Trước đó, London đã cung cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine để bắn từ xe tăng Challenger do Anh sản xuất.
Quan chức cấp cao Nga tiết lộ về nguy cơ trên tại cuộc họp chính phủ hôm 19/5. Trong đó ông cáo buộc Mỹ thao túng các đồng minh của mình để cung cấp “sự giúp đỡ” cho các quốc gia khác dẫn đến tổn hại cho người nhận.
“Họ cũng 'giúp' Ukraine theo cách này và gây áp lực lên các nước vệ tinh của họ để cung cấp đạn uranium nghèo. Loại đạn này khi bị phá hủy đã tạo ra một đám mây phóng xạ di chuyển về phía Tây Âu. Họ đã phát hiện ra sự gia tăng phóng xạ ở Ba Lan” - ông Patrushev nói.
Một số thông tin đã lan truyền ở Ukraine liên quan đến mục tiêu các cuộc tấn công vào 13/5. Trước đó, Moscow cho biết đã phá hủy một kho đạn ở thành phố Khmelnitsky. Theo các tuyên bố, kho đạn đó được sử dụng để lưu trữ đạn uranium nghèo do Anh cung cấp. Có ý kiến cho rằng loại đạn này có thể đã biến thành bụi do các vụ nổ mạnh tại nhà kho.
Trước đây Nga từng cảnh báo việc sử dụng đạn uranium nghèo sẽ gây ra mối đe dọa lâu dài cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thông tin này dựa trên nghiên cứu ở các quốc gia như Serbia và Iraq, nơi đạn uranium nghèo được sử dụng trước đó. Tuy nhiên, London đã phủ nhận một rủi ro như vậy.
Mặc dù có tính phóng xạ nhẹ, nhưng uranium nghèo chủ yếu được coi là gây nguy cơ đối với sức khỏe vì vật liệu này là một kim loại nặng độc hại. Các hạt uranium hoặc uranium oxit được tạo ra trong một vụ nổ có thể khiến bất kỳ ai tiếp xúc với chúng hít phải hoặc gây ô nhiễm môi trường.
Trong khi đó, hôm 15/5, nhà chức trách Ba Lan bác bỏ tuyên bố rằng một lượng phóng xạ tăng đột biến đã được phát hiện ở thành phố Lublin phía đông nước này.
Những suy đoán về vụ nổ ở Khmelnitsky được tăng cường sau khi có thông tin về việc các cuộc tuần tra của quân đội Ukraine được cho là đã thu thập các mẫu trong và xung quanh thành phố này.