Tiện ích lớn nhất của thớt nhựa chủ yếu nằm ở bề mặt trơn nhẵn của nó. Người ta có thể dội nước sôi hay cọ rửa lên thớt nhựa mà không lo hỏng thớt. Nhưng liệu đó có phải là lý do để cho rằng thớt nhựa thực sự tốt hơn thớt gỗ?
Giáo sư Dean O. Cliver, chuyên gia về an toàn thực phẩm tại Đại học California (Mỹ) và một nhóm sinh viên đã nuôi cấy vi khuẩn salmonella trên thớt nhựa và thớt gỗ mới được sử dụng và sau đó dùng giẻ rửa bát làm sạch thớt với xà phòng, nước nóng.
Với thớt gỗ, vi khuẩn sẽ bị hút xuống dưới các rãnh trên bề mặt thớt, nơi chúng không sinh sôi được nữa và thậm chí sẽ bị chết. Ngay cả những thớt gỗ cũ có rãnh sâu cũng cho thấy mức độ tồn tại của vi khuẩn ít như những chiếc thớt mới.
"Có thể bạn sẽ nghĩ vi khuẩn nằm dưới các rãnh sẽ dính trở lại vào thức ăn khi chúng ta dùng dao băm chặt", Cliver nói trên tờ Rodalesorganiclifemới đây. Tuy nhiên, nghiên cứu của ông cho thấy vi khuẩn không bao giờ xuất hiện trở lại trên bề mặt thớt, ngay cả khi thức ăn được băm chặt nhiều lần bằng lưỡi dao sắc.
Thớt gỗ sẽ hút các vi khuẩn xuống, trong khi thớt nhựa không làm được điều này. Vì thế mà vi khuẩn vẫn ở bề mặt thớt nhựa, gây mất an toàn. |
Trong khi đó, những cái thớt làm bằng nhựa dù đã được làm sạch và khử trùng đến vài lần mà vi khuẩn vẫn còn. "Với thớt nhựa, dù đã rửa dưới vòi nước nóng thì các vi khuẩn trong rãnh vẫn sống được.
Máy rửa bát cũng không loại bỏ được vấn đề vì vi khuẩn không chết đi mà lắng đọng và bám dính trở lại trên chén bát bên trong máy rửa bát. Ngay cả khi dùng các loại nước khử trùng (như thuốc tẩy Clo) thì vẫn thấy có vi khuẩn còn sót lại trong rãnh thớt", Cliver nói.
Một nghiên cứu tương tự được thực hiện bởi Viện Công nghệ và quản lý cũng cho thấy rằng trừ khi được ngâm thuốc khử trùng suốt đêm, thớt nhựa cực kỳ dễ dính bám cặn bã khó tẩy rửa từ các loại thức ăn. Những loại cặn bã này là môi trường lý tưởng để vi khuẩn và nấm mốc sinh sôi.
Áp dụng nghiên cứu của giáo sư Cliver, cả Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đều đã khuyên người dân dùng các loại thớt từ gỗ thích (còn gọi là gỗ maple, loại được dùng làm thớt ở Mỹ) hoặc các loại gỗ cứng khác.
Tuy vậy cũng nên nhớ rằng bạn sẽ chẳng thu được lợi ích nào từ việc dùng thớt gỗ nếu không rửa sạch mặt thớt trước khi dùng. Cliver đưa ra lời khuyên: "Đừng để cặn bã của thực phẩm bám cáu trên bề mặt thớt. Ngay trong khi sử dụng, cần phải làm sạch luôn".
Giáo sư Cliver cũng làm một thí nghiệm và thấy rằng lò vi sóng có thể tiêu diệt vi khuẩn rất hiệu quả, kể cả những vi khuẩn nằm sâu dưới bề mặt.
Vì vậy, chuyên gia này khuyên, sau khi rửa sạch thớt theo cách thông thường, bạn cho thớt vào lò vi sóng, để trong năm phút, làm như thế khoảng 2 lần mỗi tuần. Chỉ áp dụng thủ thuật này với thớt gỗ, không cho thớt nhựa bởi nó không chịu nhiệt cao. Cũng không cho thớt gỗ có bọc kim loại vào trong lò vi sóng.