Trị chó thả rông, cần một "án lệ"

Chuyện nuôi chó không theo luật lệ tuy không lớn nhưng lại là thước đo hiệu lực thực thi pháp luật của chính quyền, ý thức chấp hành luật pháp của người dân.

Bầy chó thả rông trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Bầy chó thả rông trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Chuyện nuôi chó, chó cắn người đang là thời sự. Từ thực thi quy định về nuôi chó, xử lý khi chó cắn, đến cách ứng xử giữa chủ chó với người xung quanh, trách nhiệm của chính quyền... đều được đưa ra bàn thảo. 

Chuyện nuôi chó không theo luật lệ tuy không lớn nhưng lại là thước đo hiệu lực thực thi pháp luật của chính quyền, ý thức chấp hành luật pháp của người dân.

Đô thị có trật tự, nề nếp, một phần tùy vào việc như chấp hành quy định về nuôi chó. 

Liệu sau những "sự cố", việc nuôi chó có vào nề nếp? Rồi sẽ có đô thị, khu dân cư không còn phiền toái vì chó? Khó! Bởi nhìn vào thực tế, viễn cảnh này là xa vời nhưng cũng có thể thành hiện thực, nếu...

Pháp luật về vật nuôi đã khá đủ. Nuôi chó phải đăng ký, phải có sổ lý lịch (tên, địa chỉ, theo dõi tiêm phòng...). 

Chó ra đường phải rọ mõm, có xích và người dắt. Để chó làm bẩn môi trường, không an toàn về vệ sinh thú y, chủ chó bị phạt... 

Nhưng trên thực tế, pháp luật về vật nuôi chỉ được dùng tới khi có sự cố như chó cắn người gây thương tích, còn bình thường chẳng ai quan tâm, chính quyền cũng ít xử phạt. 

Khi có chuyện, giữa người dân trong phố thường cãi vã, thách thức, rồi "ném chó, chọi mèo" thay vì dùng tới pháp luật. 

Trên đường phố chó thả rông khắp nơi, cả nơi có bảng cấm chó. Người chở chó trên đường không rọ mõm nhưng chẳng mấy khi bị phạt. 

Dù ở phố nhưng một bộ phận người dân lại không muốn có sự ngăn nắp. Khi có quy định nuôi chó phải đăng ký với phường xã, đã có phản ứng, rồi không chấp hành. 

Tại TP.HCM, trước đây nhân viên thú y đi bắt chó thả rông thường đối mặt với "thù nghịch", ít khi chủ chó tỏ thái độ có lỗi do thả rông chó...

Có người nói chó thả rông tràn lan là do thực thi pháp luật không nghiêm. Người cho rằng do ý thức của một số dân đô thị chưa cao, trước tiên phải chấp hành, sau đó mới tới xử phạt. 

Sống ở đô thị, không thể muốn làm gì thì làm. Chính quyền đâu rảnh để đi rình bắt chó thả rông hay phạt chủ không rọ mõm chó... Lý lẽ nào cũng đúng.

Nhưng không thể chờ ý thức cao, cũng không thể để không gian sống ở đô thị bị phá bĩnh bởi một số người nuôi chó. 

Thấy chó thả rông, đâu khó để chính quyền phường xã truy ra chủ, nếu chưa đăng ký vật nuôi, cứ theo quy định mà phạt. Hay thấy chở chó trên đường không rọ mõm, mời chủ chó vào, ra biên bản kèm giấy phạt. 

Có phạt, người bị chủ chó làm phiền xem đó là "án lệ", không còn cãi vã mà chuyển sang mạnh dạn đấu tranh với chủ chó, có chuyện là gọi chính quyền. 

Khi đó, không cần chính quyền cho người đi rình bắt chó thả rông, chính người dân sẽ là "tai mắt" để buộc chủ chó tuân thủ pháp luật.

Chuyện phạt chủ chó để tạo "án lệ" cũng tương tự như chấn chỉnh nạn đậu ôtô bừa bãi. 

Trước đây, khi người dân góp ý đậu ôtô không đúng chỗ thường bị chủ xe thách thức, thậm chí dẫn đến xung đột. 

Thế nhưng chỉ cần chính quyền cho người xuống cẩu xe và phạt, hết ai dám đậu ôtô bừa bãi. Muốn đô thị bớt xấu xí vì chó thả rông, chính quyền hãy phạt để tạo ra "án lệ". Thử xem.

Theo Tuoitre.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.