉ, chịu khó nỗ lực hết sức sẽ không bao giờ thất nghiệp. Riêng đối với ngành Luật, cơ hội việc làm cho sinh viên khá rộng mở”, Ngô Quỳnh Liên – sinh viên lớp 4427, thủ khoa đầu ra ngành Luật thương mại Quốc tế, Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.