Thủ đoạn lừa thanh thiếu niên làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài

GD&TĐ - Thời gian gần đây, một số thanh, thiếu niên ở huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) sập bẫy "việc nhẹ lương cao", bị đưa sang lao động bất hợp pháp ở nước ngoài.

Công an huyện Trà Bồng thăm hỏi L. Và N. (Ảnh Đông Nguyễn)
Công an huyện Trà Bồng thăm hỏi L. Và N. (Ảnh Đông Nguyễn)

Thanh thiếu niên thành mục tiêu của kẻ xấu

Theo Công an huyện Trà Bồng, tình trạng người trẻ bị lừa ra nước ngoài lao động bất pháp đang có chiều hướng gia tăng. Khi từ 4/2022 đến 6/2024, huyện miền núi này ghi nhận có ít nhất 7 trường hợp "sập bẫy".

Đa số nạn nhân đều ở độ tuổi thanh, thiếu niên. Thông qua mạng xã hội, những kẻ xấu mời chào làm công việc nhẹ nhàng với mức lương hậu hĩnh để tìm "con mồi".

Qua một lần tìm kiếm việc làm trên Facebook, em Hồ Thị L. (SN 2002) ở xã Trà Bùi, tình cờ kết bạn với một tài khoản lạ. Sau vài lần trò chuyện, L. đồng ý vào miền Nam làm việc với mức lương 9 triệu đồng/tháng và còn rủ thêm Đinh Thị N. (SN 2006) gần nhà cùng đi.

Người lạ đã mua sẵn vé xe cho L. và N. đi vào tỉnh Bình Dương. Khi đến nơi, cả 2 được đón bằng ô tô và có người nói sẽ đưa các em đến nơi làm việc. Tuy nhiên, nơi đến lại là khu vực rừng rú, lúc này cả 2 mới biết mình bị lừa.

Sau đó, L. và N. liền bị nhóm người uy hiếp rồi thu điện thoại di động và dẫn đi qua biên giới bằng đường rừng. Sau hành trình xuyên đêm, cả 2 bị ép vào làm việc cho 1 công ty và liên tiếp nhiều công ty khác sau đó.

Nhiệm vụ của L. và N. là hàng ngày lên mạng xã hội để dụ dỗ người Việt tham gia vào các đường link “làm việc tại nhà”, hướng dẫn chơi xem Facebook và Tiktok để nhận tiền, sau đó dụ dỗ đầu tư, tham gia cá cược… với lãi suất nhận được rất cao.

Tuy nhiên, khi người chơi muốn rút tiền từ tài khoản (tài khoản do chính các công ty lập ra) thì ngay lập tức máy báo lỗi và yêu cầu nộp phí khắc phục. Nộp nhiều lần mà vẫn không khắc phục được, khi bị phát hiện chiêu trò lừa đảo thì lập tức hệ thống cắt liên lạc và mất hút.

Quá trình làm việc, cả 2 em đều được trả lương, tuy nhiên nếu năng suất không đạt (doanh thu chủ yêu cầu trong ngày) sẽ không được trả lương, cùng với đó là bị đánh đập dã man và bán sang các công ty khác.

Tiền lương của 2 em đều bị chủ giữ lại và nói rằng đây là khoản tiền bị trừ vào tiền mua L. và N. Nếu ai muốn về thì yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc (trung bình khoảng vài trăm triệu). Tuy nhiên, qua lời kể của 2 em thì có rất nhiều người gửi tiền chuộc nhưng vẫn không được về.

May mắn, tận dụng sự mất cảnh giác của kẻ xấu các em đã báo tin về nước, Công an huyện Trà Bồng liền báo cáo với Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi và nhờ sự phối hợp giữa Bộ Công an cùng phía Campuchia cả 2 em đã được giải thoát về nước an toàn.

Công an huyện Trà Bồng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các lời mời chào việc nhẹ lương cao. (Ảnh Đông Nguyễn)

Công an huyện Trà Bồng khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các lời mời chào việc nhẹ lương cao. (Ảnh Đông Nguyễn)

Cảnh giác với những lời chào mời việc nhẹ lương cao

Theo Công an huyện Trà Bồng, không phải trường hợp nào cũng may mắn được trở về nhà như L. và T. Có nhiều nạn nhân từ ngày bị lừa đưa sang lao động bất hợp pháp ở Campuchia đến nay vẫn chưa được về nước.

Thủ đoạn chủ yếu của những kẻ xấu là sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook, zalo, tiktok ảo đăng tải thông tin kết bạn, giới thiệu công việc nhẹ với mức lương cao để tìm nạn nhân (từ 16 đến 35 tuổi), tổ chức đưa bất hợp pháp sang Campuchia, sau đó bán cho các công ty cờ bạc trực tuyến, game online, kinh doanh tiền số…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo đưa người làm việc ở nước ngoài gia tăng nhưng phổ biến là do sự cả tin, thiếu hiểu biết của người dân về sử dụng mạng xã hội, cộng thêm tâm lý nôn nóng, muốn được đi làm ngay ở những nơi có thu nhập cao.

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân khi sử dụng mạng xã hội tìm việc làm phải hết sức thận trọng, xác minh danh tính người môi giới, công việc được giới thiệu, địa chỉ… (có thể tìm hiểu trên internet, trao đổi cơ quan chức năng…) trước khi đồng ý tham gia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Dựa cậy và níu kéo

GD&TĐ - Mười sáu năm sau khi ký kết thoả thuận liên quan, Mỹ đã khánh thành căn cứ phòng thủ tên lửa đầu tiên trên lãnh thổ Ba Lan.