Mới đây, Recruit Works Institute, chi nhánh của nhà cung cấp thông tin việc làm Recruit Holdings Co., đã công bố nghiên cứu năm 2023 cho thấy nguồn cung lao động của Nhật Bản sẽ thiếu hụt 3,41 triệu người vào năm 2030 và hơn 11 triệu người vào năm 2040. Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên tại Nhật Bản.
Nhật Bản là một trong những quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới thấp nhất trong số các nước G7. Nước này cũng giữ vị trí thấp nhất trong Báo cáo Giới tính Toàn cầu mới nhất của Diễn đàn Sức khoẻ Kinh tế Thế giới, nhất là trong hạng mục phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo.
Theo nhiều nghiên cứu, lực lượng lao động bình đẳng giới sẽ tạo ra sự đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Bình đẳng giới đi đôi với ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô, có thể kích thích tăng trưởng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân lẫn khu vực công, đồng thời giảm bất bình đẳng thu nhập.
Với tốc độ già hoá dân số nhanh và tỷ lệ sinh thấp, dự kiến lực lượng lao động của Nhật Bản sẽ giảm nên nếu phụ nữ tham gia nhiều hơn, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Các chuẩn mực giới tính trong xã hội Nhật Bản có mối liên hệ chặt chẽ với hệ thống thứ bậc gia trưởng phát triển theo Nho giáo. Vai trò của người đàn ông là trụ cột gia đình còn của phụ nữ gắn liền với chăm sóc, nội trợ.
Những niềm tin và giá trị xã hội này ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng và hành vi tổ chức tại nơi làm việc của Nhật Bản. Ở đó, phụ nữ khó có thể giữ vai trò lãnh đạo vì trụ cột vẫn được cho là nhiệm vụ của nam giới.
Ngoài ra, phụ nữ có ít khả năng thăng tiến so với nam giới, công việc được trả lương thấp hơn... Chưa kể, phụ nữ cũng chịu áp lực lớn hơn trong công việc do phải cân bằng với việc nội trợ, sinh con. Các chính sách hỗ trợ phụ nữ tại nơi làm việc của Nhật Bản hiện chưa tháo gỡ được khó khăn này.
Một phần do Nhật Bản chưa mở rộng chính sách nghỉ thai sản cho đàn ông nên nữ giới vẫn phải gồng gánh việc nuôi con. Điều này có thể so sánh với Thuỵ Điển, quốc gia có tỷ lệ bình đẳng giới trong lao động thuộc hàng cao của thế giới. Năm 2021, chỉ 14% nam giới Nhật Bản nghỉ thai sản nhưng ở Thuỵ Điển, tỷ lệ này đạt 90%.
Hồi đầu năm 2023, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh, Nhật Bản cần khẩn trương tăng tỷ lệ sinh; đồng thời, tăng tỷ lệ nữ giám đốc điều hành trong các công ty niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo từ 11,4% lên 30% hoặc hơn vào năm 2030. Tuy nhiên, khoảng cách giới trong thị trường lao động Nhật Bản còn quá lớn.
Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ phụ nữ tại nơi làm việc, Nhật Bản cần cải thiện lương cho nữ giới. Theo kết quả Khảo sát thống kê cơ bản về cơ cấu tiền lương năm 2020 của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, lương của phụ nữ hầu như không tăng trong suốt sự nghiệp của họ.
Ngoài ra, đó là dẹp bỏ vấn nạn quấy rối tình dục trong môi trường làm việc như đụng chạm cơ thể, bình luận phân biệt giới tính... Pháp luật cần nâng cao nhận thức về quấy rối tình dục và phân biệt đối xử để phụ nữ yên tâm công tác và có động lực thăng tiến.
Một thách thức không nhỏ khác của Nhật Bản là vấn đề thiếu nữ giới hoạt động chính trị. Hình ảnh người phụ nữ làm chính trị mang lại nhiều ý nghĩa cho xã hội như truyền cảm hứng cho các bé gái, động lực để phụ nữ phấn đấu trong công việc, xoá bỏ định kiến đàn ông là trụ cột... Vì vậy, Nhật Bản cần chìa khóa thu hút phụ nữ tham gia chính trường.