Thông tin mới nhất 2 dự thảo Luật về Giáo dục, những nghĩa cử đẹp

Ảnh minh họa.internet
Ảnh minh họa.internet

Tháo gỡ những nút thắt về chính sách

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được đưa ra thảo luận lấy ý kiến. Trước những vấn đề đang đặt ra cho giáo dục đại học về tăng cường tự chủ, đổi mới quản trị, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế của giáo dục đại học Việt Nam ngang tầm quốc tế… dự thảo Luật Giáo dục đại học cần tạo ra sự đột phá về cơ chế, chính sách, gỡ bỏ những “nút thắt” cản trở giáo dục đại học phát triển.

6 điểm mới căn bản trong dự thảo Luật Giáo dục đại học theo Bộ GD&ĐT bao gồm: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; đổi mới quản trị đại học; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học; sửa đổi quy định về giảng viên theo hướng đảm bảo chuẩn chất lượng, giao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học trong việc bổ nhiệm, suy tôn các chức danh giảng viên; và điểm mới về tài chính, tài sản trong giáo dục đại học.

Trong đó, mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học là chính sách lớn nhất thể hiện trong Dự thảo Luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy tối đa nội lực, tự chủ, linh hoạt, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng, hội nhập quốc tế.

Về những điểm mới trong dự thảo Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT đề cập đến: Tính chất mở và liên thông của hệ thống giáo dục; mục tiêu giáo dục phổ thông; chương trình giáo dục phổ thông; giáo dục thường xuyên; nhà giáo, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo; chính sách học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; việc công nhận văn bằng nước ngoài.

Luật Giáo dục sửa đổi được kỳ vọng không chỉ phù hợp với hiện tại mà còn tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho giáo dục phát triển trong nhiều năm tới.

Cô Trần Hồng Nhung
Cô Trần Hồng Nhung 

Giảng viên bí mật dùng lương giúp trò; HS Thanh Hóa trả lại của rơi

Báo Dân trí chia sẻ câu chuyện về nữ giảng viên bí mật dùng tiền lương giúp học trò. Cô giáo trẻ, xinh đẹp được nhắc tới là Trần Hồng Nhung - khoa Marketing, trường ĐH Kinh tế quốc dân.

5 năm trước, cô Hồng Nhung từng bí mật trích một khoản tiền lương của mình để giúp đỡ một sinh viên trong lớp cô giảng dạy. Câu chuyện này 5 năm sau mới được hé lộ.

Nhắc lại kỷ niệm cũ, cô Nhung xúc động: “Hồi đó mình không giảng hết cả kỳ lớp bạn học sinh này, vì mới là giảng viên tập sự, nhưng vì cô trẻ nên rất nhanh thân thiết với cả lớp.

Chính vì vậy khi có bạn cần giúp đỡ thì mình đã hành động luôn trong khả năng có thể của mình mà không đắn đo. Gia đình mình không phải khá giả nhưng bố mẹ mình cũng rất chiều con gái, chưa chồng thì bố mẹ vẫn nuôi nên mình thực sự có điều kiện để dùng lương tháng giúp sinh viên của mình”

Trước đó, cộng đồng mạng chuyền nhau câu chuyện của một cựu nam sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân trên diễn đàn NEU Confessions. Bài viết kể về sự cảm phục trước tấm lòng của nữ giảng viên trẻ, sẵn sàng bỏ tiền của mình để bí mật giúp đỡ học sinh.

Trong bài viết này, cựu nam sinh gửi lời cảm ơn cô giáo cũ, đồng thời thể hiện lòng cảm kích bởi cô là người đã gieo tính nhân văn vào bất kì hoạt động kinh doanh nào của mình.

2 học sinh được nhận bằng khen vì việc làm tốt
2 học sinh được nhận bằng khen vì việc làm tốt 

Trên báo Tiền phong có đăng tải bài viết về 2 học sinh Trường THPT Nông Cống 2, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) nhặt được số tiền hơn 9 triệu đồng, rồi nhờ người tìm chủ nhân của số tiền trên để trả lại.

Sau đó, số tiền này đã được trao trả lại cho anh Nguyễn Trọng Thanh, thôn 2, xã Trung Thành. Anh Nguyễn Trọng Thanh là người tàn tật do di chứng của chất độc màu da cam, phải đi xe lăn.

Để tuyên dương hành động cao đẹp của hai em Quân và Việt, ngày 19/5, Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống và huyện đoàn Nông Cống đã tổ chức trao giấy khen, khen thưởng cho hai em Đào Hoàng Quốc Việt và Nguyễn Đức Quân.

Trên báo Lao động điện tử có bài viết về lớp học tiếng Anh miễn phí nơi cửa Phật giữa lòng Thủ đô. Theo bài viết này, thay vì đến các trung tâm ngoại ngữ thì tại ngôi chùa Pháp Vân (Hà Nội), các học viên được học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài và điều đặc biệt là lớp học này hoàn toàn miễn phí.

Người thành lập ra lớp học với tên gọi Happy Class là cô giáo Trần Thị Hương Duyên. Dù ra đời chưa đầy năm, lớp học Happy Class đã thu hút nhiều em nhỏ theo học. Tại đây, các em không chỉ được học tiếng Anh mà còn được học cách ứng xử trong cuộc sống.

Lê Tuyết Quỳnh Anh và Phạm Thị Minh Huệ (học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) từng giành giải Nhất cuộc thiKhoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018. . ảnh: vietnamnet

Lê Tuyết Quỳnh Anh và Phạm Thị Minh Huệ (học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) từng giành giải Nhất cuộc thiKhoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018. . ảnh: vietnamnet


Những giải thưởng của học sinh Việt

Ngày 19/5, một số báo đưa tin về dự án của học sinh Việt Nam giành giải Ba cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF 2018) tổ chức tại Mỹ.

Người giành giải này là 2 em Lê Tuyết Quỳnh Anh và Phạm Thị Minh Huệ (học sinh Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng) với dự án ở lĩnh vực Hoá sinh: “Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus). Với giải thưởng này, đôi bạn nhận được 1000 USD. Đây cũng là giải thưởng duy nhất mà đoàn Việt Nam giành được ở kỳ thi năm nay.

Thông tin trên Hanoimoi, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ, giáo viên đã từng tham gia bồi dưỡng, dẫn đoàn học sinh tham dự Olympic các môn khoa học trẻ quốc tế (JISO). JISO được tổ chức lần đầu tiên tại Indonesia năm 2004, dành cho học sinh lứa tuổi 15.

Qua các kỳ thi, các đội tuyển học sinh của Hà Nội đã giành 46 huy chương các loại, trong đó có 5 Huy chương vàng. 4 trường THPT có nhiều thành tích trong việc bồi dưỡng học sinh tham dự JISO là: Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, Sơn Tây và Chu Văn An.

Bài thi của JISO gồm các bài kiểm tra lý thuyết và thực hành liên quan đến các kiến thức, kỹ năng của môn vật lý, hóa học, sinh học và toán học. Trong hầu hết các kỳ thi, Sở GD&ĐT Hà Nội đều được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thành lập, tổ chức đội tuyển học sinh dự thi.

Ngày 18/5, Thanh niên và một số báo khác đưa tin về lễ trao giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018. Năm nay có 54 hồ sơ đăng ký tham gia, kết quả có 3 nhà khoa học được xét tặng. Trong đó, 2 giải thưởng chính được trao cho TSKH Trần Đình Phong, Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN) và PGS-TS Phạm Văn Hùng, Trường đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Giải thưởng dành cho nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) được trao cho TS Đỗ Quốc Tuấn, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.