Bà Tám cho biết, đây là sự cố ngoài ý muốn và hi hữu. Từ năm 2018, trên địa bàn huyện đã xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm tại trường mầm non Xuân Nộn. Ngay lúc đó, huyện đã xây dựng Đề án đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học.
Huyện đã thành lập hội đồng, rà soát toàn bộ các đơn vị, cơ sở cung cấp thực phẩm đầu vào cho các nhà trường, cho các bếp ăn. Trên cơ sở rà soát như vậy, huyện cung cấp danh sách cho các nhà trường để kí hợp đồng. Huyện đã cố gắng để thực phẩm cung cấp cho các nhà trường sao cho an toàn nhất.
Sau khi sự việc xảy ra tại 2 trường học, Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm của huyện đã ngay lập tức vào cuộc. Chi cục an toàn thực phẩm của thành phố đã chỉ đạo nhà trường cũng như Ban chỉ đạo các xã Liên Khê và Tiên Dương vào cuộc kịp thời để chung tay với ngành y tế xử lí.
Khi gặp những sự cố như vậy thì sự an toàn về sức khỏe của các cháu được đặt lên hàng đầu. Rất may mắn tại Trường Tiểu học Tiên Dương chỉ có 22 cháu ngộ độc ở mức độ nhẹ, có 4 cháu nằm viện thì đến giờ phút này tình hình đã ổn định, không cháu nào bị nặng.
Đến nay sau 2 hôm nằm viện thì các cháu đã ra viện. Mọi việc ở các nhà trường vẫn diễn ra bình thường. Ban chỉ đạo liên ngành của huyện đã kiểm tra bếp ăn, lập biên bản tất cả các nội dung toàn bộ các mẫu liên quan như mẫu thức ăn, những nội dung về sữa học đường, gửi 13 mẫu đi xét nghiệm.
Còn tại Trường Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu có 11 cháu biểu hiện ngộ độc, không cháu nào đi viện. Huyện đã phun khử khuẩn và tạm dừng các bếp ăn này cũng như tạm dừng uống 2 lô sữa nghi ngờ, rà soát lại toàn bộ trên địa bàn toàn huyện đối với tất cả các bếp ăn của các nhà trường và các nhà trường liên quan đến khâu an toàn thực phẩm.
Hôm chủ nhật (13/9), huyện đã đã tổ chức cuộc họp gồm lãnh đạo ngành GD-ĐT, hiệu trưởng các nhà trường, lãnh đạo UBND các xã thị trấn các phòng ban liên quan rà soát toàn bộ quy trình chế biến thực phẩm trong trường học.
Trong tuần này, Ban chỉ đạo liên ngành của huyện và các xã thị trấn sẽ đi kiểm tra từng bếp ăn tổng hợp thống kê và đánh giá chi tiết. Sau khi xảy ra sự cố, huyện đã siết chặt quản lí nhà nước cũng như tăng cường khâu an toàn thực phẩm.
Huyện cũng đã chỉ đạo các xã rà soát toàn bộ các hàng quán trước cổng trường, cũng không loại trừ trường hợp bán hàng rong là nguyên nhân gây ảnh hưởng mất an toàn thực phẩm đối với các cháu.
Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế Hà Nội, bữa trưa 10/9, Trường Tiểu học Lê Hữu Tựu tổ chức cho 948 học sinh ăn bán trú do hộ kinh doanh Lê Tuấn Mạnh nấu tại trường và bữa phụ lúc 14h cùng ngày.
Sau đó, buổi học sáng 11/9, có 16 học sinh nghỉ học với nhiều lý do, trong đó, 11 học sinh có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài 2-3 lần, 1 học sinh kèm theo sốt nhẹ, được điều trị tại gia đình.
Trước đó, tại Trường Tiểu học Tiên Dương (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), có 22 học sinh nghi ngờ nhiễm khuẩn đường ruột theo dõi do vi sinh vật, trong đó, có 4 học sinh nằm viện sau bữa ăn bán trú ngày 9/9.