Thú cưng thả rông

GD&TĐ - Nhà nước đã có các văn bản quy định rõ về việc quản lý vật nuôi thuộc diện thú cưng, trong đó có chó.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh người đàn ông được cho là chủ của một chú chó cưng đã đánh vào mặt một người đàn ông khác, được cho là cha của cháu bé khi người này ngăn cản trước nguy cơ đứa con mình bị chú chó “tấn công”, trong lúc đợi thang máy tại một chung cư ở Quận 7, TPHCM.

Xem clip thì thấy, chú chó vẫn chưa gây tổn hại cho cháu bé, mới ở mức độ “nguy cơ”; cha của đứa trẻ cũng chưa “hành hung” chú chó, chỉ kịp đưa chân ra ngăn cản con chó nhưng hậu quả thì đã rõ: chủ chú chó đã cho một cú đấm “thôi sơn” khiến người cha của cháu bé bổ nhào, máu me đầm đìa trên mặt do vết thương nơi mí mắt trái; vùng mặt, mắt trái, gò má bên trái, phần mềm ngực trái bị chấn thương; răng cửa hàm dưới bị vỡ một miểng… Cú ra đòn của anh chủ chó chẳng khác gì một võ sĩ dành cho đối phương của mình trên võ đài!

Cơ quan chức năng đã xử lý vụ việc, anh chủ chó cũng đã có lời xin lỗi người bị hành hung nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó thì câu chuyện về nuôi thú cưng, coi vật nuôi quý hơn người và những hậu quả của nó thì vẫn sẽ tiếp diễn.

Không ai cấm con người yêu thương động vật cả, thậm chí còn khuyến khích nữa. Chó là động vật gần gũi nhất với con người, nó biết biểu lộ tình cảm hẳn hoi nên càng yêu thương nó hơn các con vật khác.

Nhưng yêu thương chó không đồng nghĩa với việc coi người khác là cỏ rác nếu người đó đụng vào con chó của mình như trường hợp trên đây.

Ở các thành phố lớn, ra công viên, hình ảnh thường gặp là “người dắt chó dạo chơi”. Có người cẩn thận thì rọ mõm chó lại nhưng đa phần là để chó tự do. Rất nhiều trường hợp chó đã tấn công người khác nếu người chủ sơ sểnh để chúng vượt khỏi tầm kiểm soát.

Sẽ không biết hậu quả như thế nào nếu con chó ấy đang mắc bệnh dại nhưng lại gây vết thương cho người. Nhiều trường hợp người bị chết oan vì chó cắn khi chủ không chịu rọ mõm chúng lại.

Chú chó trong trường hợp vừa kể thuộc diện được chủ để “tự do” không rọ mõm. Nó cứ xán lại đứa bé trước sự sợ hãi của cháu nên người cha mới dùng chân gạt nó ra khỏi nguy cơ đứa bé bị chó cắn.

Chuyện sẽ không quá nghiêm trọng nếu như chủ chú chó hợp tác với người đàn ông cùng tách chú chó ra khỏi đứa trẻ. Đằng này, anh ta lại hành xử quá thiếu kiềm chế nếu không nói là côn đồ.

Nhà nước đã có các văn bản quy định rõ về việc quản lý vật nuôi thuộc diện thú cưng, trong đó có chó. Rọ mõm chó là một trong những quy định bắt buộc đối với người nuôi thú cưng.

Thậm chí, văn bản còn đề cập đến việc khám định kỳ và chích thuốc ngừa bệnh dại thường xuyên cho thú cưng nữa, nếu không tuân thủ quy định đó, chủ vật nuôi sẽ bị phạt.

Quy định là vậy, song chả mấy ai áp dụng vì chẳng có cơ quan đoàn thể nào kiểm tra việc chấp hành của người nuôi thú cưng. Đã có bao nhiêu chuyện đau lòng chung quanh việc nuôi thú cưng nhưng thiếu đi sự quản lý nghiêm ngặt từ những người nuôi chúng. Để chó tấn công người là sai, ở đây còn “bênh chó” mà đánh người khác dẫn đến hậu quả đổ máu như thế, lại càng sai.

Suy cho cùng, con chó chỉ là vật nuôi trong nhà thôi mà. Quý nó thì quý thật nhưng con người thì vẫn quý hơn chó chứ ạ?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...