Thu hồi chất chống oxy hóa từ phụ phẩm nông nghiệp

GD&TĐ - Chất oxy hóa được ThS Võ Tấn Phát, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, tìm cách thu hồi từ chính phụ phẩm như bã cà rốt, vỏ dưa hấu, chanh dây…

Cà rốt có rất nhiều carotenoid có tác dụng chống oxy hóa.
Cà rốt có rất nhiều carotenoid có tác dụng chống oxy hóa.

Thu hồi carotenoid từ bã cà rốt

ThS Võ Tấn Phát cho biết, cà rốt (củ cải đỏ) là một thực phẩm phổ biến trong các món ăn và thức uống ở châu Á. Bã cà rốt là một phụ phẩm của quá trình sản xuất nước ép và thường được bỏ đi, tuy nhiên, trong bã cà rốt còn chứa nhiều các hợp chất chống oxy hóa như carotenoid.

Những hợp chất này giúp giảm tác hại của các gốc tự do, các gốc này được hình thành bởi tác động của môi trường đến cơ thể người. Trong khi đó, trích ly là một quá trình sử dụng các dung môi để hòa tan các chất có trong thực phẩm.

“Carotenoid thường được thu nhận bởi quá trình trích ly sử dụng các dung môi hữu cơ độc hại, các dung môi này không thể bị loại bỏ hoàn toàn. Trong văn hóa dân gian, người ta thường sử dụng các loại dầu ăn để bảo quản ớt. Quan sát điều này tôi nhận thấy có thể sử dụng nguyên lý này để thu hồi và bảo quản hoạt chất quý nhất trong cà rốt là carotenoid”, ThS Võ Tấn Phát nói.

Anh sử dụng axit oleic, một axit béo omega 9, để thu hồi các hợp chất carotenoid có trong cà rốt. Nghiên cứu đã tìm các ảnh hưởng của các điều kiện trích ly có hỗ trợ sóng siêu âm như nhiệt độ, công suất siêu âm, thời gian, và lượng axit oleic cần dùng đến hiệu quả thu hồi các hợp chất carotenoid.

Sau đó, carotenoid trong axit oleic được bảo quản bằng phương pháp vi bao. Vi bao là một phương pháp sử dụng các protein, chất nhũ hóa và polysaccharide để bao gói các chất có hoạt tính sinh học.

Sau khi được bao gói các hợp chất thì carotenoid sẽ dễ dàng hấp thu và hạn chế bị oxy hóa bởi môi trường. Nghiên cứu của anh tìm ra được phương pháp vi bao phù hợp là vi bao bằng chất nhũ hóa có hỗ trợ sóng siêu âm và vi bao bằng chất nhũ hóa tự phát. Hai phương pháp này giúp tạo ra hệ các hạt có kích thước nano của hệ carotenoid-acid oleic (khoảng 30nm).

Cà rốt giàu đường và các loại vitamin cũng như năng lượng. Trong 100g ăn được của cà rốt, theo tỷ lệ % có: Glucid 8,8; nước 88,5; protid 1,5; cellulose 1,2; chất tro 0,8. Muối khoáng có trong cà rốt như phosphor, kalium, calcium, sắt, đồng, bor, brom, mangan, magnesium, molipden… Trong cà rốt có rất nhiều vitamin C, D, E và các vitamin nhóm B. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất caroten.

Chiết xuất cà rốt được chiết ra từ củ cà rốt, có màu vàng, lỏng, mùi đặc trưng, hòa tan bất kỳ tỷ lệ nào trong nước. Chiết xuất cà rốt có đặc tính làm sạch, dưỡng ẩm và chống oxy hóa mạnh mẽ. Thường được sử dụng phổ biến trong các ứng dụng trong ngành mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.

Tận dụng các hoạt chất quý trong nông sản

Nghiên cứu của ThS Võ Tấn Phát giúp tạo ra một phương pháp thân thiện với môi trường trong việc thu hồi carotenoid và kéo dài thời gian bảo quản của hợp chất này. Nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí khoa học ACS Omega thuộc Hiệp hội Hóa học Mỹ.

Không chỉ dừng lại ở cà rốt, ThS Võ Tấn Phát cũng đã công bố nghiên cứu tối ưu hóa quy trình chiết xuất có hỗ trợ siêu âm để thu được hợp chất phenolic và flavonoid tổng số từ vỏ dưa hấu (tên khoa học là Citrullus lanatus); Chiết xuất được hỗ trợ bằng siêu âm và enzyme để thu hồi tannin, flavonoid và terpenoid từ lá trà đã qua sử dụng bằng dung môi eutectic sâu tự nhiên; Tối ưu hóa quy trình chiết xuất có sự hỗ trợ của siêu âm và vi sóng để thu hồi phenolic và flavonoid từ vỏ chanh dây...

“Tôi mong muốn các nghiên cứu của mình giúp ích được người nông dân, gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản hiện nay. Công nghiệp chế biến ở Việt Nam chưa phát triển, thu nhập của người nông dân còn rất thấp do không làm chủ được thị trường, được mùa mất giá… Việc đưa các nghiên cứu này vào thực tiễn sẽ giúp người nông dân có thêm thu nhập, thị trường có thêm các sản phẩm an toàn cho sức khỏe”, ThS Võ Tấn Phát nói.

PGS.TS Nguyễn Đình Quân, Trưởng phòng Thí nghiệm nhiên liệu sinh học và biomass, Trường ĐH Bách khoa TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết nghiên cứu của ThS Võ Tấn Phát là hướng đi rất tốt để chiết xuất và bảo quản các hoạt chất quý trong nông sản.

Ví dụ như hoạt chất carotenoid khó chiết xuất bằng phương pháp thông thường, dễ bị biến chất nếu không được bảo quản đúng cách. Phát đã nghiên cứu tìm ra cách vừa chiết xuất an toàn, bảo quản được hoạt chất bằng màng vi bao là sáng kiến có nhiều tiềm năng ứng dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, hoạt chất chống oxy hóa trong rau củ nói chung thường dồi dào nhất khi rau củ còn tươi ngon, mới thu hoạch. Việc tận dụng chiết xuất trong bã cà rốt hay vỏ dưa hấu là đáng hoan nghênh, song nên nghĩ đến việc tận dụng nguyên liệu rau củ còn tươi để thu hồi hoạt chất tốt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.