Thống nhất trong đa dạng

GD&TĐ - Tháng 6 là thời gian các tỉnh/thành tiến hành tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Đến nay, nhiều địa phương đã hoàn thành kỳ thi vào THPT cuối cùng theo Chương trình GDPT 2006. Dù một số nơi đưa yếu tố mới trong bài thi/môn thi nhưng cơ bản cấu trúc, định dạng đề giữ ổn định để thuận lợi cho thí sinh, tránh người học bị “sốc” vì những thay đổi đột ngột.

Kỳ thi vào lớp 10 được giao cho địa phương quyết định, Bộ GD&ĐT chỉ quy định chung. Cụ thể, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch và phương thức tuyển sinh THPT; môn thi, ra đề thi, hình thức thi, thời gian làm bài, hệ số điểm bài thi, điểm cộng thêm… là trách nhiệm của các sở GD&ĐT. Một số yêu cầu cơ bản đặt ra với đề thi là bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ rõ ràng; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS; bảo đảm phân loại được thí sinh…

Tuy nhiên, vì đề thi tuyển sinh vào lớp 10 hoàn toàn là sản phẩm của địa phương nên không tránh khỏi tình trạng mỗi nơi một kiểu dù học sinh toàn quốc học chung một chương trình, bộ sách giáo khoa. Đề ra quá nhiều câu hỏi mới chưa hẳn đã tốt; nhưng chỉ theo khuôn mẫu, học sinh biết trước dạng, học tủ cũng không hay.

Riêng với môn Ngữ văn, một giáo viên chia sẻ có nơi vẫn ra đề theo cấu trúc 30% kiến thức đọc hiểu, 70% kiến thức làm văn (gồm cả dạng bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học). Có nơi 50% đọc hiểu (câu hỏi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn), 50% là phần tự luận kiểm tra kiến thức nghị luận văn học. Có địa phương lại chủ yếu kiểm tra kiến thức đọc hiểu và viết đoạn văn nghị luận xã hội…

Phần ngữ liệu, nhiều nơi sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa Ngữ văn 9 của Chương trình GDPT 2006, nhưng một số địa phương lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Thậm chí, dù dạy sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2006, nhưng một số địa phương đã ra đề thi vào lớp 10 có cấu trúc hướng theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018, sử dụng nhiều loại văn bản mới như văn bản thông tin, ngữ liệu kết hợp với tranh ảnh minh họa để làm dữ liệu trong đề… Xu hướng này đặc biệt rõ trong năm nay - năm cuối cùng thi theo Chương trình GDPT 2006.

Năm 2025 sẽ trở thành dấu mốc đặc biệt vì đây là năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 theo chương trình mới. Thời điểm này, các nhà trường, giáo viên, học sinh đều mong mỏi thông tin về phương án thi, định hướng đề thi vì chắc chắn sẽ có những thay đổi; đặc biệt với môn Ngữ văn, đề không còn sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa như trước.

Đề thi luôn được coi là khâu trọng yếu, đặc biệt với những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT… Ra được đề thi chất lượng là công việc khó. Do đó, nhiều nhà giáo cho rằng, sẽ thuận lợi hơn cho địa phương nếu Bộ GD&ĐT có hướng dẫn chung. Lý do, lần đầu tiên ra đề thi theo yêu cầu của chương trình mới khó tránh khỏi lúng túng, bỡ ngỡ.

Thêm nữa, yêu cầu ra đề theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, bám sát chương trình, không phải theo bất cứ bộ sách giáo khoa nào như trước đây cũng cần có định hướng từ Bộ GD&ĐT. Việc này còn giúp bảo đảm sự “thống nhất trong đa dạng”; từ đó địa phương có căn cứ, “chỗ dựa” ra đề thi bảo đảm yêu cầu chung, nhưng đồng thời đáp ứng đặc điểm riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ