Học sinh tự tin đến lớp
Có hơn 11 năm kinh nghiệm đứng lớp ở vùng núi cao huyện Tây Trà, cô Nguyễn Thị Thu Đông - Giáo viên Trường TH&THCS số 2 Trà Phong - chia sẻ: Một trong những nguyên nhân khiến học sinh miền núi bỏ học giữa chừng đó là việc so sánh học lực giữa học sinh này với học sinh khác dẫn đến các em cảm thấy xấu hổ, thua kém bạn bè, rồi bỏ trường bỏ lớp.
Vì thế, khi triển khai thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh không điểm số đã gần như xóa bỏ được những hạn chế mà việc đánh giá học sinh theo điểm số gây ra như trên.
Mặt khác, khi triển khai đánh giá học sinh theo hướng động viên, khuyến khích học sinh nên hầu hết các em chuyên tâm với giờ học, việc đến lớp chuyên cần hơn và không còn tình trạng học sinh đi học “giã gạo” hay bỏ học giữa chừng.
Có cùng nhìn nhận, thầy Lê Văn Tư (Trường PTDT bán trú Trà Lãnh) bày tỏ, với đặc điểm học sinh ngày một giảm nên tỷ lệ học sinh/lớp ngày càng ít đi.
Chính vì vậy, hoạt động dạy học thường ngày trên lớp đối với giáo viên có nhiều thuận lợi hơn, giáo viên có thời gian quan tâm, chỉ bảo, kèm cặp học sinh.
Cho nên, khi bắt đầu triển khai thực hiện Thông tư 30, hầu hết đội ngũ giáo viên cảm thấy không bị áp lực nhiều, ngoại trừ một số giáo viên bộ môn tỏ ra khá vất vả khi phải theo dõi, đánh giá vì có số lượng học sinh đông hơn, sổ sách cũng nhiều hơn.
Thầy Tư cho hay: “Với việc chuyển đổi mô hình trường TH&THCS sang mô hình trường PTDT bán trú cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc trong thời gian qua, nay có tác động tích cực hơn đến công tác đánh giá học sinh theo Thông tư 30.
Được tổ chức ăn ở bán trú, học sinh được giáo viên phụ đạo vào buổi tối và kèm cặp, động viên trong suốt thời gian ở trường… nên hiệu quả mang lại từ công tác đánh giá thường xuyên học sinh trên lớp cho thấy những kết quả rất rõ nét”.
Phát huy vai trò chủ thể của giáo viên
Cô Đỗ Thị Bình - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn bậc tiểu học Trường TH&THCS số 2 Trà Phong - cho biết thêm: Trên cơ sở nội dung tập huấn cho đội ngũ giáo viên, cán bộ chuyên trách nhà trường bám sát chỉ đạo các tổ, khối chuyên môn hỗ trợ, giúp đỡ giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên bằng nhận xét lời nói và lời viết.
Tuy nhiên, để phù hợp với đối tượng học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số và trình độ văn hóa của phụ huynh học sinh nên khi triển khai thực hiện Thông tư 30 chúng tôi khuyến khích giáo viên chủ động vận dụng một cách linh hoạt đánh giá học sinh bằng lời nói hơn là đánh giá bằng chữ viết.
Trong đó, điều quan trọng nhất là giúp giáo viên hiểu đúng và đầy đủ ý nghĩa của việc đổi mới đánh giá học sinh, cách nhận biết các năng lực, phẩm chất của học sinh… từ đó hình thành và xây dựng lời nhận xét, hướng dẫn học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện và cách ra đề kiểm tra cuối học kì, cuối năm học.
Theo kinh nghiệm thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của nhiều trường tại hai huyện miền núi Tây Trà và Trà Bồng, để việc ghi nhận xét vào vở của học sinh một cách khoa học cũng như tránh hiện tượng giáo viên bị áp lực, quá tải dẫn đến đối phó khi thực hiện đánh giá học sinh, nhà trường đã photo thêm sổ đánh giá cấp cho giáo viên giúp giáo viên có thể nhận xét học sinh bất kì lúc nào theo kế hoạch giảng dạy và tự tin hơn trong quá trình theo dõi, nhận xét học sinh.
Cách làm này không chỉ được giáo viên chủ nhiệm hưởng ứng mà bộ phận giáo viên dạy bộ môn cũng tỏ ra hết sức vui mừng, giảm áp lực đi rất nhiều khi hàng ngày phải giảng dạy nhiều lớp, nhiều học sinh.
Thầy Phạm Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tây Trà - chia sẻ: Qua công tác dự giờ, thăm lớp ở các trường trên địa bàn có thể thấy sau gần 3 tháng triển khai thực hiện đánh giá học sinh không điểm số, đến nay đội ngũ giáo viên tiểu học tại các cơ sở giáo dục đã cơ bản có một nhận thức đúng đắn và thống nhất về tinh thần, chủ trương của Thông tư 30.
Qua kiểm tra cũng cho thấy, lãnh đạo các trường đã thường xuyên theo dõi công tác thực hiện đánh giá học sinh của giáo viên và có những giải pháp hỗ trợ giúp đỡ, động viên giáo viên nâng cao năng lực, trách nhiệm và lương tâm trong đánh giá, nhận xét học sinh.
Các tổ chuyên môn ở trường học cũng thường xuyên sinh hoạt định kỳ để quán triệt Thông tư 30, trao đổi những kỹ năng đánh giá học sinh cho đội ngũ giáo viên từng môn học.
Theo cô Đỗ Thị Bình, một nhân tố quan trọng làm cho công tác đánh giá học sinh theo Thông tư 30 gặp nhiều thuận lợi trong thời gian qua là đội ngũ giáo viên nhà trường được chuẩn hóa 100%, trong đó giáo viên có trình độ chuyên môn trên chuẩn chiếm phần lớn.
Họ là những giáo viên tiểu học được đào tạo chính quy, có năng lực chuyên môn cũng như tinh thần trách nhiệm, năng động trong mọi công tác, nhất là việc thích ứng với cái mới rất nhanh.