Bé 37 tháng tuổi bị chó hàng xóm cắn thủng khí quản nguy kịch

GD&TĐ - Theo bác sĩ, đây là trường hợp tai nạn đặc biệt nguy hiểm khi tổn thương nằm ở khí quản, gần sát ngay bó mạch cảnh, bệnh nhi có nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Ảnh: TPO.
Ảnh: TPO.

Ngày 27/4, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, đã chữa trị kịp thời cho một bệnh nhi D.V.B (37 tháng tuổi, trú tại Hà Tĩnh) bị chó hàng xóm tấn công, làm rách vùng cổ và thủng khí quản.

Trước đó, đầu tháng 4/2021, trong lúc chơi đùa, bé B. không may bị chó hàng xóm cắn trúng phần cổ.

Ngay sau đó, cháu bé được đưa đến bệnh viện gần nhà để xử trí, cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, do vết thương sâu, bé B. được chuyển lên Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để tiếp tục chữa trị.

Ngay khi nhập viện, các bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nhận định vết thương vùng cổ bé B. phức tạp, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Qua quá trình tiến hành nội soi khí quản ống mềm và kiểm tra vết thương, các bác sĩ xác định vết thương gây thủng khí quản, tràn khí ở vết thương. Ngay lập tức, bệnh nhi được làm sạch vết thương và khâu kín lỗ thủng khí quản.

Theo bác sĩ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, đây là trường hợp tai nạn đặc biệt nguy hiểm khi tổn thương nằm ở khí quản, gần sát ngay bó mạch cảnh, bệnh nhi có nguy cơ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Bác sĩ đánh giá, bệnh nhi rất may mắn khi thương tổn chỉ gây thủng khí quản, không tổn thương mạch máu lớn và được xử trí rất nhanh, hiệu quả ngay từ đầu. 

Từ trường hợp bệnh nhi trên, các bác sĩ khuyến cáo, những vết cắn của chó rất nguy hiểm, có thể lây truyền vi khuẩn, virus bệnh dại, đặc biệt có thể tử vong do tổn thương khí quản, mạch máu lớn vùng đầu cổ, như trường hợp của bé D.V.B nêu trên.   

Bác sĩ lưu ý các bậc phụ huynh nên hạn chế nuôi chó khi có con nhỏ trong nhà, nếu có thì tuyệt đối không để bé chơi một mình với chó mà không có ai quan sát.

Trường hợp nếu nuôi chó cần chích ngừa đầy đủ, đeo rọ mõm khi ra ngoài đường, xích chó khi không có người trông giữ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giải thoát cho rùa biển

GD&TĐ - Chấm dứt hành vi xả chất thải nhựa xuống biển mới là cách giải thoát căn cơ cho các loài thủy sinh trong lòng đại dương, trong đó có loài rùa.