Quyền bình đẳng của nữ giới: Nguồn gốc của bất ổn xã hội

GD&TĐ - Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều cơ sở chứng minh rằng, các xã hội bất bình đẳng với phụ nữ mang nhiều mầm mống bất ổn chính trị, bạo lực và đói nghèo…

 Đấu tranh cho nữ quyền.
Đấu tranh cho nữ quyền.

Tỷ lệ thuận với trình độ phát triển kinh tế

Phụ nữ lái xe hơi thì bị giết. Đó là luật bất thành văn của bộ tộc al-Ghazi ở miền Nam Iraq. Họ cũng cho phép nam giới kiểm soát toàn diện phụ nữ. Con gái phải chấp nhận lấy người chồng mà cha mình chọn. Nếu cô ấy qua lại với một người đàn ông khác, họ hàng của họ sẽ giết cả hai.

Phụ nữ chủ yếu ở trong nhà. Sau tuổi dậy thì, phụ nữ bị cấm ra ngoài đường. Các quy tắc nghiêm ngặt được đưa ra để “bảo vệ sự trinh nguyên” của phụ nữ. Và họ chỉ được gia đình chồng đối xử tốt nếu sinh được con trai. Ở nhà, phụ nữ phải vâng lời chồng, cha hoặc anh trai. Tại các cuộc họp cộng đồng, phụ nữ hoàn toàn vắng mặt, họ không có quyền phát ngôn.

Minh họa rõ hơn về thực trạng này, The Economist dẫn chứng ấn phẩm “Trật tự chính trị thứ nhất: Quản trị hình thái giới tính và an ninh quốc gia trên toàn thế giới” (The First Political Order: How Sex Shapes Governance and National Security Worldwide) xếp hạng 176 quốc gia trên thang điểm từ 0 - 16 theo tiêu chí “hội chứng phụ hệ/huynh trưởng”.

Đây là tổng hợp của những tiêu chí và đánh giá về các vấn đề như đối xử bất bình đẳng với phụ nữ trong luật gia đình và quyền sở hữu tài sản; tảo hôn đối với trẻ em gái; hôn nhân phụ hệ; chế độ đa thê, làm dâu, chuộng con trai; bạo lực đối với phụ nữ và thái độ của xã hội đối với vấn đề này… Điển hình, có xem hành vi hiếp dâm   là một tội phạm hay tài sản đối với đàn ông?

Theo đó, các nền kinh tế phát triển như Australia, Thụy Điển, Thụy Sĩ đều thuộc nhóm điểm số 0 (tốt nhất). Iraq có điểm số 15 (tệ hại), ngang bằng với Nigeria, Yemen và Afghanistan.

Điểm kém không chỉ giới hạn ở các nước nghèo hay các nước Hồi giáo, mà còn có ở xã hội phân biệt đẳng cấp như Ấn Độ và hầu hết các nước cận Sahara ở châu Phi (hạng kém). Nhìn chung, các tác giả ước tính rằng, 120 quốc gia vẫn đang bị ảnh hưởng bởi “hội chứng phụ hệ/huynh trưởng” theo một mức độ nào đó.

Nguồn gốc của bất ổn xã hội

Quyền học tập của phụ nữ dần được cải thiện.
Quyền học tập của phụ nữ dần được cải thiện.

Những bất hạnh mà các bé gái phải đối mặt ở các quốc gia “chót bảng” bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ. Những gia đình cực đoan hơn có thể phá thai khi biết là con gái. Theo ước tính, có ít nhất 130 triệu bé gái không được chào đời vì vấn nạn này.

Điều đó dẫn đến mất cân bằng giới tính, nhiều nam giới không lấy được vợ trong tương lai. Các nhà tâm lí học tội phạm cho rằng, những người đàn ông độc thân này có thể gây nguy hiểm tiềm tàng.

Các khu vực của Ấn Độ có nam giới dư thừa cũng xảy ra nhiều tình trạng bạo lực, cưỡng hiếp và hoạt động gây nguy hiểm cho phụ nữ. Cuộc bạo động ở Kashmir ngoài nguyên nhân chính trị cũng liên quan đến việc bang này có tỷ lệ giới tính lệch nhất Ấn Độ.

Chế độ đa thê có mối quan hệ mật thiết gây ra bất ổn xã hội. Điều này đặc biệt phổ biến ở những vùng chính trị phức tạp và dân trí thấp. Ví dụ, Mali, Burkina Faso và Nam Sudan chứng kiến hơn 1/3 dân số sống trong chế độ này.

Theo tính toán, nếu cứ 10% đàn ông giàu nhất có 4 người vợ, thì 30% đàn ông nghèo hơn sẽ mất cơ hội kết hôn. Điều này tạo ra động cơ mạnh mẽ để họ nổi loạn, giết những người giàu có và cướp tài sản.

Vấn nạn khác là thách cưới cũng phổ biến và gây bất ổn không kém. Nhà gái thường đòi hỏi tiền bạc hoặc sính lễ đắt đỏ. Tại Uganda, một chú rể sẽ phải trả cho gia đình cô dâu năm con bò, năm con dê và thêm tiền mặt. Hay tại Iraq, nhà trai có thể phải tiêu tốn đến 10.000 USD cho sính lễ.

Do chi phí hôn nhân đắt đỏ, đàn ông ở các xã hội bất bình đẳng giới tính cho rằng, mình có quyền sở hữu người vợ như tài sản, bạo hành cũng là quyền hiển nhiên gắn liền. Điều này cũng đúng với chiều ngược lại, khi không có khả năng tài chính, họ phải chịu mất đi cơ hội kết hôn.

Đáng nói, thách cưới gián tiếp gây ra một vấn nạn nghiêm trọng khác là tình trạng tảo hôn đối với các bé gái. Những gia đình có cả con gái và con trai, họ thường muốn gả con gái càng sớm càng tốt nhằm nhanh chóng mang về nhiều tài sản có được qua quá trình thách cưới, rồi dùng số tài sản này để cưới vợ cho con trai họ.

Ở Uganda, 34% phụ nữ kết hôn trước 18 tuổi và 7% trước tuổi 15. Kết hôn sớm đồng nghĩa với việc trẻ em gái phải bỏ học và đối mặt với tổn thương tâm lý nghiêm trọng vì bạo hành.

Đang dần chuyển biến tốt đẹp…

Tuy nhiên, ngày nay mọi việc đang dần chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp. Việc đấu tranh lâu dài cho quyền bình đẳng giới cũng như các chế định xã hội thừa nhận và phát huy vị thế, vai trò, năng lực của người phụ nữ đã có tác động xã hội sâu sắc, nhất là tác động đến ý thức của hệ thống thượng tầng.

Chế độ phụ hệ đang thoái trào. Việc chọn lọc giới tính ngày càng giảm. Chênh lệch giới tính ở Trung Quốc và Ấn Độ đã giảm đáng kể. Những nước từng có tỷ lệ giới tính chênh lệch cao như Hàn Quốc, Gruzia và Tunisia đã giảm trở lại gần như tỷ lệ tự nhiên.

Tình trạng tảo hôn cũng giảm. Kể từ năm 2000, hơn 50 quốc gia đã nâng độ tuổi kết hôn hợp pháp lên 18. Các tổ chức ủng hộ quyền phụ nữ đã thúc đẩy lệnh cấm tảo hôn đối với bé gái ở các quốc gia như Ấn Độ, Uganda, Ai Cập và Nigeria.

Sự tiến bộ này có thể thấy rõ ở Hàn Quốc. Năm 1991, luật pháp Hàn Quốc đã cân bằng quyền thừa kế của nam và nữ. Năm 2005, khái niệm pháp lý về “chủ hộ” duy nhất (thường là nam giới) đã bị bãi bỏ.

Trong khi đó, lương hưu nhà nước tăng đã làm giảm mạnh tỷ lệ người Hàn Quốc già sống cùng và phụ thuộc vào con trai của họ. Tâm lí phải sinh được con trai đã không còn tồn tại trong đại bộ phận người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.